Ngày 18/9, Ủy ban Nhân dân thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết, thêm một đặc sản của địa phương này vừa được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Nhãn hiệu là “Măng cụt Bảo Lộc.”
Đây là sản phẩm tiếp theo của thủ phủ chè Bảo Lộc được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền sau thương hiệu “Trà B’Lao” được cấp năm 2009.
Nhãn hiệu “Măng cụt Bảo Lộc” thuộc nhóm 31 - quả măng cụt tươi, có hiệu lực trong thời gian 10 năm kể từ ngày cấp. Sau đó, địa phương có thể làm hồ sơ gia hạn nhãn hiệu theo quy định.
Thông tin trên Vietnam+, theo thống kê, toàn Tp.Bảo Lộc có hơn 231ha măng cụt, trong đó, diện tích măng cụt trong giai đoạn kinh doanh 115,5ha, năng suất trung bình đạt 74,06 tạ/ha và sản lượng bình quân đạt 855 tấn/năm.
Cây măng cụt được trồng chủ yếu trên địa bàn các phường, xã như Lộc Sơn, B’Lao, Lộc Tiến, Phường 2, Lộc Thanh, Đam B'ri và Lộc Châu. Đặc biệt, qua khảo sát, hiện nay trên địa bàn Tp.Bảo Lộc đang có một số vườn cây măng cụt đã trồng trên 50 năm phát triển và cho trái ổn định.
Hiện nay, măng cụt đang là một trong những loại cây trồng được nông dân trên địa bàn Tp.Bảo Lộc lựa chọn đầu tư, thay thế, chuyển đổi các cây trồng kém hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cao. “Do khí hậu và thổ nhưỡng ở đây nên trái măng cụt rất ngon, lớp vỏ mỏng, đẹp, căng mịn và bóng đều, cơm dày - trắng muốt, độ chua ngọt rất thanh và ít hư. Thêm nữa, măng cụt Bảo Lộc lệch vụ thu hoạch với nơi khác, mọi nơi tháng 6, tháng 7 chính vụ thì măng cụt Bảo Lộc phải tháng 8 mới có thu, tháng 9, tháng 10 mới rộ”, bà Trần Thị Hoa, nông dân trồng măng cụt phường B’Lao chia sẻ. Cũng vì vậy, trái măng cụt Bảo Lộc đã dần dần tìm được chỗ đứng trên thị trường trái cây Việt.
Thực tế cho thấy, trái măng cụt Bảo Lộc có giá ổn định 35 – 55 đồng/kg (lúc cao điểm giá măng cụt Bảo Lộc đạt 70 ngàn đồng/kg) tùy theo kích cỡ quả. Theo giá so sánh luôn cao hơn so với các vùng, khu vực trồng khác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo Lâm Đồng Online, trên thị trường, măng cụt Bảo Lộc đã phần nào khẳng định được vị thế cạnh tranh, chỗ đứng; đồng thời, khẳng định đây là đặc sản vùng, địa lý thông qua sự phản hồi và ủng hộ tích cực từ phía người tiêu dùng tại các thị trường khó tính như Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Tuy nhiên, những năm qua, sản phẩm măng cụt Bảo Lộc vẫn chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ tự phát, thông qua lái buôn để bán lẻ cho khách hàng hoặc bị mượn danh để bán sản phẩm cùng loại trên thị trường. Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến giá trị trái măng cụt của Bảo Lộc trong thời gian qua.
Măng cụt Bảo Lộc được chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm là cơ hội lớn để Tp.Bảo Lộc có sự định hướng người nông dân đầu tư phát triển bền vững cây măng cụt. Trong thời gian tới, Tp. Bảo Lộc sẽ xây dựng quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập vùng chuyên canh cây măng cụt. Đặc biệt, với việc được công nhận nhãn hiệu sản phẩm sẽ giúp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và người tiêu dùng nhận diện, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm Măng cụt Bảo Lộc trên thị trường.
Minh Hoa (t/h)