Nghệ sỹ... bất đắc dĩ
Vắng bóng trên màn ảnh một thời gian dài, nhiều người tưởng ông mải mê với cửa hàng bánh trôi Tàu?
Dạo này sức khoẻ tôi không được tốt, hai năm nay tôi phải mổ hai lần. Bác sỹ không cho phép tôi làm, họ khuyên tôi phải nghỉ vài năm. Nhưng tôi vẫn phải làm, làm công việc nhẹ nhàng hơn đó là sửa kịch bản phim cho anh em đạo diễn. Vài hôm nữa, anh em sẽ bắt đầu quay bộ phim hài cho dịp Tết, đạo diễn bảo vai này hay lắm, nhờ tôi giúp. Tôi lại đi diễn nhưng chỉ nhận đóng hai tập thôi. Tháng sau, có một bộ phim dài mười mấy tập nhưng tôi chưa dám nhận, bởi lý do sức khoẻ.
Khán giả rất nhớ hình ảnh bác “Bằng hói”, sắp tới, nghệ sỹ có vai diễn nào không?
Diễn là niềm đam mê của tôi. Tôi ở trong sân khấu kịch nói, có cái dễ ở chỗ là trẻ đóng vai trẻ, trung niên đóng vai trung niên, già đóng vai già. Đạo diễn trẻ nhiều lắm, anh em học hành đầy đủ nhưng kinh nghiệm chưa nhiều nên vẫn nhờ tôi giúp đỡ. Tôi giúp đỡ là vừa được hành nghề vừa không bị lệt bệt. Tôi luôn cố gắng, còn đi được, ăn được thì tôi vẫn làm.
Đã ở tuổi bát tuần, ông vẫn cống hiến, vẫn đam mê với nghề, lý do gì khiến ông đam mê đến vậy?
Tầm 14-15 tuổi, tôi rất thích và ước mơ được làm phi công. Nghĩ là làm, tôi đi thi tuyển vào trường đào tạo lái máy bay với tâm thế tự tin lắm. Thi tuyển nghề này hơi khó, ngoài sức khoẻ toàn diện ra thì ngũ quan phải hoàn chỉnh. Tôi đã qua hết các vòng sơ tuyển gắt gao để vào vòng thử thông minh, nhanh nhạy. Lý do tôi loại là vì một cái răng hỏng. Nó làm tôi vô cùng hẫng hụt. Sau đó, tôi thi vào trường cao đẳng giao thông công chính, ngành chuyên viên kỹ thuật cầu đường. Nhưng có một chút trục trặc nên tôi bỏ dở từ năm học thứ 3.
Nghề diễn thời trước chỉ là chơi nghiệp dư. Khi còn đi học, tôi vẫn diễn nghiệp dư với các bạn nên có một chút kinh nghiệm. Thi vào đoàn văn công chỉ là thi chơi thôi, không ngờ tôi lại đỗ. Thời đấy, đạo diễn đã động viên rằng, tôi sẽ phát triển tốt, tương lai có nhiều hứa hẹn nên tôi yên tâm theo nghề. Tính tới bây giờ thì tôi đã theo nghề gần 50 năm rồi.
NSƯT Phạm Bằng giản dị giữa đời thường.
Nghệ sỹ có thể chia sẻ thêm những khó khăn đã trải qua ở thời bao cấp?
Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn trăm bề. Không phải riêng tôi mà anh chị em nghệ sỹ cùng đoàn với tôi và nghệ sỹ nói chung đều vậy. Cuộc sống vật chất thiếu thốn là thế, nhưng bù lại anh chị em nghệ sỹ, diễn viên sống rất vô tư, trong sáng, luôn đùm bọc lẫn nhau. Ngoài giờ diễn, đa số nghệ sỹ đều phải làm thêm để phụ vào đồng lương ít ỏi. Chí Trung buôn xe đạp. Minh Vượng làm công nhân ép nhựa.
Thời kỳ đó việc mở cửa hàng cực kỳ khó khăn, nhưng tôi vẫn phải mở chui một cửa hàng bán bánh trôi Tàu. Có thời gian buổi tối, tôi làm vua chúa (đóng các vai vua chúa) ban ngày lại đi... kéo xe. Ở nhà hát, có những việc mà bây giờ ta vẫn gọi là cửu vạn, như di chuyển phông màn, đạo cụ. Thay vì thuê người ngoài, anh em xin với Giám đốc cho nhận làm, kiếm thêm. Mà hồi đó không phương tiện cơ giới, chỉ có xe ba gác là phương tiện chủ lực. Cực khổ thật, nhưng có thêm một khoản thu quý giá phụ gia đình, chúng tôi đều làm hết.
Tính đến bây giờ, ông đã theo nghề diễn viên khoảng 50 năm, ông có thể kể kỷ niệm mình nhớ nhất?
Tính đến nay, tôi có khoảng 300 vai diễn, cả trên sân khấu và truyền hình. Khoảng 5 năm đầu, tôi thường đóng vai chính diện. Sau đó trở đi, vai diễn mà đạo diễn cho là thích hợp nhất với tôi là các vai phản diện, vai tiêu cực. Sau này, khi Gặp nhau cuối tuần ra đời thì tôi nổi lên trong các vai hài, tiết mục hài của Đài truyền hình. Khoảng đầu thập niên 80, có một kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi. Đài Truyền hình phát vở kịch có tên Được bảo đảm bằng vàng (Kịch bản nước ngoài), nói khá mạnh về các vấn đề tiêu cực, mà hồi đó, nói chuyện tiêu cực còn dè dặt lắm. Tôi linh cảm thấy vở kịch này sẽ gây được tiếng vang, nếu đưa lên sân khấu. Thế là một vở kịch tay trái ra đời do tôi tự đạo diễn, dàn dựng.
Sau khi diễn thử ở Hà Nội, đoàn lập tức tìm về vùng mỏ Quảng Ninh. Thật ngoài cả mong đợi, vở kịch được hoan nghênh nhiệt liệt, được lãnh đạo tỉnh tạo mọi điều kiện để đưa vở kịch đến phục vụ tận nơi cho thợ mỏ. Những ngày đấy, cả đoàn mệt phờ nhưng chưa bao giờ vui đến thế. Và, cũng chưa bao giờ “nặng túi” đến thế!...
Không đi bước nữa vì cái nghĩa với vợ
Làm nghệ thuật, cái nghề mà cụ thân sinh ra ông cho là nghề xướng ca vô loài, còn thiên hạ thì cũng coi là làm dâu trăm họ ấy, vợ ông có ủng hộ?
Bà xã ủng hộ tôi chứ, ủng hộ lắm là khác. Không có bà là hậu phương cực kỳ vững chắc thì tôi không có được thành công ngày hôm nay. Bà ấy làm bên thương nghiệp nhưng luôn đứng sau tất cả những công việc của chồng. Đôi lúc bà cũng ghen, cũng khó chịu khi thấy chồng hay đóng cặp với những người phụ nữ khác, lại có những cảnh diễn tình cảm. Tôi cũng vẫn hay nói đùa rằng, mọi người khen tôi đẹp trai mà lại đóng toàn vai mà các cụ vẫn gọi là lẳng lơ ấy nên khổ thế. Nói vui thôi chứ, bà xã tôi là người rất hiểu và thông cảm cho chồng, luôn tạo điều kiện cho tôi làm việc tốt hơn.
Có phải vì cửa hàng bánh trôi đã “cứu” ông những năm tháng đói kém để theo nghề nên sau này dù thành công, ông vẫn không nỡ phụ nó hay có điều gì đặc biệt nên ông vẫn giữ nghề dù tuổi cao sức yếu?
Ngày xưa, phố Hàng Giầy có 98% là người Hoa với biết bao món ăn bình dân của người Tàu. Gia đình tôi có hợp tác bán bánh trôi với một người Hoa nhưng họ giữ nghề ghê lắm nên chúng tôi phải tự mày mò nghiên cứu cách làm, mất đến ba năm mới làm được. Sau đó, bánh trôi tôi làm ra được khen... ngon hơn cả người Tàu làm, bởi chất lượng và mùi vị không thể lẫn vào đâu được! Tôi rút ra kinh nghiệm, làm ăn buôn bán là phải thật 98% thì mới sống lâu với nghề được.
Trước kia gia đình tôi có một bà cụ làm bánh và nấu các món ăn cho quán, tôi ưng ý lắm. Sau đó, cụ có tuổi, cụ truyền nghề cho một cô bé phụ việc. Khi đó nó mới 14, 15 tuổi thôi, đến nay cô bé ấy làm cho tôi cũng tới 20 năm rồi. Cuối năm ngoái, cô ấy xin nghỉ sinh nên tôi đóng tạm cửa hàng. Bởi tôi không muốn khách đến phải ăn những món không đúng mùi vị.
Tôi vẫn giữ nghề phụ bán bánh trôi Tàu bởi chính cái nghề này đã nuôi sống gia đình tôi suốt 25 năm, là mối ân tình của tôi với người vợ quá cố đã một mình cai quản quán bánh để tôi gây dựng được sự nghiệp nghệ thuật.
Con chăm cha không bằng bà chăm ông, bà nhà ông cũng đã đi xa hơn chục năm, có khi nào ông nghĩ tới chuyện đi bước nữa?
Tôi thiếu đi bàn tay chăm sóc của người vợ đã hơn chục năm nay. Mỗi lần tôi đau ốm, lại nhờ đến con cái. Nhưng con chăm cha không bằng bà chăm ông, mà nhờ đến các con nhiều quá cũng ngại, nên giờ tôi cứ lủi thủi một mình. Chúng tôi lấy nhau thời kỳ cực kỳ khó khăn, thương nhau không buông ra được. Phải có tình thương thì mới lâu dài được chứ chỉ có tình yêu thì lúc khó khăn dễ bị chao đảo, suy nghĩ lắm. Điều đầu tiên tôi nghĩ, tôi không đi bước nữa bởi tôi có được ngày hôm nay không phải là vì tôi mà chính là vì bà ấy. Bà ấy đỡ đần cho tôi, là hậu phương vô cùng quan trọng mà tôi cực kỳ yên tâm để đến được cái ngày thăng hoa trong nghệ thuật.
Điều tôi không đi bước nữa là tôi trả nghĩa bà xã. Tôi đã mất đi một hậu phương để an ủi với nhau lúc tuổi xế chiều. Đó là điều tôi cảm thấy thiếu, nhưng mọi chuyện tôi chịu đựng được. Từ khi bà xã mất, tôi đã bữa đực bữa cái, bữa ăn cơm bữa không ăn cơm. Cũng có lúc xiêu xiêu nhưng tôi nghĩ khó khăn trong bao cấp còn vượt qua thì bây giờ có gì là khó. Tôi sợ cuộc sống gia đình bị xáo trộn nên tôi quyết định không đi bước nữa. Tôi tự bằng lòng với cuộc sống những ngày cuối cùng của cuộc đời này.
Cảm ơn NSƯT Phạm Bằng về cuộc trò chuyện!
Lương Thu Hiền