Kênh truyền hình MBS của Nhật bản mới đưa tin, 3 người Việt Nam gồm 2 nam, 1 nữ đang bị cảnh sát bắt giữ vì mang thực phẩm cấm vào Nhật Bản. Những người này bị tố vi phạm Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm chăn nuôi.
Theo cơ quan điều tra, hồi tháng 4, Nguyễn Thị Thu (37 tuổi) cùng 2 người đàn ông Việt Nam khác đã mang 10 kg thịt chó vào sân bay Kansai. Các nghi phạm đã trốn kiểm định lô thịt này theo quy định trong luật phòng chống bệnh truyền nhiễm chăn nuôi của Nhật.
Phía cơ quan chức năng cho biết nhiều khả năng nhóm người Việt trên buôn lậu thịt chó vào Nhật để bán cho đồng hương. Cảnh sát hiện tiếp tục điều tra vì nghi ngờ cả 3 cũng tham gia buôn lậu thịt heo nhiễm virút dịch tả vào Nhật Bản.
Đây không phải lần đầu tiên người Việt Nam bị bắt giữ vì mang thực phẩm cấm nhập cảnh vào Nhật Bản. Hồi tháng 7, một nữ du học sinh Việt bị bắt ở Nhật Bản do đem theo 350 thanh nem chua nặng 10kg và 360 quả trứng vịt lộn nặng 25kg tới sân bay quốc tế Tokyo.
Đáng chú ý, kết quả xét nghiệm cho thấy số nem chua mà nữ du học sinh này mang vào sân bay Nhật Bản bị nhiễm virút dịch tả heo châu Phi. Phía cảnh sát nghi ngờ nữ du học sinh làm việc cho đường dây nhập lậu thực phẩm vào Nhật.
Theo Asahi, nữ du học sinh này cũng là trường hợp đầu tiên bị phía cảnh sát truy tố, dù nhiều trường hợp mang thịt có nhiễm virút dịch tả heo từng được phát hiện trước đây.
Theo quy định, khi nhập cảnh vào Nhật Bản tại sân bay hoặc hải cảng, du khách phải khai báo về những sản phẩm từ thịt để trong hành lý.
Sản phẩm có nguồn gốc từ động vật móng guốc (như bò, lợn, dê, cừu, hươu, nai, ngựa), gia cầm (như gà, chim cút, gà lôi, đà điểu, gà tây, vịt, ngỗng), chó, thỏ và ong mật là những thứ cần kiểm dịch.
Ngoài những sản phẩm bị cấm, cơ quan này có thể tịch thu các sản phẩm bao bì không còn nguyên vẹn hoặc không có giấy chứng nhận kiểm dịch dù là quà lưu niệm hay đồ cá nhân.
Dù được đóng gói trong túi hút chân không, các sản phẩm bị cấm nhập khẩu hoặc ngừng nhập khẩu và sản phẩm không có giấy chứng nhận kiểm tra cũng không được phép đưa vào Nhật Bản. Các trường hợp vi phạm cũng được lưu trong hệ thống dữ liệu. Nếu tái phạm nhiều lần, thông tin sẽ được giao cho cảnh sát xử lý. Người vi phạm có thể bị truy tố.
Trong trường hợp cố tình đem các sản phẩm chăn nuôi không qua kiểm tra nhập khẩu vào đất nước này, du khách có thể đối mặt với mức án 3 năm tù hoặc phạt tiền 1 triệu yên (khoảng 208 triệu đồng).
Lê Lan (