Sáng 20/9, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã thông tin về kế hoạch Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ V, năm 2022.
Theo đó, Liên hoan sẽ diễn ra từ ngày 25/9 đến 2/10 năm 2022 với sự tham gia của 13 đơn vị sân khấu (mỗi đơn vị một tác phẩm).
Chia sẻ về sự kiện, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: "Các tác phẩm tham gia Liên hoan đều được thẩm định về mặt nội dung, nghệ thuật và là những vở diễn được đầu tư, chăm chút ở mức độ cao để tham dự. Anh chị em nghệ sĩ rất trông đợi vào cuộc hội tụ nghề nghiệp này vì đây là một trong những sân chơi lớn, có đối tượng khán giả thủ đô vốn là những khán giả khó tính, đòi hỏi cao ở chất lượng nghệ thuật cũng như nội dung. Ban tổ chức lựa chọn các nhà chuyên môn có uy tín, có sự công tâm để có được những đánh giá chính xác nhất đối với các đơn vị, nghệ sĩ tham dự liên hoan".
NSND Trịnh Thúy Mùi cũng hi vọng và tin tưởng, thế hệ nghệ sĩ trẻ sẽ chứng tỏ sức thanh xuân của mình trong nghệ thuật, cũng như khán giả Thủ đô tiếp tục ủng hộ các đêm diễn, đặc biệt là khán giả trẻ đến với sân khấu ngày một đông đảo hơn. Liên hoan chắc chắn sẽ là một trong những sự kiện văn hóa đáng chú ý của thủ đô.
Bà Phạm Mỹ Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho hay: "Các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở Hà Nội, các đơn vị chuyên nghiệp của Bộ Văn hóa, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các nhà hát thực nghiệm, các cơ sở đào tạo... đều có thể tham gia Liên hoan. Sở VH,TT ban hành nhiều kế hoạch như phối hợp với Hội sân khấu chuẩn bị khâu tổ chức cho tốt nhất, đưa vở diễn tới công chúng gần nhất. Các kế hoạch này chúng tôi đã trình lên Ủy ban để dự toán kinh phí để làm tốt nhất".
Nói về việc tổ chức Liên hoan, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội chia sẻ: "Năm nào Nhà hát tôi cũng dựng 3-4 vở về Hà Nội, bên cạnh đó chúng tôi cũng chọn những đề tài khác. Chúng tôi đã từng dựng vở Hà Thành chính khí nói về Tổng đốc Hoàng Diệu với số lượng diễn viên lên đến 100 người. Năm nay chúng tôi dựng vở Trái tim người Hà Nội, hy vọng sẽ mang tới cho khán giả những phút giay lắng đọng. Khoảng 6-7 năm trở lại đây, đề tài về Hà Nội hiện đại không nhiều, chúng tôi tìm nhiều kịch bản nhưng không có cái ưng ý. Tôi có nói chuyện bên trường Sân khấu Điện ảnh, thì mới biết Khoa Biên kịch, Lý luận phê bình bỏ vì không có kinh phí để duy trì môn, không có ai học. Nhà hát tôi cố gắng mỗi năm làm một vở lịch sử về Hà Nội để các thế hệ sau biết được văn hóa, biết được cha ông ta đã sống thế nào. Tôi đã nói ở nhiều diễn đàn: Trách nhiệm của Nhà hát là phải dựng kịch lịch sử để các thế hệ sau biết cha ông mình. Chúng tôi phải đặt hàng kịch bản, tôi phải động viên anh em nghệ sĩ viết kịch bản. Bản thân tôi cũng phải tự viết, rồi gợi ý cho anh em viết".
Sự tham dự của các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp là một trong những khía cạnh khẳng định vị thế của Liên hoan đối với người hoạt động sân khấu. Những kỳ Liên hoan trước, rất nhiều vở diễn, nghệ sĩ được ghi nhận bằng các giải thưởng, huy chương và tiếp tục tỏa sáng sau khi trở về hoạt động thường nhật. Như những cuộc thi, liên hoan sân khấu mang tính chất toàn quốc và là một sự kiện văn hóa lớn của Hà Nội, là hoạt động nghề nghiệp, cuộc biểu dương lực lượng của các đơn vị sân khấu nhằm tạo ra cơ hội giao lưu, học hỏi cho đội ngũ nghệ sĩ nâng cao trình độ chuyên môn.
Liên hoan năm nay có 13 tác phẩm sân khấu ở nhiều thể loại, những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, mang những giá trị tư tưởng truyền thống của dân tộc, tôn vinh các phẩm chất của người Hà Nội, của thủ đô anh hùng, mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Trong đó có thể kể đến vở Bất tử với Thăng Long – Nhà hát Cải lương Việt Nam; Huyền tích Chùa Một Cột – Sân khấu Lệ Ngọc; Trời Nam – Nhà hát Cải lương Hà Nội; Thúy Kiều – Một kiếp đoạn trường – Nhà hát Kịch Hà Nội…