Hình ảnh ấy là sự khổ luyện không quản ngày đêm chỉ có thể đong đếm bằng mồ hôi và nuớc mắt của cô gái đến từ miền đất võ.
Một động tác uốn dẻo của Hiệp.
Uốn dẻo từ tuổi lên ba
Sân tập luyện của rạp Xiếc TP. HCM, giữa bốn bề được bao bọc bởi những lớp bạt ngăn gió, chắn bụi khiến cho không khí càng trở nên ngột ngạt, oi bức. Cô gái nhỏ thó, thanh mảnh đang đu mình trên dây xích thực hiện động tác tung người, rồi cô lại uốn cong thân mình ngược lên không trung, cái đầu làm trụ, một chân giương cung, một chân ngắm mũi tên bắn vỡ tung trái bong bóng cách xa vài mét.
Mồ hôi thấm ướt sũng chiếc áo thun cô đang mặc trên người, nhỏ từng giọt xuống nền sàn loang lổ vết úa vàng. Tôi nghe rõ hơi thở dồn dập, gấp gáp của cô trong mỗi bài tập. Phía sau tấm rèm sân khấu hào nhoáng kia là sự đánh đổi không tương xứng của những giá trị nghệ thuật trình diễn con người. Trong giờ nghỉ giải lao ít ỏi, cô tâm sự với tôi về đời xiếc của mình với một tình yêu lấp lánh phía sau giọt mồ hôi còn chưa ráo hẳn.
Nguyễn Thị Thu Hiệp sinh ra trên miền đất võ Bình Định trong gia đình có 3 chị em. Ba mẹ quanh năm tất bật với công việc bán buôn nên những đứa con trong gia đình luôn phải tự học là chính. Ngoài giờ học, chị em Hiệp thường rủ nhau chơi nhảy cao, uốn mình, ép dẻo. Ba cô thấy vậy cũng nhiệt tình ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất cho con rèn luyện. Thấy được sự yêu thích của con, ông thường giúp con gái bật người, xoạc chân, uốn cong... Mới 3 tuổi, cô bé Hiệp đã có khả năng uốn cong thân mình, đầu và chân có thể chạm đất giống với hình cây cung.
Đam mê và thích thú đến nỗi ngày nào cô cũng phải làm những thao tác ấy, không làm thì thấy nhớ. Học lớp 3, Hiệp có thể thực hiện thành thạo và nhuần nhuyễn những kiểu bẻ người, uốn người. Tiếp bước theo người chị, năm học lớp 7, Hiệp được gia đình cho ra Hà Nội học trường Trung cấp Xiếc. Tại đây, bắt đầu những chuỗi ngày một cô bé miền biển phải đổ mồ hôi trên sàn tập. Một buổi Hiệp học văn hóa, một buổi tập luyện.
Dù đã có nền tảng từ trước, nhưng những ngày đầu phải đứng thăng bằng trên một cái thang dài 4m trên cao, Hiệp đã khóc. Cô thấy choáng váng, hoảng sợ trước độ cao. Thầy giáo không cho xuống vậy là cô phải ngồi trên thang tay run run, nước mắt lưng tròng.
Xiếc là môn thể thao biểu diễn khả năng nghệ thuật của con người mà ở đó đòi hỏi những nghệ sĩ phải làm được những gì người bình thường không làm được. Mỗi người chọn cho mình một lĩnh vực hoạt động riêng và Hiệp đã chọn cách bắn cung bằng... chân. Cái khó của việc bắn cung bằng chân là con người phải lộn ngược, đầu ngả ra sau, chân đưa lên cao, tay chống xuống đất, mắt không được nhìn thẳng nhưng ngắm làm sao để phải trúng đích. Hiệp đã mất 3 năm để tập luyện cho môn chơi này.
Cô chia sẻ: "Lúc mới làm toàn ngắm trượt thôi. Đến khi biểu diễn cũng không tránh khỏi thất bại, nhưng được cái mọi người cổ vũ nhiệt tình, ủng hổ hết mình khiến tôi lấy lại tinh thần, vững tin và có động lực để thành công. Bắn một lần trượt làm cho thân mình đau đớn, thời gian gồng mình trên giá đỡ của đôi tay phải kéo dài, nên khi thực hiện xong thì hầu như không con chút sức lực nào".
5 năm học và tập luyện, niềm vui đầu tiên là Hiệp được đối tác người Pháp chọn ngay trong buổi đầu tiên cô diễn. Lần đó, Hiệp đã xuất sắc vượt qua hàng chục diễn viên, là người duy nhất, trẻ nhất được sang Pháp diễn. Từ đây, cô chính thức bước vào con đường nghệ thuật xiếc như định mệnh của số phận.
Nước mắt vị cha nuôi người Nhật
Từ Hà Nội, cô theo người chị gái vào TP.HCM lập nghiệp. Cô gái vừa tròn 20 tuổi Nguyễn Thị Thu Hiệp bắt đầu những buổi lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Cô đặt chân đến nhiều vùng đất và tiếp xúc với muôn mặt cuộc sống ngoài đời. Cái không gian bó hẹp, tù túng ở nơi gác trọ nhanh chóng lẩn khuất để nhường chỗ cho sự xa hoa, tráng lệ ở xứ người. Cảm giác cô đơn, nhớ nhà của cô được bù đắp bằng tình cảm thân thương của người dân xứ lạ.
Những pha đu người trên không luôn ẩn chứa sự nguy hiểm vô hình.
Tại đất nước hoa anh đào, Hiệp đã có 3 tháng để sống và diễn. Trong ba tháng ấy, cô đã dành được nhiều tình cảm của người dân. Một cô gái Việt Nam nhỏ bé nhưng mỗi khi bước ra khán đài thực hiện những màn tung người, bắn cung bằng chân, khiến cho bất cứ ai xem cũng trầm trồ thán phục.
Người Nhật mến khách, họ đã dành một tình yêu đặc biệt cho cô gái người Việt này. Họ thường mang đồ ăn, hoa trái của xứ xở mình đến tận nơi tặng đoàn xiếc Việt Nam. Trong buổi diễn cuối cùng, thật bất ngờ đã có cặp vợ chồng nhận Hiệp làm con nuôi. Họ tiến tới sân khấu, viết ra tờ giấy đưa cho phiên dịch ngỏ ý muốn làm cha mẹ nuôi của Hiệp. Khi cô đứng ra chào khán giả, có một người đàn ông Nhật tóc bạc trắng ngồi ngay sát bục biểu diễn vỗ tay thật cao rồi ông ta đứng lên vừa vỗ tay vừa bật khóc. Tiếng khóc ngày một to, hòa trộn thêm nhiều giọng khác. Hiệp xúc động vô cùng, cô đưa tay lên vẫy chào và cũng không kìm được cảm xúc, cô òa khóc. Cả hội trường rưng rưng trong ngày chia tay.
Trước khi bay về nước, Hiệp đã tự tay vẽ những hình ảnh về con người và đất nước Việt Nam gửi tặng những người Nhật thân thương của mình. Món quà lớn nhất cô có được là tình yêu của người Nhật dành cho mình, họ đã coi cô là một đứa con trong gia đình. Từ đó, những ông bố bà mẹ khác giống nòi ở đất nước xa xôi đã tới tận Việt Nam thăm con gái nuôi của họ.
Kể về những kỷ niệm đẹp của nghiệp đi diễn, Hiệp vẫn không giấu nổi niềm vui, cô tâm sự: "Tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất, tiền bạc đôi khi cũng trở nên vô nghĩa khi tôi nhận ra mình còn có nhiều thứ quan trọng mà tiền không thể mua nổi. Những người Nhật, họ đã cho tôi nhiều thứ quá. Chính vì thế mà càng theo nghề, tôi càng yêu nghề và quyết tâm chinh phục những đỉnh cao tuyệt đỉnh của nghệ thuật".
Có nghe tâm sự của họ tôi mới hiểu hơn về công việc phía sau ánh hào quang của một nghề. Để có những pha biểu diễn lạ lùng, gay cấn, tạo cho người xem một cảm giác hồi hộp và thích thú, người nghệ sĩ đã phải đánh đổi rất nhiều thứ kể cả chuyện tình duyên. Đối với họ thì đó là sự bằng lòng vì âu cũng là cái nghiệp vì tình yêu mà phải dấn thân. Cô gái có nuớc da trắng, thân hình dẻo và đôi chân bắn cung điêu luyện đang ngồi trước mặt tôi đã có một cuộc sống gia đình êm đềm cùng người chồng mới cưới 3 tháng.
Khi tôi chưa kịp hỏi về chuyện tình yêu thì Hiệp đã cho biết như thế. Chồng của Hiệp cũng là một diễn viên xiếc, họ quen nhau trong những ngày vùi đầu tập luyện. Sự đồng cảm, sẻ chia và cả sự hòa hợp trong cách diễn là yếu tố chính gắn họ lại với nhau. Cô bảo, trong nghề này, mỗi người phải tìm cho mình một bạn diễn thật tâm đầu ý hợp, thật hài hòa và đối xứng. Chính vì lẽ đó mà Hiệp và nửa kia của mình tiến tới hôn nhân khá sớm so với tuổi đời của cả hai.
Câu chuyện về một cô gái diễn xiếc gói gọn trong giờ nghỉ giải lao ngắn ngủi. Tôi có cảm giác hụt hẫng và như thiếu nợ một câu nói nào đó trong bài viết của mình. Đưa mắt về phía sân tập, chiếc áo phông vừa ráo mồ hôi lại ướt đẫm. Tôi nhớ ngay đến câu nói của cô: "Em ăn nhiều lắm nhưng ra bằng đường mồ hôi hết nên chẳng bao giờ mập được".
Tâm sự của cô gái bắn cung bằng chân giỏi nhất Việt Nam Hiện nay, Hiệp là cô gái có khả năng bắn cung bằng chân có thể nói là duy nhất Việt Nam. Ba năm ra đời sống ở một thành phố sôi động bậc nhất cả nước nhưng cô chưa bao giờ có một buổi đi chơi ở những nơi như công viên, sở thú hoặc những khu du lịch có tiếng. Thời gian cô dành trọn cho việc tập luyện: "Những ngày người ta đi làm thì tôi phải tập luyện còn những ngày cuối tuần mới là ngày làm việc của chúng tôi. Thế giới của nghệ sĩ như tôi là sân tập, sàn diễn. Nếu một ngày không tập, coi như bạn đã đánh mất một phần phong độ và bản lĩnh", Hiệp chia sẻ. |
Hoa Nguyên