Xuất hiện giữa hàng trăm cây cảnh có giá trị tại triển lãm cây cảnh, tuy nhiên cây lộc vừng của ông Nguyễn Văn Phúc - một nông dân chơi cây cảnh ở Hưng Yên được nhiều du khách dừng chân chiêm ngưỡng bởi có thế dáng độc đáo.
Chia sẻ trên báo Dân Trí, ông Phúc cho biết, cây này đưa lên chậu 35 năm nay, toàn bộ bệ rễ, thân, tay cành lớn… đã rất mịn, múp sẹo (sẹo liền).
Nhiều người nhận xét cây có bệ rễ khủng nổi lên bề mặt đòi hỏi người nghệ nhân mất nhiều năm kiên trì chăm sóc, tạo tác.
Cây lộc vừng “đại lộc” được cắt phần ngọn để đúng với một tác phẩm bonsai. Sau khi cắt phần ngọn, người nghệ nhân phải mất hàng chục năm mới tạo tác được các tay cành theo đúng ý.
Cây được trồng trong một chậu lớn, bên trong chậu, ông Phúc tạo tiểu cảnh và để một khoảng trống đổ nước vào tạo phong thủy cho người chơi cây. Nếu được trả giá từ 2 tỷ đồng trở lên thì chủ cây mới có ý định chuyển nhượng bởi thời gian tạo tác cây gần một nửa đời người.
Từ xa xưa lộc vừng là loài cây được ưa chuộng trong khuôn viên của mỗi gia đình Việt. Cây lộc vừng mang ý nghĩa phong thủy tốt lành cho gia chủ. Những chùm hoa màu đỏ mềm mại và thơ mộng tượng trưng cho hỷ sự, gắn liền với ngụ ý phát lộc. Bởi vậy nhiều người trưng bày loại cây này trong khuôn viên gia đình với mong muốn giá trị phong thủy của nó theo quan niệm dân gian sẽ mang lại nhiều may mắn, tài lộc dồi dào, hưng thịnh.
Trúc Chi (t/h)