Mới đây, những siêu cây bonsai với dáng đẹp từ 24 tỉnh thành trong cả nước được hội tụ tại Quảng Ngãi đã thu hút đông đảo người thưởng lãm.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Bảo Phát, chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi cho biết đây là triển lãm, hội thi, hội chợ sinh vật cảnh lớn nhất Quảng Ngãi từ trước đến nay. Đặc biệt, những cây cảnh thật sự đáp ứng tiêu chí của một cây bonsai hoàn chỉnh.
Những nghệ nhân sinh vật cảnh từ nhiều tỉnh, thành đã đưa hơn 2.000 siêu cây bonsai tâm huyết nhất của mình đến tham dự triển lãm "Hội thi, hội chợ sinh vật cảnh tỉnh Quảng Ngãi mở rộng".
Nổi bật tại triển lãm cây cảnh, cây me cổ của nghệ nhân Công Thuấn ở Đà Nẵng là một trong những siêu cây thu hút đông đảo người xem.
Chia sẻ về quá trình chăm sóc cây cảnh đẹp, chủ cây cho biết, không biết tuổi đời chính xác của cây me, chỉ biết tại vườn chủ nhân cũ là 26 năm và anh may mắn có được và mang về vườn chăm sóc 4 năm.
Anh Thuấn sẵn sàng bỏ thời gian để chia sẻ với du khách thưởng lãm hiểu về cây bonsai, giá trị của nghệ thuật mà người nghệ nhân gửi vào cây.
"Như cây me này, tôi mất ăn mất ngủ và bỏ nhiều trí tuệ, tâm huyết để suy nghĩ và tạo tác. Đến giờ tôi vẫn chưa hài lòng về độ hoàn chỉnh của cây. Ít gì cũng 3 năm nữa tôi mới hoàn thiện và hài lòng", nghệ nhân Thuấn nói.
Là người nổi tiếng trong giới bonsai, cây cảnh nghệ thuật khắp cả nước, anh Thuấn nhận định đây là triển lãm sinh vật cảnh quy mô cả về độ hoành tráng lẫn độ độc đáo của từng tác phẩm.
"Rất đẹp, nhiều tác phẩm độc đáo. Tôi thích nhất là bộ môn nghệ thuật này được đưa đến công chúng với những nghệ nhân có văn hóa nghệ thuật. Không ai nói quá nhiều về giá của tác phẩm của mình mà chỉ chia sẻ, giao lưu về kỹ thuật, những ưu khuyết trên tác phẩm để hoàn thiện", anh Thuấn nói thêm.
Một số người yêu thích cây cảnh cho rằng, cây me thế đẹp phải có giá hằng trăm triệu, đặc biệt khi tạo tác thế "lạ" vào tay đại gia có thể lên đến tiền tỷ.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, triển lãm sinh vật cảnh mở rộng là sân chơi của một loại hình nghệ thuật có từ xa xưa. Đây cũng là dịp thu hút du khách tìm về tỉnh Quảng Ngãi.
Những năm gần đây, cây me cổ dáng thế đẹp ở Việt Nam có giá đắt không phải hiếm, trước đó có một đại gia miền Tây sở hữu cặp me kiểng cổ nhất Việt Nam, nhiều người trả giá 10 tỷ nhưng anh không bán.
Theo Vietnamnet, anh Nguyễn Phước Lộc ở Đồng Tháp là chủ nhân của cặp cây me kiểng cổ nhất Việt Nam. Anh Lộc cho biết, mình có hàng chục năm gắn liền với cây kiểng, bonsai ở Sa Đéc.
Anh Lộc bắt đầu đi tìm các loại cây kiểng độc lạ ở miền Tây từ năm 1993. Khi đến huyện Cái Bè, Tiền Giang, anh mê đắm cây me có dáng thế vô cùng độc đáo. Khi đó, anh phải năn nỉ chủ nhà “chia” cây me lại cho mình.
“Do cảm mến khi thấy tôi quá mê cây me nên họ đồng ý bán. Lúc đó, người chủ nhà còn bất ngờ tiết lộ ở huyện Cai Lậy cũng có 1 cây me có dáng thế tương tự nên tôi quyết định tìm đến mua cho thành một cặp”, anh Lộc kể.
Chủ cây nhấn mạnh, cặp me của mình không phải là cặp me lớn mà là “cặp me kiểng cổ nhất”. Theo đó, cặp me này có tuổi cây hơn 150 năm và hơn 100 năm tuổi kiểng.
“Cặp me của tôi sở hữu được chơi kiểng từ nhỏ nên thân không lớn, nhưng độ già và tuổi kiểng là độc nhất Việt Nam. Không có cặp me kiểng nào mà được uốn sửa từ hồi nhỏ đạt được độ thẩm mỹ và đồng đều như cặp me của tôi. Hơn nữa, điểm quý giá ở đây là được một cặp, rất khó kiếm”, anh Lộc nói thêm
Sau nhiều năm tạo tác tay cành, vào năm 2007 anh Lộc mang cặp me đến Hội thi sinh vật cảnh toàn quốc, dự thi và đạt giải vàng. Sau đó, cặp me của anh Lộc được hội đồng giám thảo chấm giải đặc biệt. Đến năm 2013, cặp me của anh Lộc đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Cặp me kiểng cổ nhất Việt Nam“. Dù hơn 150 tuổi nhưng mỗi năm cây vẫn ra hoa và đậu trái. Anh Lộc nói, có nhiều người đến hỏi mua cặp me, với giá 10 tỷ đồng nhưng anh không bán, mà để trưng bày trong khuôn viên nhà.
Trúc Chi (t/h)