Trần tục hóa đời sống tâm linh
Thưa GS, hiện nay không ít người dân cho rằng, nếu càng rải nhiều tiền ở chùa chiền thì sẽ gặp được may mắn, tài lộc. Quan điểm của GS như thế nào về vấn đề này?
Việc người dân đi chùa đầu năm cầu may là một truyền thống, nét văn hóa từ xa xưa. Đi lễ, họ cầu nguyện một năm mới may mắn, sức khỏe dồi dào và làm ăn phát đạt. Đó cũng là việc nên làm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, nhiều người dân đang có một suy nghĩ khiến chúng tôi, những người nghiên cứu về văn hoá hết sức buồn lòng. Họ quan niệm rằng, càng rải nhiều tiền ở đình chùa thì công việc sẽ hanh thông, gia đình mạnh khỏe và may mắn.
Theo tôi, nếu đã có tâm làm công đức thì nên để vào một chỗ và thể hiện lòng thành là được, chứ không nhất thiết phải "vung tiền" ở bất cứ nơi đâu. Như vậy, nét tâm linh ở mỗi con người cũng mất đi phần nào giá trị mà nhà chùa, ban tổ chức lễ hội cũng khó khăn trong việc đi thu "lộc".
GS.TS Lê Quý Đức.
GS có thể lý giải nguyên nhân của tình trạng này?
Lâu nay, tôi cũng rất quan tâm đến tín ngưỡng thờ tự, lễ lạt của người dân Việt Nam. Theo những gì quan sát và nghiên cứu được, tôi cho rằng, hiện nay, đời sống tâm linh của một bộ phận người dân đang bị ảnh hưởng bởi đời sống trần tục. Họ quan niệm, chỗ nào cũng phải "chia phần", kể cả thần thánh. Người ta đặt tiền ở bất cứ ban thờ nào để các thần "có phần" bằng nhau. Rõ ràng, cái suy nghĩ đó chỉ có ở đời sống trần tục. Tuy nhiên, điều khó khăn ở đây là nét tâm lý trên không dễ dàng bị xóa bỏ. Vì nó đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít con người. Tôi cũng đã từng đi lễ chùa ở nhiều nơi và thấy tất cả ban quản lý lễ chùa đều ghi rõ "bỏ tiền vào hòm công đức". Tôi và gia đình cũng thành tâm tiền cho nhà chùa nhưng chỉ để ở một chỗ.
Đất sống của những kẻ "ăn bám thánh thần"
Theo GS, những hệ lụy nào sẽ phát sinh từ cái tâm lý cứ rải tiền là gặp may của nhiều người dân?
Trong vấn đề này, ai cũng thấy những điểm bất cập sẽ phát sinh. Đầu tiên là dịch vụ đổi tiền lẻ. Hiện nay, đi bất cứ chùa chiền, lễ hội nào cũng có đội ngũ đổi tiền lẻ chèo kéo khách thập phương. Đây được coi là thành phần "ăn bám" thần thánh. Cách làm ăn của họ hết sức đơn giản như kiểu bóc lột khách. Những người này sẽ đi đến ngân hàng đổi tiền lẻ rồi đổi lại cho người dân với phí cắt cổ. Tôi đã từng chứng kiến, có người đổi 100 nghìn đồng tiền chẵn chỉ được 50 tờ 1 nghìn đồng. Điều lạ là rất nhiều người dân vẫn vui vẻ chấp nhận.
Vấn đề thứ hai là Nhà nước sẽ mất rất nhiều tiền của để in thêm tiền lẻ. Hiện nay, loại tiền 500 đồng, 200 đồng rất khó lưu thông. Bởi cốc trà đá, bó rau muống cũng đã vượt qua giá trị của hai mệnh giá tiền này. Chính vì vậy, dường như việc in tiền lẻ chỉ để phục vụ người đi lễ chùa. Điều này rất lãng phí.
Theo nghiên cứu của GS, ngày xưa, cái tâm lý này đã từng xuất hiện chưa?
Trước đây không hề có chuyện người dân mang tiền đi lễ chùa, lễ hội. Từ hồi tôi còn bé hay theo người lớn đi chùa nên biết được, người ta chỉ đem lễ lạt như hoa quả, bánh trái cúng thần linh. Ngay cả các nhà sư cũng có nói rằng, khi lên chùa, các tín chủ chỉ nên mang hoa quả lễ Phật và lòng thành tâm là được. Nhưng ngày nay, người ta sẵn sàng mang xôi thịt, ô tô giấy, vàng bạc... để "lấy lòng" thần linh. Đây là thực trạng đáng buồn. Thực ra, họ đang tự lừa dối chính mình. Những người dân dẫu không tín cũng nghĩ rằng cứ rải một ít tiền là gặp nhiều may mắn. Thậm chí, còn có "cuộc đua" trong việc thành tâm tiền ở các đình chùa. Hay có người lại nghĩ rằng, nếu không rải đủ tiền lẻ ở các ban thờ thì thánh sẽ không ban lộc cho mình.
Theo quan điểm của GS có nên cấm việc rải tiền ở các đình chùa?
Mặc dù nét tâm linh trên còn tồn tại một số vấn đề nhưng nó cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến an ninh trật tự. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần tuyên truyền để người dân hiểu được và thực hiện theo. Hơn nữa, việc cấm đoán cũng rất khó khăn và chắc chắn sẽ không đạt được hiệu quả. Thậm chí, càng cấm người ta càng làm nhiều hơn.
Xin cám ơn ông!
Phật ở trong tâm Vấn đền đổi tiền lẻ trong dịp Tết cũng nhận được sự quan tâm của nhiều người. Nhiều ý kiến cho rằng, tại nhiều chùa chiền, tiền được để vung vãi khắp nơi, lãng phí và không đẹp mắt, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi cửa Phật. Năm nay, một số người thực hiện chính sách khác, chỉ đổi tiền 10 nghìn hoặc 20 nghìn cho thẳng vào hòm công đức. Như vậy, số tiền mà họ công đức cho chùa vẫn giữ nguyên mà không tạo điều kiện cho đội quân đổi tiền lẻ lộng hành, tránh đội quân trộm tiền lễ trong các cửa chùa. Quả thật, Phật ở quanh ta, Phật tại tâm chứ không phải cứ vào chùa, rải tiền mới là hướng Phật. |
Chân Khê (thực hiện)