Trước khi về quê khởi nghiệp, anh Nông Chí Khiêm, trú tại xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế (Bắc Giang) từng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Điện tử viễn thông và có thời gian dài làm kỹ thuật ở một Đài truyền hình.
Tuy nhiên, trong chuyến đi Phú Quốc với một người chú vào năm 2011, thấy người dân trồng sim với quy mô lớn, hái quả bán với giá 75.000 đồng/kg, giá bằng cả yến lúa, ngô đã khiến anh suy nghĩ rất nhiều.
“Loại cây này ở quê tôi mọc hoang dại khắp các quả đồi, cánh rừng, cho không ai hái, gia súc không thèm ăn nhưng ở Phú Quốc lại được thu mua để làm rượu vang, siro, mứt, kẹo gôm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu”, anh Khiêm nói.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ cây sim, anh Khiêm quyết định về quê khởi nghiệp.
Về quê, vừa làm, anh vừa nghiên cứu các tài liệu về quả sim thì biết đây là loại cây có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Ngoài quả thì thân, rễ và cành lá sim được dùng trong y học để chữa các bệnh về tiêu hoá, xương khớp, có tác dụng bổ huyết, an thai…
Không những thế, cây sim khi sống ở vùng đất càng cằn cỗi thì càng sinh sôi, nảy nở và phát triển. Vì vậy, có thể tận dụng trồng sim ở những diện tích đất hoang hoá, khô cằn, chống xói mòn đất mà không tốn nhiều công chăm sóc lại mang về giá trị kinh tế cao.
Trước khi bắt tay vào làm, anh Khiêm đã liên hệ với các doanh nghiệp chuyên thu mua quả sim ở Phú Quốc và nhận được câu trả lời là có bao nhiêu quả sim họ cũng mua.
Đồng thời, khi chia sẻ sang các hội, nhóm xuất nhập khẩu và dược liệu thì có hàng trăm số điện thoại liên hệ với anh hỏi mua quả, lá, rễ của cây sim với giá cao. Vì vậy, anh quyết định nghỉ việc về quê khởi nghiệp với cây sim.
Quả sim nếp được anh Khiêm trồng và thu hái.
Qua tìm hiểu, anh Khiêm biết được cây sim có rất nhiều loại nhưng chỉ có loại sim nếp mới cho quả to, thịt dày, thơm và không chát, được các nhà máy thu mua với giá cao.
Được sự động viên và hưởng ứng nhiệt tình của vợ, năm 2016, anh Khiêm bắt đầu những chuyến lên rừng tìm những gốc sim 2-3 năm tuổi, đào lên rồi mang về nhà trồng.
“Suốt 2 năm trời, tôi và vợ đèo nhau vào rừng tìm sim. Mùa đông, nhiệt độ vùng núi xuống dưới 10 độ C. Hai vợ chồng dậy từ 5 giờ sáng, leo lên trên chiếc xe máy cà tàng, hai bên là 2 chiếc sọt tre với cuốc, thuổng, bao tải kèm với mang nước uống, cơm nắm muối vừng hoặc lương khô, rong ruổi cả ngày khắp Bắc Giang, Lạng Sơn để kiếm cây sim về trồng”, anh Khiêm kể.
Tìm được cây sim, anh Khiêm đảm nhận việc đào gốc, vợ anh thì cắt lá, buộc dây. Mỗi chuyến đi, hai vợ chồng đào được hàng trăm gốc sim mang về giâm và trồng tại vườn nhà.
Hàng nghìn cây sim được anh Khiêm lấy về trồng tại vườn nhà.
Hành trình đi lấy sim khó khăn, vất vả, khi thì gặp ong đốt, khi nắm phải những con sâu to bằng ngón tay khiến cả tuần cầm đũa ăn cơm cũng thấy vừa đau vừa ngứa. Có những hôm trở cả trăm gốc sim trên xe, trời mưa, đường trơn khiến cả người cả xe lăn xuống ruộng nhưng cũng không khiến anh nản lòng.
Chưa kể, nhìn hai vợ chồng vất vả, nhiều người không khỏi buông lời chê cười, nói anh “gàn dở”.
“Dân làng thì người cười, người coi thường nói tôi làm nghề oái oăm. Đang làm văn phòng ăn trắng mặc trơn lại nghỉ việc để chui rúc vào rừng, đào bới loại cây gia súc không thèm ăn mang về nhà trồng. Anh em họ hàng nhìn thì xót xa, thương đứa cháu học hành giỏi giang nhất họ lại chọn cái nghề vất vả, khác người”, anh Khiêm nói.
Không chỉ trồng sim, anh Khiêm còn bao tiêu toàn bộ sim cho bà con trong vùng với giá cao.
Hè năm 2016, anh Khiêm huy động anh em trong nhà vào rừng hái quả sim về bán. Chỉ trong vài tháng, anh thu gom bán được 35 tấn với giá 35 nghìn đồng/kg.
Không chỉ vậy, nhờ chăm chỉ lên rừng đào sim về trồng, chỉ trong 3 tháng mùa đông, quả đồi rộng hàng trăm hecta của gia đình đã phủ kín cây sim nếp.
Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc, vợ chồng anh đã thu hoạch được những quả sim đầu tiên. Vừa hái sim tại vườn nhà, anh Khiêm còn thuê người dân các xã, bản lân cận đi hái sim, thu mua được hơn 50 tấn quả.
Ngoài đất của gia đình, anh Khiêm tiếp tục đấu thầu và mua thêm đất để trồng sim, nâng tổng diện tích trồng sim lên 180ha.
Những quả đồi phủ đầy sim nếp.
Theo anh Khiêm, mỗi ha sẽ trồng được khoảng 1.600 cây sim, mỗi cây cho thu hoạch ổn định từ 5-7kg quả, giá bán khoảng 35 nghìn đồng/kg.
Ngoài trồng sim lấy quả bán ở thị trường trong nước, anh Khiêm còn thành lập Hợp tác xã quả sim nếp để chuẩn bị xuất khẩu quả sim và các sản phẩm chế biến từ quả sim ra thị trường nước ngoài. Đồng thời, anh cung cấp cây giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân trồng sim nếp.
Khi cây sim cho ra quả ổn định, anh Khiêm đã tiến hành lấy quả từ những cây sim nếp quả to, chất lượng cao, mang đi ươm hạt tạo thành cây giống. Cây giống anh sản xuất ra bao nhiêu sẽ mang đi trồng mới tại hợp tác xã và những hộ liên kết với giá khoảng 20 nghìn đồng/cây.
Từ năm 200-2023, tổng sản lượng sim nếp được anh Khiêm cung cấp ra thị trường mỗi năm khoảng 200 tấn quả với giá thành khoảng 35 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, mỗi năm, anh còn thu mua hoa sim của bà con địa phương, tiến hành sấy khô, cung cấp cho đối tác Nhật Bản mỗi năm từ 3-5 tạ với giá 1,6 triệu đồng/kg
Trung bình, mỗi năm, trừ các chi phí, anh Khiêm thu về được từ 1,5-2 tỷ đồng.
Từ loại cây mọc dại, anh Khiêm có thể thu về cả tỷ đồng mỗi năm.
Nói về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Khiêm cho biết, khi bắt tay vào làm, anh nghĩ đơn giản là làm nông nghiệp cần phải tìm hiểu thị trường và giá trị của sản phẩm của mình làm ra chứ không làm theo phong trào.
“Tôi biết được giá trị của cây sim nên muốn bắt tay vào làm, vừa tạo giá trị kinh tế vừa để bảo tồn cây sim nếp chứ không nghĩ được là cây sim sẽ được ưu ái như hiện tại.
Hy vọng rằng, sẽ ngày càng nhiều người biết đến giá trị của loại cây bản địa này. Đồng thời, quả sim và các sản phẩm chế biến từ quả sim sẽ có cơ hội xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, tạo giá trị kinh tế cao hơn nữa trong tương lai”, anh Khiêm nhấn mạnh.
Hồng Cảnh