Đó là bệnh nhân Đ.T.T (SN 1979, ngụ tỉnh An Giang). Bệnh nhân cho biết, 4 năm trước phát hiện bị u nang buồng trứng, chị T. đã chạy chữa ở bệnh viện địa phương, rồi bệnh viện chuyên khoa sâu tại TP.HCM.
Tuy nhiên, chị bị chứng trụy tim mạch, suy tuần hoàn khi bắt đầu khởi bệnh. Từ đó, chị T. chạy chữa nhiều nơi, nhưng vẫn chưa được mổ do nguy cơ tai biến gây mê hồi sức cao và đành chấp nhận cuộc sống chung với nghịch cảnh khối u ngày càng lớn.
Vào tháng 4/2018, tình trạng bệnh của chị T. bắt đầu nặng, bụng đau quặn, khó thở nên nhập viện tại bệnh viện Khu vực Châu Đốc, tỉnh An Giang. Sau đó, chị được chuyển lên bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) điều trị.
Các bác sĩ bệnh viện Đại học Y Dược gồm nhiều khoa: Phụ sản, Tim mạch, Hô Hấp, Tiêu hóa nội tiết, Lồng ngực mạch máy, Gây mê hồi sức, Tim mạch đã hội chẩn, đánh giá toàn diện tình trạng bệnh sử và tình hình hiện tại của bệnh nhân.
Sau khi hội chẩn liên khoa và cân nhắc kỹ lưỡng, bệnh viện đã quyết định phẫu thuật bóc tách khối u cho bệnh nhân. Khối u gồm 48 lít dịch được chứa trong 12 bình có thể tích 4 lít và 3 ký vỏ khối u đã được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân an toàn với đường mổ chỉ 10cm.
Hiện chị T. đã hồi tỉnh, có thể nói chuyện, ăn uống, đi lại được. Các chỉ số tim mạch, huyết áp, hô hấp đã ổn định.
Th.S BS Lê Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản, bệnh viện Đại học Y Dược, người trực tiếp phẫu thuật hút dịch và lấy khối u của chị T cho biết: “Trong 34 năm làm nghề, đây là lần đầu tiên, tôi chứng kiến người bệnh có thể sống với khối u khổng lồ đến thế trong ổ bụng. Vì đây là ca u dính nên cả ê kíp phẫu thuật phải bóc tách từng milimet khối u ra khỏi thành bụng”.
“Khó khăn trong ca phẫu thuật này là khối u quá to, gây nên tình trạng chèn ép phổi. Vì vậy, dịch khối u phải được lấy ra từ từ từng chút để áp suất chèn ép nội tạng giảm chậm rãi. Trong quá trình phẫu thuật, nếu bác sĩ không cẩn thận và thiếu kinh nghiệm có thể dẫn đến người bệnh suy hô hấp hoặc áp suất giảm. Chèn ép giảm đột ngột có thể dẫn đến vỡ tim, phù phổi gây rối loạn huyết động học”, bác sĩ Dung thông tin thêm.
TS.BS Phan Tôn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, bệnh viện Đại học Y Dược chia sẻ: “Người bệnh có tiền sử trụy tim mạch, ngưng tuần hoàn khi gây mê ở lần mổ trước nên chúng tôi đã cẩn thận đánh giá toàn diện những yếu tố nguy cơ có thể xảy ra với người bệnh khi gây mê trong lần phẫu thuật này…”.
Chia sẻ với PV, bệnh nhân T. cho biết, hoàn cảnh gia đình khó khăn, mấy năm nay, chị T. phải ở nhà, không làm việc gì được. Một mình chồng chị nuôi 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học và người cha già ngoài 80 tuổi.
Mang trong mình khối u khổng lồ, chị rất khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống… Chị cảm ơn bác bác sĩ, mạnh thường quân, bệnh viện Đại học Y Dược đã giúp chị phẫu thuật thành công khối u. Trước khi phẫu thuật, trọng lượng cơ thể chị lên tới hơn 100kg, nhưng nay đã nhẹ nhõm...