Loài vật khiến nước Úc phải đau đầu tìm kiếm biện pháp ứng phó chính là thỏ rừng châu Âu, hay thỏ châu Âu (Oryctolagus cuniculus).
Vào năm 1859, ông Thomas Austin, một người thích tổ chức những buổi săn bắn trên khu đất tại bang Victoria, nước Úc, đã mang về 24 con thỏ từ nước Anh. Chúng khi đó đều trong độ tuổi sinh sản.
Tuy nhiên, sau hơn 160 năm, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí PNAS vào năm 2022, có khoảng 200 triệu con thỏ đang sống lang thang trên khắp nước Úc. Chúng ăn các loài thực vật địa phương, gây suy thoái môi trường sống, đồng thời đe dọa tới sự tồn tại của nhiều loài bản địa.
Thỏ rừng châu Âu quả thực là loài vật xâm lấn đáng sợ ở Úc vì chúng có tốc độ sinh sản rất nhanh. Đàn thỏ không có thiên địch tại vùng đất mới, lại có rất nhiều tài nguyên để tận dụng nên tốc độ sinh sản của chúng vượt xa tầm kiểm soát của con người. Chỉ với 24 cá thể ban đầu, chúng có thể sinh sôi lên tới hàng trăm triệu con sau hơn 160 năm.
Theo các chuyên gia, thỏ có thể đẻ 7 lứa một năm. Mỗi lứa có trung bình 5 con sống tới độ tuổi sinh sản (3 - 4 tháng). Do đó, thỏ có thể phát triển thành quần thể lớn rất nhanh.
Ngay từ những năm đầu tiên khi tới Úc, loài vật này được hưởng lợi từ sự vắng mặt của động vật ăn thịt và khả năng thích nghi với khí hậu mới. Chính nhờ điều này giúp chúng mở rộng phạm vi sinh sống khoảng 110 km một năm.
Theo báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Úc (CSIRO), đây là cuộc xâm chiếm nhanh nhất được biết đến của động vật có vú trên thế giới. Bởi trong vòng 70 năm, loài thỏ này đã xâm chiếm khoảng 70% diện tích đất đai của Úc.
Austin không phải là người đầu tiên đưa thỏ đến Australia: 5 con thỏ khác từng ở trên hạm đội 1 gồm các tàu của Anh đến Sydney vào năm 1788 và có ít nhất 90 lần khác thỏ đã được nhập khẩu trong 70 năm tiếp theo sau đó. Tuy nhiên, nghiên cứu cho biết, hậu duệ của 24 con thỏ từ nhà của Austin là nguyên nhân gây ra thảm họa ở Australia. Số lượng của chúng mở rộng trên khắp cả nước. Năm 1865, Austin chia sẻ với các tờ báo địa phương rằng ông đã giết 20.000 con thỏ tại nhà riêng.
"Những phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng mặc dù thỏ được nhập khẩu nhiều lần trên khắp Australia, nhưng chỉ có đàn thỏ Anh này mới kích hoạt cuộc xâm lấn sinh học tàn khốc tới mức độ ấy - những tác động của nó đến ngày nay vẫn còn có thể cảm nhận được", tác giả Joel Alves, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford cho biết.
"Sự kiện đơn lẻ này đã gây ra thảm họa lớn ở Úc; đây là tốc độ xâm lấn nhanh nhất của một loài động vật có vú di cư từng được ghi nhận.
Thỏ rừng châu Âu thoạt nhìn có vẻ hiền lành, nhỏ bé, nhưng chúng lại cực kỳ phàm ăn. Loài thỏ này có thể ăn các loại thảo mộc, củ, các loại hạt và cả cây bụi. Sự phàm ăn của chúng góp phần gây ra tình trạng sa mạc hóa, khiến những loài vật khác rơi vào tình trạng thiếu thức ăn và gây hại cho cây trồng, mùa màng.
Cơ quan Nông Nghiệp và thực phẩm Tây Úc cho biết, thỏ gây ra thiệt hại về nông nghiệp và nghề làm vườn lên tới khoảng 130 triệu USD (gần 3.130 tỷ đồng) mỗi năm.
Thực tế, nước Úc đã tiến hành rất nhiều biện pháp để hạn chế thiệt hại từ sự xâm lấn của loài thỏ như săn bắn, đặt bẫy, dùng máy ủi phá hang, sử dụng chất độc và thậm chí là thuốc nổ. Nhưng số lượng thỏ vẫn gia tăng.
Đến năm 1901, chính quyền Úc quyết định xây dựng một hàng rào dài 1.800 km để ngăn chặn loài thỏ phát triển ở vùng đất nông nghiệp phía tây. Thế nhưng khi việc xây dựng hoàn thành, những con thỏ phàm ăn cũng đã chạy sang được phía bên kia của rào chắn. Dù hàng rào từng được mở rộng thêm vài lần, kéo dài hơn 3.000 km, nhưng vẫn không ngăn cản nổi sự xâm lấn của loài thỏ vào vùng đất nông nghiệp.
Sau đó, nước Úc chuyển sang sử dụng động vật săn mồi, chẳng hạn như loài cáo. Nhưng những con cáo lại thích nhắm đến các con mồi dễ dàng hơn như các loài thú có túi nhỏ đặc hữu của Úc. Đây là những loài vật vốn đã đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên.
Vào những năm 1950, có một loại virus đã giúp giảm số lượng thỏ xâm lấn ở Úc. Đó là virus myxomatosis. Loại virus này gây ra căn bệnh với những khối u gây tử vong ở loài thỏ. Ban đầu, việc sử dụng virus này có vẻ hiệu quả khi số lượng thỏ xâm lấn từ 600 triệu giảm xuống còn 100 triệu cá thể. Tuy nhiên, sau đó, loài thỏ này đã thích nghi và phát triển khả năng kháng virus.
Vài năm sau đó, các chuyên gia ở Úc đã thử một phương pháp mới. Đó là dùng bọ chét Tây Ban Nha để truyền bệnh cho thỏ. Thế nhưng một lần nữa, kế hoạch kìm hãm sự xâm lấn của loài thỏ lại thất bại. Điều tệ hơn là mầm bệnh này còn lây nhiễm sang các loài vật khác.
Đến năm 1995, nước Úc lại nỗ lực thực hiện một giải pháp khác với một loại virus sốt xuất huyết. Loại virus này rất hiệu quả trong việc chống lại loài thỏ. Nhưng mầm bệnh này lại rất dễ lây lan tới các quốc gia khác thông qua muỗi. Hai năm sau, loại virus này đến New Zealand, nơi cũng phải chịu đựng sự xâm chiếm của loài thỏ. Nhưng biện pháp này vẫn khiến các nhà khoa học lo ngại vì sợ virus có thể bị biến đổi.
Hiện nay, số lượng thỏ xâm lấn ở Úc có vẻ đã ổn định ở mức dưới 300 triệu con. Tuy nhiên, chính phủ vẫn đang tiến hành công việc nghiên cứu về những biện pháp nhằm ngăn chặn vĩnh viễn vấn đề sinh sôi của loài vật này.
Minh Hoa (t/h)