Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Về vấn đề mang thai hộ, Bộ Tư pháp cho biết, quá trình lấy ý kiến vào dự thảo Luật vẫn còn 2 ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng, Nhà nước cần cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại nhưng nên cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được quyền làm cha, mẹ theo nguyện vọng.
Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, pháp luật phải quy định chặt chẽ, cụ thể các điều kiện đối với người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên và nhiều vấn đề khác có liên quan đến việc mang thai hộ.
Tuy nhiên, ý kiến thứ hai lại cho rằng, Luật HNGĐ cần nghiêm cấm việc mang thai hộ vì đây là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, có thể mang lại nhiều hậu quả xấu về mặt xã hội, mặt khác cũng không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Bộ Tư pháp ủng hộ ý kiến thứ nhất: Nên cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Bộ Y tế tán thành quan điểm này vì cho rằng cấm nhờ người mang thai hộ thì thiếu tính nhân văn, nếu cho phép sẽ tạo điều kiện giúp những người phụ nữ không có khả năng mang thai để được toại nguyện ước mơ làm mẹ.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng đã đề xuất chỉ cho phép một số trường hợp được mang thai hộ nhưng phải bảo đảm một số điều kiện, trong đó không vì mục đích thương mại (nghiêm cấm đẻ thuê); chỉ cho phép với những người cùng trong dòng họ…Nhưng, nhiều ý kiến lo ngại cho phép mang thai hộ sẽ bị lợi dụng để mua bán. Bởi trong trường hợp này việc chứng minh vì mục đích thương mại hay nhân đạo là rất khó khăn. Thậm chí từ nhân đạo đến thương mại rất dễ bị biến tướng do các cơ quan chức năng không kiểm soát nổi…
Không HIV, không tâm thần và… dưới 45 tuổi
“Khoanh vùng” người được mang thai hộ phải là người thân thích là quan điểm được nhiều ý kiến tán thành. Ngoài ra, dự luật cũng quy định kèm theo các điều kiện khác về sức khỏe. Để rộng đường dư luận, Dự thảo Luật HNGĐ đưa ra hai phương án.
Thứ nhất, người được nhờ mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ; từ đủ 20 tuổi đến 45 tuổi; có đủ sức khỏe để thụ thai, mang thai và sinh đẻ, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm hay các bệnh di truyền khác.
Phương án 2 ngoài những điều kiện nêu trên, có mở rộng hơn ngoài người thân thích thì “trong trường hợp không có người thân thích để mang thai hộ thì vợ chồng có thể nhờ người phụ nữ khác mang thai hộ”.
Tuy nhiên, phương án thứ hai không được nhiều ý kiến ủng hộ bởi lẽ nếu theo phương án này việc mở quá rộng dễ đến hệ lụy như nguy cơ bùng phát dịch vụ đẻ thuê, hay tranh chấp khi đứa trẻ sinh ra...Bên cạnh đó, nếu các quy định về tình trạng sức khỏe của người mang thai hộ được ban hành thì cần nhanh chóng có những hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng được thuận lợi, nhất là trong trường hợp một số bệnh lý thuộc trường hợp cấm mang thai hộ rất khó xác định (như bệnh tâm thần).
Để hạn chế những tranh chấp có thể phát sinh trong việc mang thai hộ, dự luật cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của người mang thai hộ, trong đó đáng chú ý là các quy định như không có quyền yêu cầu bên nhờ mang thai hộ hỗ trợ tài sản hoặc thu nhập cho việc mang thai, kể cả hỗ trợ cho việc chăm sóc thai; phải thực hiện đúng cam kết về việc giao con cho bên nhờ mang thai hộ; có nghĩa vụ tôn trọng bí mật đời tư, các quyền riêng tư khác, danh dự, nhân phẩm, uy tín của bên nhờ mang thai hộ...
Với các quy định cụ thể nêu trên, dự luật được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý điều chỉnh một vấn đề không mới nhưng được dư luận hết sức quan tâm, đồng thời hạn chế tối đa những hiện tượng tiêu cực trong xã hội như đẻ thuê...
Các quy định đáng chú ý của dự thảo Luật HNGĐ sửa đổi về mang thai hộ: 1. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được áp dụng đối với những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. 2. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải tuân thủ các điều kiện do Luật này, pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. 3. Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ. 4. Trong trường hợp mang thai hộ không tuân thủ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này thì người mang thai hộ là mẹ của con được sinh ra. |
Theo Bình An (Pháp luật Việt Nam)