Măng Đen cách trung tâm Tp.Kom Tum (tỉnh Kon Tum) hơn 50km, nằm ở độ cao trên 1.200m so với mực nước biển. Nơi đây quanh năm khí hậu trong lành, mát mẻ bởi bao quanh là những cánh rừng thông ngút ngàn.
Mùa xuân trăm hoa khoe sắc; đông đến nhà cửa lúc ẩn, lúc hiện trong màn sương mờ ảo hệt như chốn bồng lai tiên cảnh. Không chỉ vậy, nơi đây còn nổi danh là vùng đất của các vị thần, gắn liền với bao giai thoại kỳ bí từ thuở hồng hoang. Đặc biệt, giai thoại 7 hồ 3 thác còn trường tồn - một tuyệt tác thiên nhiên hùng vĩ, hoang sơ mà ai cũng muốn một lần được trải nghiệm.
Nhờ sự ưu ái của tạo hóa mà nhiều năm trở lại đây, Măng Đen được ví như “thiên đường” nghỉ dưỡng của Tây Nguyên, quanh năm du khách bốn phương tìm về.
Trong chuyến đi tìm hiểu về giai thoại, minh chứng 7 hồ 3 thác còn hiện hữu đến ngày nay, chúng tôi may mắn gặp được ông A Tạm, Phó Trưởng phòng Văn hoá, Thể thao huyện Kon Plông, cũng là một người dân bản địa.
Ông Tạm cũng không biết rõ là giai thoại 7 hồ 3 thác có từ thời nào, chỉ biết rằng, khi một đứa trẻ trong làng sinh ra, đều được ông bà, cha mẹ, kể cho nghe về câu chuyện đặc biệt này. Cứ thế hệ này, nối tiếp thế hệ kia, luôn theo lời răn dạy của các bô lão phải giữ trọn lời thề, không thất hứa và biết ơn những vị thần đã hy sinh, bảo vệ sự yên bình cho dân làng.
Theo ông Tạm giai thoại của Măng Đen gắn với vị thần tối cao Plinh Huynh và 7 người con trai của ngài xuống lập làng và sinh sống lấy vợ sinh con. Thần Plinh Huynh gia phong 7 người con trai trở thành các vị thần cai quản vùng đất đó. Còn, những người vợ hóa thành linh vật đại diện cho các loài heo, nai, cá, thằn lằn.
Thần Plinh Huynh yêu cầu các vị thần cai quản phải lập lời thề là không được ăn thịt loài vật mà vợ mình là linh vật. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị thần Plinh Huynh trừng phạt. 7 hồ được gọi theo tên các con của thần Plinh Huynh là Toong Đam, Toong Rpông, Toong Zơ Ri, Toong Ziu, Toong Săng, Toong Li Lung và Toong Pô. Còn, 3 tia lửa tạo thành 3 dòng thác là Pa Sỹ, Đăk Ke và Pne.
Ngày nay, 7 hồ và 3 thác là một trong những địa điểm thu hút du khách về với Măng Đen. Thế nhưng, một số hồ đã cạn nước nên địa phương có chủ trương khôi phục, chỉnh trang nhằm phát triển du lịch. Địa phương đang kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn để xứng tầm với tiềm năng du lịch của vùng đất này.
Cũng theo Phó Trưởng phòng Văn hoá, Thể thao huyện Kon Plông, đã có một số hồ và thác trên địa bàn được địa phương hoặc cá nhân, tổ chức đầu tư trở thành địa điểm tham quan, du lịch. Dù thế, huyện Kon Plông vẫn yêu cầu các cá nhân, tổ chức phát triển du lịch song song với gìn giữ môi trường sinh thái.
Địa phương cũng tổ chức trồng hơn 12.000 cây mai anh đào để tạo cảnh quan, thu hút du khách và làm xanh hơn mảnh đất Măng Đen.
"Sau đại dịch Covid-19, du lịch Măng Đen được nhiều du khách biết và tìm đến. Địa phương ưu tiên phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
Đặc biệt, người dân rất có ý thức bảo vệ môi trường. Hằng năm, người dân cùng chính quyền thường xuyên dọn dẹp, chỉnh trang lại các tuyến đường để Măng Đen thêm xanh - sạch - đẹp", ông A Tạm chia sẻ.
Theo ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, trong năm 2023 đã có 1 triệu du khách đến Măng Đen. Huyện đã và đang đẩy mạnh công tác trồng rừng, duy trì và nâng cao độ che phủ rừng, bảo tồn hệ sinh thái đa dạng, ổn định thời tiết mát mẻ ở địa phương; chú trọng các hoạt động bảo vệ môi trường sinh thái, trồng hàng nghìn cây hoa, cây xanh tại các tuyến đường phố, công viên, cơ sở lưu trú, điểm du lịch, cơ quan, đơn vị để tạo nét đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên ở Măng Đen, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1492/QĐ – TTg, ngày 29/11/2023) phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045. Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch gồm thị trấn Măng Đen và 5 xã: Măng Bút, Đăk Tăng, Măng Cành, Hiếu và Pờ Ê với tổng cộng trên 90.000ha.
Trong đó, 19.000ha không có rừng tự nhiên được sử dụng xây dựng các công trình nhà ở, đô thị, khoảng 71.000ha rừng tự nhiên được quy hoạch khai thác hoạt động du lịch.
Trong tương lai, Măng Đen sẽ trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia và khu vực; thành điểm đến hấp dẫn của vùng Tây nguyên với cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng sinh học...