Nằm ở độ cao gần 800m so với mực nước biển với các điều kiện tự nhiên như quỹ đất lớn, đất – nước – không khí sạch, thời tiết mát mẻ quanh năm, Mang Yang – Gia Lai hội đủ yếu tố để trở thành “thiên đường bò sữa”.
Vấn đề này cũng đã được lãnh đạo tỉnh Gia Lai, các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học thảo luận tại buổi tọa đàm “Xây dựng Mang Yang – Gia Lai thành thiên đường bò sữa” vào ngày 16/4 vừa qua.
Dư địa phát triển ngành bò sữa nội địa còn rất lớn
TS Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi - chia sẻ thống kê năm 2023 cho thấy đàn bò trên khắp Việt Nam sản xuất được 1,2 triệu tấn sữa tươi. Nếu chia đều, mỗi người Việt uống 12 lít/năm. Nếu tính cả sữa nhập, mỗi người Việt mới dùng 28 lít sữa/năm. Hiện 60% sữa tiêu thụ trên thị trường vẫn từ nguồn nhập khẩu. Vậy nên, theo ông Dương, dư địa phát triển của ngành bò sữa nhằm tăng nguồn cung nội địa thay thế dần nhập khẩu ở Việt Nam rất lớn.
Cũng theo tiến sỹ Dương, để trở thành “thiên đường” cho bò sữa, các địa phương phải đạt 6 tiêu chuẩn gồm vùng nguyên liệu phải có quỹ đất lớn để có thể xây dựng chuồng trại tập trung – quy mô hiện đại; vùng nguyên liệu phải có nguồn nước sạch, đất sạch, không khí sạch để nuôi bò và trồng cỏ thâm canh; vùng chăn nuôi phải có khí hậu ôn hòa – mát mẻ; giao thông phải thuận lợi cho việc thu gom sữa; doanh nghiệp – hợp tác xã phải tạo điều kiện để người nông dân đủ điều kiện tài chính và hiểu biết, vì nuôi bò sữa phải đầu tư lớn, là công việc đòi hỏi kỹ năng – kỹ thuật cao, khó hơn nuôi các con vật khác như gà, heo…; và nuôi bò sữa cần phải có sự hỗ trợ từ chủ trương – chính sách – ý chí của Chính phủ và tỉnh thành.
“Theo nghiên cứu của các chuyên gia trong ngành chăn nuôi Việt Nam, thì huyện Mang Yang – Gia Lai một trong những địa phương hiếm hoi tại Việt Nam gần như thỏa mãn các điều kiện nói trên”, TS Nguyễn Xuân Dương khẳng định.
Minh chứng về tiềm năng trở thành thủ phủ bò sữa của Mang Yang
Làm rõ thêm vấn đề, ông Lưu Trung Nghĩa – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: “Gia Lai là tỉnh rộng thứ nhì Việt Nam - chỉ sau Nghệ An. Diện tích huyện Mang Yang thậm chí bằng một vài tỉnh nhỏ. Chỉ cần vượt qua ‘cổng trời’ từ Bình Định đến Mang Yang, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc vì như được đắm chìm trong phòng có máy lạnh”.
“Khí hậu mát mẻ giúp Mang Yang đã thu hút Nutifood đến mở trang trại với đàn bò gần 12.000 cá thể - là một trong các trang trại khép kín quy mô lớn tại Việt Nam”, ông Nghĩa nói.
Đại diện lãnh đạo huyện Mang Yang – Gia Lai phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch UBND huyện, ông Lê Trọng, khẳng định với khí hậu ôn hòa, mật độ dân số thấp, giao thông thuận lợi, địa phương có đủ tiềm năng để khai thác bò sữa nhưng chưa được khai thác hết. Việc Hoàng Anh Gia Lai đầu tư bò thịt hay Nutifood đầu tư bò sữa đều phù hợp với lợi thế nơi đây. Riêng trang trại bò sữa của Nutifood đã giúp người dân có thu nhập cao hơn, ổn định hơn khi chuyển sang trồng cỏ, trồng ngô để cung cấp nguyên liệu cho trang trại.
Tham gia tọa đàm với tư cách là nhà đầu tư tiên phong, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Nutifood phát biểu: “Chúng tôi hoàn toàn hài lòng với vùng nguyên liệu mà mình đã chọn bởi đàn bò nuôi tại Mang Yang – Gia Lai cho chất lượng sữa không những cao mà còn năng suất tốt. Mùa đông vừa qua, sữa từ đàn bò nhập từ Mỹ về đã cho 40 lít sữa/ngày/con, tương đương với các trang trại tại Mỹ”.
“Dù đã khởi động dự án được 4 năm nhưng Nutifood vẫn đang trên con đường hoàn thiện giống, kỹ thuật chăm sóc…Tức là, trong tương lai, sản lượng và chất lượng sữa từ trang trại NutiMilk của Nutifood còn tốt hơn. Hiện với lượng đạm đạt 3.5 gram và độ béo 4.0 gram/100ml, sữa tươi của Nutifood đã đạt chuẩn châu Âu”, ông Minh nói.
Một trong những khách hàng lớn trong nước của Trang trại bò sữa NutiMilk là KIDO Foods cũng có mặt tại buổi tọa đàm. Theo ông Mai Xuân Trầm – Tổng Giám đốc KIDO Foods - sữa chiếm 50% nguyên liệu để làm kem, nên chất lượng sữa đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các loại kem ngon. Lý do doanh nghiệp này chọn mua sữa tươi NutiMilk của Nutifood để làm kem vì độ đạm và béo cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn của KIDO Foods.
Chưa hết, doanh nghiệp này còn muốn gắn thêm nội dung “từ nguồn sữa tại Mang Yang - Gia Lai” trên bao bì khi xuất khẩu kem ra quốc tế trong tương lai.
Thu Hà