9 năm kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, Man City đã hoàn toàn vượt lên trên Manchester United ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Nếu trước đây Man United thường tiến hành công việc kinh doanh của họ một cách dứt khoát, âm thầm và nhanh chóng thì nay, Man City đang cho thấy cách một CLB được vận hành.
Lúc này, nửa đỏ thành Manchester đang bước đi một cách lúng túng, hay nói chính xác hơn là vùng vẫy trọng cái bóng của chính đại kình địch cùng thành phố. Vào thời điểm này, “Gã hàng xóm ồn ào” – cách mà Sir Alex từng mỉa mai Manchester City không còn phù hợp với The Citizens nữa mà lại được dùng để miêu tả chính đứa con tinh thần của huyền thoại người Scotland.
Sự tàn nhẫn
“Chiếc xe buýt không đợi ai đến muộn” là cách mà Sir Alex Ferguson từng miêu tả Manchester United. Bây giờ, đó có lẽ là cách dùng để tả Manchester City. Trong khi sự tàn nhẫn là đặc trưng nổi bật của Sir Alex trong quãng thời gian ông dẫn dắt “Quỷ đỏ” – những cầu thủ như Jaap Stam, David Beckham hay Roy Keane có lẽ hiểu điều này – thì giờ đây điều đó hoàn toàn biến mất tại sân Old Trafford, thay vào đó là sự do dự và thiếu quyết đoán. Trong khi đó, Man City thì ngược lại.
Họ ra quyết định rất nhạy bén và không bao giờ để cảm xúc hay sự lo lắng những phán xét của người khác làm ảnh hưởng đến những quyết định của mình. Manchester City bây giờ không giống kình địch cùng thành phố của họ, đặc biệt ở cách giải quyết những người không còn phù hợp cho mục tiêu đường dài của đội bóng hoặc đã trở thành một gánh nặng.
Hãy nhìn cách Manchester City xử lý trường hợp Serrgio Aguero ở mùa giải trước. Dù chân sút người Argentina là một huyền thoại của sân Etihad và đã cống hiến cả một thập kỷ hết sức phi thường, tuy nhiên Man City nhận thấy những ngày tháng tươi đẹp nhất trong sự nghiệp Aguero đã ở lại phía sau. Chính vì thế, gạt bỏ tình cảm qua một bên, họ tuyên bố vào tháng 3 rằng El Kun sẽ rời CLB sau khi mùa bóng kết thúc. Nếu Man United ở trong tình huống đó, sẽ không bất ngờ nếu họ trao cho Aguero một bản hợp đồng mới có thời hạn 3 năm.
Sự ổn định trên ghế huấn luyện
Manchester United đang đi tìm vị HLV trưởng thứ 5 trong vòng 9 năm, trong khi Pep Guardiola chuẩn bị khép lại mùa bóng thứ 6 trên ghế huấn luyện Manchester City. Man City biết họ muốn ai và muốn gì, đồng thời trao quyền lực cho vị HLV đó xây dựng một triều đại với sự hỗ trợ của những con người giỏi nhất. Chủ tịch Khaldoon al-Mubarak, CEO Ferran Soriano, giám đốc bóng đá Txiki Begiristain và Guardiola thực sự đã tạo ra một đội ngũ chất lượng.
Ngược lại, Manchester United lại đã chứng kiến một loạt HLV đến rồi đi sau thời Sir Alex – từ David Moyes, Louis van Gaal đến Jose Mourinho, Ole Gunnar Solskjaer. Tất cả đều sa sút một cách khủng khiếp trong một hệ thống nhiều vấn đề với những con người thiếu kinh nghiệm hoặc chỉ đang học việc nhưng lại được trao các vị trí quan trọng.
Định hình một lối chơi
Đội bóng của Pep Guardiola trình diễn một trong những lối chơi đặc trưng nhất thế giới bóng đá. Dưới thời Ferguson, Man United cũng có một bản sắc rõ ràng, nhưng giờ đây điều đó không còn nữa. Họ là một đội ngũ được tập hợp bởi 5 vị HLV khác nhau và hiện đang được chỉ đạo bởi HLV tạm quyền Ralf Rangnick – người cố gắng thiết lập một cấu trúc rõ ràng trong cơn hỗn loạn.
Vì thế trong những năm gần đây, thay vì tìm những cầu thủ phủ hợp, Man United trông giống như là tập hợp các cá nhân đắt giá mạnh ai người ấy đá, không hề có suy nghĩ nghiêm túc về một lối chơi chung. Guardiola có thể tạo ra những thay đổi hàng tuần, nhưng phong cách chơi thì vẫn không thay đổi vì các cầu thủ được đưa về đều dựa trên một tầm nhìn chung và HLV biết phải sử dụng họ ra sao.
Những thay đổi nhân sự ở Manchester United mang tới những thay đổi đáng kể về phong cách. Song, điều này chỉ càng khiến Man United “rối như canh hẹ”. Triết lý chơi bóng ở Manchester United là gì? Thực tế là họ đã không có một triết lý nào từ khi Ferguson rời đi. Trận derby thành Manchester United vào tháng 11 năm ngoái, khi Man United thậm chí có nhiều cú dứt điểm về phía khung thành David de Gea hơn cả về phía Ederson bên Man City, hay ở trận thua 0-5 Liverpool 2 tuần sau đó khi họ bị áp đảo từ đầu đến cuối, có lẽ đó là minh chứng sống động nhất cho sự khác biệt giữa “Quỷ đỏ” và nhóm những đội dẫn đầu hiện tại.
Solskjaer đã ném các cầu thủ vào trong hệ thống 5-3-2 một cách vội vàng chỉ vì nó hiệu quả trong chiến thắng Tottenham trước đó, để rồi cuối cùng đội bóng của ông bị cỗ máy trơn tru của Guardiola hành hạ suốt 90 phút.
Chuyển nhượng hợp lý
Có thể nói, Manchester City là một trong những đội mua và bán xuất sắc nhất hiện nay. Sir Alex Ferguson từng tự hào rằng Manchester United luôn thực hiện các thương vụ của họ một cách nhanh chóng và kín đáo thì giờ đây, Man City mới là đội có hai thứ ấy. Dù là một trong những CLB giàu nhất thế giới nhưng họ biết cách xác định mục tiêu của mình để không phung phí. Ngoài ra, khi chiêu mộ cầu thủ, họ mua những người có mức phí giải phóng hợp đồng hợp lý để tránh bị ép giá trên bàn đàm phán. Có thể kể ra một vài thương vụ thành công gần đây như Ruben Dias, Rodri và Aymeric Laporte.
Man City ít khi bị kéo vào những cuộc chuyển nhượng mất nhiều thời gian – đặc trưng của Man United sau thời Sir Alex. Và nếu có bị kéo vào một thương vụ như vậy, ví dụ trường hợp của Harry Kane mùa hè năm ngoái, họ cũng biết cách để thoát ra dứt điểm khỏi nó.
Có thể nói Man City biết cách mua sắm ấn tượng, nhưng khi mọi thứ không diễn ra theo ý muốn, họ biết cách thay đổi mục tiêu, điều này khác với Man United. Câu chuyện này diễn ra ở cả chiều mua lẫn chiều bán. Man City biết phát hiện những vấn đề và hành động dứt khoát. Ví dụ như trường hợp của Ferrran Torres. Khi biết cầu thủ người Tây Ban Nha không thể hoà nhập ở Man City và muốn tới Barcelona, ban lãnh đạo đội bóng đã đồng ý để anh tới CLB xứ Catalunya với giá 55 triệu bảng. Tiền đạo người Tây Ban Nha đã ra đi và giúp Man City thu về gấp 3 lần số tiền mà họ đã chi ra để chiêu mộ anh trước kia.
Đàm phán hợp đồng
Các cuộc thương thảo đàm phán hợp đồng chắc chắn sẽ dễ hơn khi các cầu thủ chơi cho một CLB giành nhiều danh hiệu. Và Man City ngày càng giỏi trong việc trói các ngôi sao của họ vào các hợp đồng dài hạn. Joao Cancelo, John Stones, Dias và Ederson chỉ là một vài những cái tên tiêu biểu đã được đảm bảo tương lai theo cách ít ồn ào nhất trong 12 tháng qua. Và ngay cả khi các cuộc đàm phán nảy sinh vấn đề, chúng cũng được xử lý một cách gọn gàng. Ví dụ, Raheem Sterling chỉ còn 1 năm hợp đồng nhưng các cuộc đàm phán dự kiến sẽ được mở ra trước khi mùa giải kết thúc với sự thoải mái đến từ cả hai phía.
Ngược lại, tại Manchester United, có 5 cầu thủ sẽ hết hợp đồng hè này – bao gồm Paul Pogba, Jesse Lingard và Edinson Cavani – và một loạt các cầu thủ muốn ra đi. Sợ cảnh các cầu thủ lũ lượt dứt áo ra đi, Man United thường trao những bản hợp đồng dài hơi và béo bở cho những con người không xứng đáng. Và mùa hè này nhiều khả năng sẽ không khác gì nếu những con người chịu trách nhiệm ở Man United không thay đổi cách suy nghĩ.
Danh hiệu
Sau tất cả, thứ đánh giá những CLB hàng đầu với nhau chính là những danh hiệu. Trong 9 mùa giải kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, Man City đoạt 4 Premier League, 6 League Cup, 1 FA Cup và lọt vào chung kết Champions League. Trong khi đó, Manchester United chỉ giành 1 Europa League, 1 FA Cup và 1 League Cup. Còn tại đấu trường Premier League hay Champions League, họ lạc lối ở đâu đó rất xa. Trung bình, họ kết thúc mùa giải khi kém 22 điểm so với các nhà vô địch ở 8 mùa giải gần nhất, và nếu thua Man City ngày hôm nay, “Quỷ đỏ” sẽ kém kình địch cùng thành phố 22 điểm dù có đội hình đắt giá thứ hai trong lịch sử cùng quỹ lương được cho là cao nhất Premier League mùa này. Đó là minh chứng cho việc Manchester United đã trượt dài, còn Manchester City đã trỗi dậy mạnh mẽ thế nào sau 9 năm kể từ Sir Alex Ferguson giải nghệ.
Ngày hôm nay, bất luận kết quả thế nào, dù Man United có thể thắng đi chăng nữa thì nó cũng khó xoá nhoà khoảng cách giữa họ và Man City ở thời điểm hiện tại. Đó không chỉ là khoảng cách về điểm số mà còn là khoảng cách về đẳng cấp, sự ổn định và nhãn quan làm việc của cả một tập thể, từ những con người ở thượng tầng cho đến những con người thi đấu dưới sân.