Màn vực dậy của Chứng khoán Kafi khi liên minh VIB gõ cửa

Trần Thị Tú Anh

Trần Thị Tú Anh

Thứ 7, 12/10/2024 11:00

Trong suốt 15 năm kể từ khi thành lập, Kafi còn khá mờ nhạt trên thị trường. Cho đến cuối năm 2021, khi nhóm cổ đông liên quan VIB xuất hiện thì công ty này mới thoát khỏi bóng tối thua lỗ.

CTCP Chứng khoán Kafi tiền thân là CTCP Chứng khoán Hoàng Gia (Rose) được thành lập vào năm 2006 với ngành nghề kinh doanh gồm Môi giới chứng khoán, Tự doanh chứng khoán, Tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán và Lưu ký chứng khoán.

Đến năm 2019 công ty đổi tên thành CTCP Globalmind Capital (GMC) và đến tháng 8/2022 đổi tên thành CTCP Chứng khoán Kafi như hiện tại.

Trong suốt 15 năm kể từ khi thành lập (2006-2020), Kafi còn khá mờ nhạt trên thị trường, kết quả kinh doanh thì lỗ nhiều hơn lãi.

Cho đến cuối năm 2021, khi nhóm cổ đông liên quan đến VIB xuất hiện tại Kafi thì công ty này mới khởi sắc hơn về tình hình kinh doanh và dần có dấu ấn.

Hậu trường thay đổi cuộc chơi

Câu chuyện tại Kafi khởi đầu bằng việc Uniben mua vào 3,48 triệu cổ phần, tương đương 22,5% vốn điều lệ sau khi ông Huỳnh Đăng Khoa và Lê Minh Quang đã bán ra tổng cộng 14,73 triệu cổ phần.

Uniben là doanh nghiệp sở hữu Mì 3 miền, trà mật ong Boncha và có nhiều mối liên hệ với VIB. Sau nhiều lần mua vào bán ra cổ phiếu VIB, theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của VIB công bố ngày 27/9 vừa qua, Uniben nắm giữ 116,2 triệu cổ phiếu VIB tương ứng 3,901% vốn tại ngân hàng này, tăng so với mức 2,617% tại thời điểm công bố hồi đầu tháng 8/2024.

Nhà sản xuất mì gói này đã nhiều lần thế chấp tài sản có giá trị hàng nghìn tỷ đồng để vay vốn tại VIB, nhất là trong quá trình xây dựng 2 nhà máy lớn với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng tại Hưng Yên và Bình Dương.

Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế (Nettra), cựu cổ đông lớn VIB cũng là công ty con của Uniben.

Ngoài ra, theo danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến được chốt vào ngày 29/12/2021 của Kafi, có Chủ Tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ sở hữu 753.300 cổ phần, bà Trần Thị Thảo Hiền (vợ ông Vỹ) sở hữu 756.400 cổ phần, ông Đặng Văn Sơn (Phó Chủ tịch HĐQT VIB) sở hữu 759.500 cổ phần.

Màn vực dậy của Chứng khoán Kafi khi liên minh VIB gõ cửa- Ảnh 1.

Mối liên hệ giữ Chứng khoán Kafi và Ngân hàng VIB.

Vào đợt chào bán 134,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 7/2022, Uniben cũng mua vào 19 triệu cổ phiếu, nâng tỉ lệ sở hữu lên 22,5% vốn Kafi. Ông Đặng Khắc Vỹ cũng mua vào 4,1 triệu cổ phiếu, nâng tỉ lệ sở hữu Kafi lên 4,86%.

Cùng đợt chào bán này, ông Đặng Khắc Cường đã mua vào 6,3 triệu cổ phiếu, qua đó trở thành cổ đông lớn của Kafi khi sở hữu 6,34% vốn điều lệ. Ông Đặng Khắc Cường là cổ đông đồng sáng lập CTCP UNICAP – doanh nghiệp mới thành lập cách đây hơn 1 tháng (4/9/2024) và đang sở hữu 7,47%, trở thành cổ đông lớn tại ngân hàng VIB.

Hiện Chủ tịch Chứng khoán Kafi là ông Lê Quang Trung - người từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối nguồn vốn và ngoại hối VIB.

Hai Thành viên HĐQT Kafi là ông Trần Tuấn Minh và ông Hà Hoàng Dũng cũng từng đảm nhiệm chức vụ tại VIB. Theo đó, ông Trần Tuấn Minh từng giữ vị trí Giám đốc Ban Nhân sự VIB, ông Hà Hoàng Dũng nắm giữ vị trí Giám đốc Khối Quản trị rủi ro VIB.

Trong năm 2022, Chứng khoán Kafi đã chuyển trụ sở về Toà nhà Sailing Tower, phường Bến Nghé, quận 1, Tp.Hồ Chí Minh. Trụ sở của Ngân hàng VIB cũng được đặt tại toà nhà này.

 Bước nhảy vọt sau 15 năm đìu hiu

Trong 15 năm kể từ khi thành lập, Kafi liên tục báo lỗ, nếu có lãi thì chỉ dao động từ vài chục đến vài trăm triệu. Duy nhất năm 2015 công ty ghi nhận lãi sau thuế cao nhất với 2,8 tỷ đồng, nhưng cũng báo lỗ gần 1 tỷ đồng ngay năm 2016 sau đó.

Đến quý III/2021, lỗ luỹ kế của Kafi đã lên tới 27,6 tỷ đồng. Tuy nhiên kể từ khi Uniben xuất hiện vào cuối năm, chỉ trong quý IV/2021 công ty đã lãi gần 30 tỷ đồng và thoát lỗ lũy kế sau 1 thời gian dài.

Năm 2022, sau khi tăng vốn mạnh, danh mục tự doanh của Kafi cũng được mở rộng gấp nhiều lần. Tại ngày 31/12/2022, tài sản chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) có giá gốc 1.570,5 tỷ đồng, gấp hàng trăm lần so với 4 tỷ đồng hồi đầu năm.

Trong đó, phần lớn là hơn 453 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết của VIB, gần 110 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết của MB, 100 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết của MB. Ngoài ra, mục chứng chỉ tiền gửi cũng ghi nhận hơn 242 tỷ đồng từ VIB, BIDV và MB mỗi ngân hàng 200 tỷ đồng.

Cùng thời điểm cuối năm 2022, Kafi cũng phát sinh khoản vay 306,5 tỷ đồng tại VIB với lãi suất 7-10%/năm nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh. Trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi tổng mệnh giá 622,5 tỷ đồng đã được dùng để thế chấp cho các khoản vay.

San năm 2023, danh mục FVTPL còn được mở rộng gần gấp 3 lần lên 4.483 tỷ đồng, phần tăng chủ yếu đến từ chứng chỉ tiền gửi. Trong đó, ghi nhận tại BIDV 2.356 tỷ đồng, MB hơn 830 tỷ đồng, VIB gần 100 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của năm 2023 cũng khởi sắc hơn khi doanh thu hoạt động của Kafi đạt 484,6 tỷ đồng, tăng gấp 4 cùng kỳ. Lãi sau thuế ở mức 160,4 tỷ đồng, tăng gấp 6,4 so với cùng kỳ.

Chứng khoán KAFI cho biết, nguyên nhân các mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh do công ty mở rộng quy mô kinh doanh và đầu tư tài chính sau khi thực hiện tăng vốn điều lệ vào quý III/2022 (tăng từ 155 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng) và quý III/2023 (tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.

Nửa đầu năm 2024, Kafi ghi nhận doanh thu hoạt động hơn 351 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gấp 2,5 lần lên hơn 74 tỷ đồng.

Động lực tăng trưởng chính của Kafi là mảng tự doanh khi tăng 48% lên 237 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2024, danh mục FVTPL của công ty mở rộng 25% so với hồi đầu năm lên 6.133 tỷ đồng.

Trong đó, phần lớn vẫn là giấy tờ có giá và tiền gửi có kỳ hạn 4.163 tỷ đồng, hiện công ty đang lãi gần 83 tỷ đồng ở mục này. Cụ thể, công ty ghi nhận 1.316 tỷ đồng từ VIB và tạm lãi 16 tỷ đồng, BIDV gần 1.431 tỷ đồng và tạm lãi gần 50 tỷ đồng. Ngoài ra, Kafi cũng ghi nhận gần 700 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết từ VIB.

Bên cạnh hoạt động tự doanh, lãi từ các khoản cho vay và phải thu trong 6 tháng đầu năm của Kafi cũng tăng gấp 3 lần lên gần 80 tỷ đồng. Hiện công ty đang ghi nhận 3.921 tỷ đồng cho vay hoạt động ký quỹ (margin), tăng 2.834 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Bên cạnh việc mở rộng kinh doanh, dư nợ của Kafi cũng tăng mạnh khi ghi nhận 7.942 tỷ đồng ở thời điểm cuối quý II, tăng 3.122 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Kafi chủ yếu vay ngân hàng 2.411 tỷ đồng, tuy nhiên công ty không thuyết minh rõ vay ngân hàng nào. Theo Kafi, trái phiếu chưa niêm yết với tổng mệnh giá 400 tỷ đồng, giấy tờ có giá với tổng mệnh giá 2.722 tỷ đồng, tiền gửi kỳ hạn có tổng mệnh giá 200 tỷ đồng đã được dùng để thế chấp cho các khoản vay.

Trong quý II/2024, Kafi đã hoàn tất việc nâng vốn điều lệ từ 1.500 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng. Năm nay, công ty còn có kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng và tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng vào năm 2025.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.