Và từ đây, cuộc đời của "đứa mồ côi" rẽ sang những hướng khác với nhiều thăng trầm để rồi ghim mình vào lịch sử như một anh hùng cùng danh xưng huyền thoại: Thạch Sanh Tập Ngãi. Đó chính là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Đặng Trung Tiến.
Lăn lóc trong thân phận mồ côi, cùng đinh rồi nô lệ, Đặng Trung Tiến vẫn vươn dậy, cứng cáp, thẳng ngay như loài cây gỗ quý. Những áp bức bóc lột, khinh miệt của thời cuộc không những không thể ghìm chặt anh xuống đáy bùn nhục nhã mà lại thắp thêm lửa căm thù, biến anh thành một trang hảo hán mang nhiều huyền thoại. Và một trong những huyền thoại đó là mối lương duyên ly kỳ cùng tuyệt kỹ phi dao bí hiểm đã nâng đời anh từ một đứa bé mồ côi thành chàng Thạch Sanh bí ẩn.
Chuyện "cướp vợ" có một không hai
Nói về Thạch Sanh Tập Ngãi Đặng Trung Tiến mà không nói về chuyện cưới vợ và ngón dùng dao của anh thì xem như chưa biết gì về người anh hùng này. Đó là những khẳng định của hầu hết mọi cao niên sống tại Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh. Theo lời người dân nơi đây, cuộc đời đấu tranh của Đặng Trung Tiến gần như đã gắn liền với lịch sử địa phương, thậm chí còn xuất hiện trong những trang sách của học sinh Tập Ngãi. Tuy nhiên, cuộc sống đằng sau những chiến công đưa cậu bé mồ côi trở thành anh công an xã, người lính được mệnh danh "chiến sĩ thần kỳ" thì không phải ai cũng biết.
Bà Thạch Thị Suông (bên phải) kể về chồng mình
Thông tin về "nửa kia" của huyền thoại "Thạch Sanh Tập Ngãi", ông Sơn Oanh Th., người có nhiều năm vào sinh ra tử cùng Đặng Trung Tiến cho biết: Đặng Trung Tiến xuất thân từ một gia đình bần nông quanh năm túng bấn. Tuổi thơ Tiến sớm chịu nhiều đau thương mất mát. Dăm ba tuổi đầu, Tiến đã mồ côi cha mẹ. Để mưu sinh, cậu bé quăng mình vào đời, bán mồ hôi nước mắt kiếm chén cơm nguội.
Thế nên, mới đó, Trung Tiến còn là phu gánh nước, chỉ ít ngày sau người ta đã thấy anh làm phu xe ngựa trên bến xe Đa Lộc…Thời cuộc nhiễu nhương quăng vào cuộc đời "thằng bé mồ côi" như anh đầy rẫy những bất công. Nhiều lần người dân Tập Ngãi thấy cậu rưng rưng nước mắt vì bị chủ gạt tiền, bị lính Tây xúm lại đánh chỉ vì dám xin tiền xe ngựa khách Tây,…Thế nhưng, như lời của bà Thạch Thị Suông, người bị anh "bắt" về làm vợ "trong bão giông dập vùi, anh đã trưởng thành một cách kiên cường, gan góc". Và cũng chính sự gan góc, không sợ trời không ngại đất kia, anh bần nông da ngăm ngăm đen, mắt quầng, mày rậm mới dám đi cướp vợ.
Kể lại ngày đầu gặp Đặng Trung Tiến, bà Thạch Thị Suông chia sẻ: "Tôi chỉ gặp ông một lần và nói với nhau được 3 câu đã bị ông lôi về làm vợ". Theo lời bà, hai người gặp nhau trong một ngày đẹp trời năm 1942, khi Trung Tiến đánh xe ngựa chở hàng từ Đa Lộc đi Ba Se. Trong lúc xuống hàng tại nhà hương quản Bảy Nhị, anh bắt gặp nụ cười khỏe khoắn và rất duyên của Thạch Thị Suông. Không ngần ngại, anh tiến lại gần và chỉ hỏi đúng 2 câu: "Cô thứ mấy, bao nhiêu tuổi" rồi phán rằng: "Tôi là Bảy Tiến (cách gọi thân mật của người dân dành cho Đặng Trung Tiến). Ngày mai, tôi sẽ cưới cô về làm vợ".
Bà Suông kể lại: Khi ấy, tôi tưởng ông giỡn, ai dè hôm sau, ông đánh xe xuống nhà tôi thật. Gặp cha tôi, ông cũng nói cái kiểu nhát gừng ấy. Ông đặt lên bàn 3 tép trầu, 3 chung rượu rồi nói với cha tôi: "Tôi đến hỏi cưới cô Ba Suông. Ông chịu gả không?". Đứng cạnh cha, mẹ tôi nghe chuyện mà tái mặt, bà lôi cha ra sau nhà nói nhỏ: "Coi bộ thằng này là thứ dữ, ông đừng làm nó giận, cứ ừ đại đi, thủng thẳng rồi sẽ tính". Nghe lời vợ, ông Hai Huôl vờ gật đầu làm kế hoãn binh. Nào ngờ, vài tiếng sau lời giã từ, Bảy Tiến lại đánh xe xuống nhà Hai Huôl. Lần này, theo xe còn có các họ hàng thân thích của Bảy Tiến và một xe đầy lễ vật theo truyền thống.
Trước sự gấp rút, bất ngờ trên, gia đình Hai Huôl không kịp trở tay. Bà Suông cho biết: "Lúc ấy, người nhà tôi còn đang làm bên hương quản Bảy Nhị. Cha tôi không chịu gả nên cho người báo với làng xã. Xã cử cai Bường cưỡi ngựa, dẫn lính xuống bắt". Mới chạm mặt, cai Bường trỏ roi ngựa vào mặt Bảy Tiến đòi anh dọn cỗ, quay về. Thế nhưng, Trung Tiến lầm lầm lỳ lỳ, chẳng nói chẳng rằng, chắp tay bưng mâm trầu vào nhà. Cai Bường nhảy xuống ngựa, vớ cuộn dây định "gô cổ thằng cứng đầu". Nào ngờ, vút một tiếng, người ta thấy cuộn dây trói bằng lòi tói tuột khỏi tay cai Bường, ghim vào đó là một con dao, cán bóng loáng. Cai Bường sực nhớ đến tuyệt chiêu phi dao xuyên táo của Tiến, vội vàng nhảy lên ngựa, chạy thẳng.
Được lệnh, đám gia đinh nhà hương quản Bảy Nhị cũng tay gậy, tay đao kéo qua vây đánh thằng cướp vợ. Thế nhưng, tất cả đều bị Bảy Tiến khuất phục, lăn lóc trên sân sau những đòn thế bí hiểm mà họ từng thấy một võ sư già người Tàu đánh gục hơn chục lính Tây có súng trên bến xe ngựa Đa Lộc. Mất thế, Hai Huôl cắn răng gả con gái rượu. Ngày cưới sơ sài, cô dâu trẻ giàn giụa nước mắt hòa cùng nước tẩy oan của chùa.
Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của liệt sĩ Đặng Trung Tiến
Tuyệt kỹ phi dao khiến lính Tây "toát mồ hôi hột"
Người dân Tập Ngãi nói rằng: Bảy Tiến được truyền dạy một bài võ bí truyền cùng tuyệt kỹ dùng đoản đao kỳ bí. Khẳng định thông tin này, bà Ba Suông cho biết: "Từ nhỏ ông nhà tôi đã thích chơi dao con. Ông xem nó như vật bất ly thân. Sau này, ông được học võ với một ông thầy người Hoa sống lang thang trên bến xe Đa Lộc. Ông này cũng nổi tiếng về việc đánh cướp, đánh lính Tây. Đặc biệt, ông có ngón phóng dao rất tài. Có lẽ ông nhà tôi học được ngón ấy từ ông này".
Ghi nhận thông tin trên, những người cao tuổi từng tham gia chiến đấu cùng ông cho biết: Một thời, xứ Tiểu Cần nổi lên hai cái tên mới: Năm Say, Bảy Tiến. Năm Say nổi tiếng vì học được bài côn pháp kín kẽ đến nước tạt vào người không ướt. Ngược lại, Bảy Tiến học được thuật dùng đoản đao, dao găm nhanh, gọn, chính xác và biến hóa khôn lường. Thậm chí, người ta tin rằng Bảy Tiến đã được học và luyện thành công tuyệt kỹ phi dao chính xác đến tuyệt đối.
Khẳng định sự ưu việt của tuyệt kỹ sử dụng dao của Bảy Tiến, tác giả Đặng Tấn Đức, trong tác phẩm "Đất lành" viết: "Mặt trời mọc có lệch chớ mũi dao "con chó" của Trung Tiến đâm không bao giờ lệch. Anh móc được dao ra là địch phải ngã gục. Dứt khoát phải trúng đích, …". Kể lại một trong những lần Bảy Tiến "thi triển" tuyệt kỹ dao của mình, bà Suông chia sẻ: "Tôi cũng như những anh em, chú bác từng theo, chiến đấu cùng ông đều biết việc ông dùng dao thoát thân và dằn mặt bọn lính Tây".
Đó là khi Bảy Tiến đã rũ bỏ đời phu xe ngựa trở thành anh công an xã mẫu mực. Trong một lần tham gia giữ gìn trật tự, Trung Tiến đi ngang qua quán nhậu Ba Cải và gặp bọn lính Tây ức hiếp người dân. Thấy chàng thanh niên cao lớn, da ngăm đen dám xen vào chuyện của mình, bọn lính ùa lên thúc báng súng nhằm mặt anh mà đập.
Nhưng đám lính đứng ngoài bỗng tái xanh mặt, khi thấy chàng thanh niên ngăm đen vẫn đứng vững, còn vài tên lính thì từ từ sụp xuống, máu trên cổ họng phun thành tia. Sau ít phút hốt hoảng, chúng được lệnh xông ra bắt "thằng Việt Minh". Thế nhưng, khi chúng đang lấm lét nhìn nhau, tay run run lên đạn, Trung Tiến đã bất thần nhập nội. Trên tay anh, con dao bé nhỏ vun vút đâm ngang, chém dọc, cứa, … vào những chỗ hiểm của đám lính. Chỉ trong chớp mắt, 5 tên mắt xanh mũi lõ đã nằm sõng soài trên nền đất lênh láng máu.
Để đảm bảo an toàn thoát thân, Trung Tiến móc trong túi quả lựu đạn giả, đập mạnh xuống bàn. Lập tức, đám lính Tây lao người, nằm úp xuống sàn, Bảy Tiến phóng người ra ngoài thoát thân. Tuy nhiên, trước khi ẩn mình vào những bụi cây xanh ngắt, Trung Tiến còn kịp vung tay trong tư thế quay lưng phóng về tên quan hai của Pháp con dao nhỏ, sắc lạnh. Mũi dao sượt qua đầu khiến chiếc mũ đội lệch của hắn ghim vào cây cột bằng gỗ đước còn nham nhở vỏ. Cũng từ lần ấy, Đặng Trung Tiến đã đi vào huyền thoại như một chiến sĩ cách mạng vĩ đại của người dân Tập Ngãi và trở thành nỗi ám ảnh của bọn thực dân khát máu.
Sẽ bỏ vợ nếu không sinh được con? Trong đêm tân hôn, Đặng Trung Tiến nhìn thẳng người con gái mình mới cướp về làm vợ nói: "Cô ở với tôi trong một năm, nếu không sinh được con thì tôi sẽ làm "tờ để"”. Ba ngày sau, cô dâu Thạch Thị Suông sợ tuyệt tự nên đã trốn về nhà cha mẹ đẻ trèo lên tuốt ngọn xoài trốn chồng. Tuy nhiên, khi biết chuyện, cha bà, ông Hai Huôl đã tự tay đưa cô con gái rượu về nhà giao lại cho con rể Bảy Tiến. Sau lần trốn chồng bất thành trên, Ba Suông không dám bỏ nhà lần thứ 2 và sinh cho Bảy Tiến mười người con. |
Nguyễn Sơn - Suối Mai