Mang dự án thế chấp ngân hàng: Dấu hỏi năng lực địa ốc Hoàng Quân?

Mang dự án thế chấp ngân hàng: Dấu hỏi năng lực địa ốc Hoàng Quân?

Nguyễn Trọng Cảnh

Nguyễn Trọng Cảnh

Thứ 2, 19/06/2017 08:48

Dự án chậm tiến độ, bị thế chấp ngân hàng, trong khi địa ốc Hoàng Quân liên tục phát hành trái phiếu để tăng vốn điều lệ khiến dư luận phải đặt ra dấu hỏi lớn về năng lực của doanh nghiệp này.

Dự án chậm tiến độ mang “cắm” ngân hàng

Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa vừa công bố danh sách 50 dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh đã được chủ đầu tư đem “cắm” ngân hàng.

Hầu hết các dự án có nhà đất mà chủ đầu tư đang thế chấp vay vốn kể trên đều ở TP Nha Trang. Trong đó, có những dự án được quảng bá và bán rất nhiều nhà đất cho người dân như: khu đô thị Mỹ Gia, khu công viên văn hóa và biệt thự Hòn Một (xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang); các khu đô thị Lê Hồng Phong - Venesia (P.Phước Hải); dự án khu dân cư Cồn Tân Lập; khu đô thị ven sông Tắc; khu biệt thự cao cấp Ocean View và khu biệt thự biển và dịch vụ du lịch Anh Nguyễn (P.Vĩnh Trường).

Đáng chú ý trong danh sách này là dự án chung cư HQC Nha Trang của Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (địa ốc Hoàng Quân). Theo đó, 220 căn hộ và khu thương mại trong dự án này đang bị chủ đầu tư “cắm” tại ngân hàng TNHH INDOVINA.

Tài chính - Ngân hàng - Mang dự án thế chấp ngân hàng: Dấu hỏi năng lực địa ốc Hoàng Quân?

 Phối cảnh chung cư HQC Nha Trang do địa ốc Hoàng Quân làm chủ đầu tư

 

Chung cư HQC được khởi công ngày 22/4/2015 theo giấy phép số 43 do sở Xây dựng Khánh Hòa cấp. Theo dự kiến, quý IV năm 2016, dự án sẽ hoàn thiện và bàn giao nhà cho khách hàng. Tuy nhiên, cho đến nay Chung cư HQC vẫn đang trong quá trình triển khai. Dự án này cũng đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa cũng như TP Nha Trang nhắc nhở vì chậm tiến độ.
Theo giải trình của đại diện địa ốc Hoàng Quân thì việc dừng gói vay 30.000 tỷ đồng đối với khách hàng đã ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho rằng, lý do chính dẫn đến chậm tiến độ tại chung cư HQC là chủ đầu tư chưa tích cực trong triển khai thi công, thiếu giải pháp phối hợp cũng như chưa tập trung đủ nguồn lực ưu tiên để hoàn thành công trình theo đúng tiến độ cam kết.
Dự án chậm tiến độ, phải cắm ngân hàng khiến người ta phải đặt dấu hỏi về năng lực của Chủ đầu tư.
Hành trình tăng vốn thần kỳ của địa ốc Hoàng Quân
Như đã phân tích, chỉ trong 10 năm qua, vốn điều lệ của Hoàng Quân đã được nâng gấp gần 100 lần. Trong đó giai đoạn 2012-2017 tăng vốn từ 400 tỷ đồng lên 4.766 tỷ đồng thông qua phát hành 436,6 triệu cổ phần. Đáng chú ý là các hình thức phát hành của doanh nghiệp này đều không được đánh giá cao về tính minh bạch, bao gồm 48 triệu cổ phần cấn trừ nợ, hoán đổi 132 triệu cổ phần với một số công ty khác, chuyển đổi 500 tỷ đồng trái phiếu thành 50 triệu cổ phần, phát hành 63,6 triệu cổ phần trả cổ tức cho cổ đông, 50 triệu cổ phiếu được bán cho các đối tác chiến lược và 93 triệu cổ phần còn lại được bán cho cổ đông hiện hữu. Phần lớn nghiệp vụ trên đều được thực hiện với các pháp nhân, thể nhân có liên quan tới người nhà lãnh đạo doanh nghiệp này.
Mặc dù chưa năm nào thua lỗ song giá cổ phiếu HQC của Địa ốc Hoàng Quân hiện nay chỉ được giao dịch quanh ngưỡng 3.000 đồng, ngang với một...ly trà đá, phản ánh cái nhìn của thị trường với doanh nghiệp này. Cổ phiếu HQC đã rơi xuống dưới mệnh giá từ năm 2011, trước khi “ông lớn” nhà ở xã hội miền Nam tăng vốn ồ ạt. Về nguyên tắc, thị giá cổ phiếu thấp hơn mệnh giá thì rất khó phát hành thêm cổ phần để tăng vốn, bởi bán không ai mua. Trường hợp của Địa ốc Hoàng Quân không khỏi khiến giới đầu tư lo ngại về tình trạng tăng vốn ảo, vốn khống của tập đoàn này.
Trao đổi với PV, lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lớn ở phía Bắc cho hay pháp luật hiện nay chưa chặt chẽ nên tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực địa ốc lợi dụng để “phù phép” nâng vốn điều lệ lên gấp nhiều lần. Ví dụ: A góp vốn vào B, sau đó B lại đầu tư vào C (thực chất là công ty liên quan tới A và B), dưới hình thức hợp tác kinh doanh hay đầu tư dài hạn. Như vậy vốn của B được tăng lên trên sổ sách nhưng thực tế vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”. Ở trường hợp khác, vốn của B có thể được tăng lên thực sự, nhưng là tiền... ngân hàng, khi mà ở các đợt phát hành, lãnh đạo và cổ đông nội bộ doanh nghiệp sẽ mang số cổ phiếu mua thêm thế chấp vay tín dụng để mua... chính số cổ phiếu đó, nếu không đủ doanh nghiệp sẽ đứng ra bảo lãnh ngân hàng, cái này không ai kiểm soát được. Điều này giải thích tại sao một số công ty địa ốc liên tục phải tăng vốn, một lý do không nhỏ là để đảo nợ ngân hàng trong nghiệp vụ trên. Và lúc này, mặc dù có vốn điều lệ rất “khủng”, nhưng chất lượng vốn yếu kém không khó để nhìn ra thông qua loạt dự án chậm tiến độ, nợ thuế, bị phạt chậm thuế...
Nghi Điền – Thủy Tiên

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.