Ngày 18/5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục đưa vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Phạm Thanh Hải (SN 1966, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty CP thương mại đầu tư và phát triển Công nghệ Quốc tế (viết tắt là Công ty IDT) ra xét xử.
Xét thấy phần hỏi đã rõ, VKS đưa ra quan điểm luận tội, theo đó, phía Viện xét thấy có đủ cơ sở kết luận bị cáo Phạm Thanh Hải phạm tội như cáo trạng truy tố và đề nghị bị cáo mức hình phạt là tù chung thân về tội danh này.
Để phản bác lại quan điểm luận tội của VKS, lần lượt các luật sư bào chữa cho bị cáo Hải đã đứng lên trình bày quan điểm gỡ tội cho bị cáo theo hướng đề nghị HĐXX sơ thẩm tuyên bị cáo Hải không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Một vị luật sư phát biểu, sau rất nhiều lần tiếp xúc bị can Hải và được Hải chia sẻ rằng, thời gian bị tạm giam, bị cáo còn nghĩ ra rất nhiều phương án kinh doanh, làm giàu khác. Nếu có cơ hội trở về, bị cáo sẽ khôi phục lại các dự án, kế hoạch kinh doanh dang dở. Theo đánh giá chủ quan, vị luật sư cho rằng thân chủ của mình là một người tài giỏi, có tâm, có tầm; không có hành vi lừa đảo bởi Hải không gian dối và không chiếm đoạt.
“Hải suốt ngày nghiên cứu khoa học, không mua sắm cho bản thân, thậm chí nhiều người còn nói Hải không biết tiêu tiền. Tầm suy nghĩ của Hải rất lớn…”, vị luật sư phát biểu. Chưa hết, vị luật sư này cũng cho rằng trong vụ án không có người bị hại, thời điểm hiện tại, Hải vẫn đủ tiền trả cho các nhà đầu tư.
Một luật sư khác cho đây là vụ án hình sự để giải quyết các vấn đề dân sự, hay nói cách khác là hình sự hóa các quan hệ dân sự, luật sư đề nghị tòa tuyên bị cáo Hải không phạm tội.
Điều đáng chú ý trong vụ án này, hầu hết tất cả những người bị hại đều phản ứng gay gắt với quan điểm buộc tội của VKS, nhưng lại tán thành quan điểm của các luật sư, thể hiện bằng việc nổ những tràng pháo tay ròn rã sau mỗi lần luật sư phát biểu xong phần bào chữa của mình, mặc dù hầu hết mọi người đều “tiền mất tật mang”.
Tuy nhiên, sau khi lắng nghe quan điểm của tất cả các vị luật sư bào chữa cho Phạm Thanh Hải, vị đại diện VKSND TP.Hà Nội tóm lược lại 2 vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, các luật sư và bị cáo đều cho rằng bị cáo Hải không phạm tội, không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tài sản, đây dự án dài hơn, có khả năng sinh lời cao trong tương lai nên có đầy đủ khả năng thanh toán cho các nhà đầu tư do vậy mà không có hành vi chiếm đoạt tài sản.
Thứ hai, liên quan đến các vấn đề về tố tụng: Tại sao bắt người trong trường hợp phạm tội quả tang? Đầu tiên bắt bị cáo Hải về tội kinh doanh trái phép, căn cứ nào sau đó lại hủy bỏ và khởi tố về tội lừa đảo?
Trả lời cho câu hỏi, tại sao lập biên bản với Phạm Thanh Hải? VKS khẳng định chị Nguyễn Thị Mỹ Phúc (kế toán trưởng của Công ty IDT) đang thực hiện việc thu tiền của các nhà đầu tư đã khai là làm theo sự chỉ đạo của Phạm Thanh Hải, thời điểm đó Hải cũng đang ở trụ sở công ty nên cơ quan điều tra đã mời tất cả về công an phường, các người này thừa nhận hành vi nên đã lập biên bản phạm tội quả tang tại công an phường, nên không có gì vi phạm.
Tiếp đến, tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn phiếu thu, phiếu chi, kiểm tra giấy phép kinh doanh không có nội dung huy động vốn hoạt động tín dụng, nên với hành vi như vậy, cơ quan điều tra lập biên bản và khởi tố tội kinh doanh trái phép.
Trả lời câu hỏi của luật sư, vì sao khởi tố bổ sung thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và chuyển đổi từ tội Kinh doanh trái phép sang tội Lừa đảo? Vị đại diện VKS nói: “Sau khi tiến hành điều tra, ban đầu xác định bản chất hành vi huy động vốn này là có hành vi gian dối để huy động vốn dùng vào mục đích chi tiêu cá nhân, nên kinh doanh trái phép là phương thức thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, việc chuyển tội danh là không trái với quy định pháp luật”.
Phản bác lại quan điểm của luật sư cho rằng, Phạm Thanh Hải không có hành vi gian dối, không phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. VKS đưa ra quan điểm, căn cứ vào các hợp đồng đầu tư và hợp đồng ủy thác đều có nội dung là các nhà đầu tư cùng góp vốn với Phạm Thanh Hải – Tổng giám đốc công ty IDT. Như vậy IDT sẽ là chủ thể của dự án, các nhà đầu tư đều tin rằng IDT đang có dự án có quy mô, tầm cỡ sinh lợi rất cao. Để chứng minh, bị cáo đã cam kết với các nhà đầu tư là sẽ cắt lãi từ 40 – 60%/năm với số tiền đầu tư góp vốn. Nhà đầu tư hoàn toàn tin tưởng là góp vốn để thực hiện dự án của IDT. Thực tế có bị hại khai tại tòa “anh Hải là Chủ tịch Công ty, con dấu của công ty nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng”.
Tại tòa, bản thân bị cáo Hải cũng khẳng định, sau khi tiền vào quỹ của bị cáo, bị cáo toàn quyền quyết định, sử dụng, đầu tư cái gì, không công khai cho các nhà đầu tư biết.
“Tính đến thời điểm bị cáo bị bắt cơ quan điều tra đã xác định được 508 bị hại với số tiền trên 476 tỷ. Trong số này, hầu hết nhận lại một khoản tiền rất ít ỏi, có những người không nhận được bất cứ khoản tiền nào. Tất cả họ đều xác nhận các hợp đồng chưa đến thời hạn tất toán. Tính đến thời điểm bị bắt, khả năng thanh toán của bị cáo chưa đủ thanh toán tiền lãi cho các hợp đồng”, vị đại diện VKS đưa ra quan điểm đối đáp.
Sau màn đối đáp, tranh luận giữa các bên, tòa tuyên bố sẽ vào nghị án. Do tính chất phức tạp, đến 15h chiều ngày 21/5, HĐXX sẽ ra tuyên án.