Màn đối đáp gay gắt của Chủ tịch tập đoàn EVN với ĐBQH về tăng giá điện

Màn đối đáp gay gắt của Chủ tịch tập đoàn EVN với ĐBQH về tăng giá điện

Nguyễn Thành Huế

Nguyễn Thành Huế

Thứ 4, 22/05/2019 15:00

Phát biểu tại thảo luận tổ về kinh tế - xã hội sáng 22/5, nhiều đại biểu đã nêu lên những băn khoăn về giá điện. Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lời giải thích tuy nhiên, đại biểu khác đã phản biện.

Tăng giá điện 8,36% chỉ đủ bù đắp 20.000 tỷ chi phí thiếu hụt

Sáng nay, tại tổ ĐBQH Hà Nội, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành đã lý giải về nguyên nhân cũng như thời điểm tăng giá điện.

Ông Thành cho hay: "Trong báo cáo Chính phủ cũng đã nêu rất rõ, do tăng chi phí về môi trường theo Nghị quyết của Quốc hội, các chi phí đầu vào như giá than đều tăng. Giá than hiện nay không thuộc sự điều hành quản lý của Nhà nước mà do tập đoàn Than khoáng sản khai báo. Nếu không đủ chi phí sản xuất thì tập đoàn Than - Khoáng sản có quyền báo cáo bộ Tài chính về việc tăng giá than.

Khi giá than tăng, tất cả các chi phí đầu vào tăng. Trong báo cáo cũng nêu rõ, 20.000 tỷ đồng tăng thêm so với kế hoạch trong năm 2018 vừa qua thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để bù đắp chi phí. Toàn bộ phần điều chỉnh giá điện tăng thêm 8,36% chỉ đủ bù đắp cho 20.000 tỷ đồng chi phí thiếu hụt.

Chính sách - Màn đối đáp gay gắt của Chủ tịch tập đoàn EVN với ĐBQH về tăng giá điện

Chủ tịch HĐTV tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN Dương Quang Thành.

Năm 2019 chi phí sản xuất điện của tập đoàn EVN giảm 7.000 tỷ so với năm 2018. Chi phí truyền tải điện cũng giảm 2.000 tỷ so với năm 2018. Năm 2018, giá truyền tải điện là 110,8 đồng/KWh thì năm 2019 chỉ còn 101 đồng/KWh. Như vậy, chỉ riêng EVN giảm đến 9.000 tỷ trong tổng số toàn bộ chi phí.

Hiện nay EVN có nhiệm vụ mua điện, sản xuất, truyền tải và phân phối điện cho người tiêu dùng. Và tỷ lệ mua điện của EVN hiện nay là 77%, còn sản xuất, phân phối, truyền tải chiếm trong giá thành chỉ có 23%. Như vậy, việc mua điện tăng lên, chi phí tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh để bù đắp lại các chi phí. Từ đó EVN mới có tiền mua than, có tiền mua dầu, mua điện để cung cấp điện.

Thứ 2, việc điều chỉnh giá điện cũng đã được Thủ tướng Chính phủ nêu trong các báo cáo và đã được tính toán từ năm 2018. Kết luận gần nhất trước khi tăng giá điện là ngày 27/1/2019, Thường trực Chính phủ đã họp và đã có quy định điều chỉnh giá điện lên 8,36%. Từ 27/1 đến 20/3 là gần 2 tháng, trước khi tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đã họp và báo cáo trước Ban Tuyên giáo trong cuộc họp giao ban, báo cáo đầy đủ việc tăng giá điện ngày 20/3/2019.

Chính vì vậy việc công khai minh bạch việc tăng giá điện đã được Chính phủ, bộ Công Thương đã làm đầy đủ các thủ tục theo quy định.

Nói về việc vì sao chọn thời điểm đầu hè nắng nóng để tăng giá điện, ông Thành cho hay: “Thực ra, việc điều chỉnh giá điện vào tháng 3 không phải là tiền lệ, từ năm 2017 đến nay có 11 lần điều chỉnh giá điện, trong đó có 4 lần điều chỉnh vào tháng 3 và 3 lần điều chỉnh vào tháng 12. Như vậy tỷ lệ các lần điều chỉnh giá điện vào tháng 3 cao nhất trong các lần điều chỉnh giá điện. Vừa rồi nắng nóng đột biến vào tháng 4 nên điện có tăng cao hơn so với trước đây. Chính vì vậy việc điều chỉnh giá điện vào tháng 3 không phải là tiền lệ mà cũng đúng theo quy định”.

Sẽ chất vấn về giá điện

Dù ông Thành đưa ra viện dẫn ra nhiều lý do để thuyết phục nhưng đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, 3 lý do tăng giá là do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% và kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 dài hơn đều chưa thuyết phục.

Điển hình như với lý do thứ nhất thì năm nào mùa hè cũng nắng nóng, nhiệt độ cũng tăng cao nhưng hóa đơn tiền điện năm nay thì tăng vọt.

“Các đại biểu sẽ chất vấn đề vấn đề này tại hội trường Quốc hội”, đại biểu Mai khẳng định.

Nói về các thông tin xung quanh chuyện tăng giá điện trên mạng xã hội, GS Nguyễn Anh Trí cho biết nhiều sự việc đã bị thổi phồng, trong khi người dân và các cơ quan chức năng đã không bình tĩnh để lắng nghe kỹ, khiến các sự việc bị đẩy ra xa.

"Việc tăng giá điện đã không được giải thích kỹ, không đúng thời điểm để cho dân hiểu", GS Trí nói.

Trong khi đó, Đại biểu Lê Thu Hà (Lào Cai) cho rằng giá điện không tăng như thông báo mà cần có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước.

“Vấn đề đặt ra ở đây chúng tôi cần sự minh bạch của điện lực về mức giá đúng của 1 kWh điện. Nếu có mức giá đúng mới biết mức tăng giá từ mức cơ sở lên mức lũy tiến là như thế nào. Tôi cho rằng nên đề xuất kiểm toán cách tính toán đầu vào giá điện cũng như cách kinh doanh điện trong thời gian qua. Báo cáo Bộ Công Thương gửi thấy lý giải rất nhiều lý do, nhưng cá nhân tôi cảm thấy báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của cử tri cũng như thông tin đến đại biểu Quốc hội”, đại biểu Hà nói.

Thành Huế-Thanh Lam

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.