Ngày 4/7, Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã chuyển hồ sơ và đối tượng Đặng Văn Trường (41 tuổi), trú tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An cho Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra mở rộng và xử lý theo thẩm quyền. Theo đó, Trường bị khởi tố về tội Tổ chức đưa người khác trốn ra nước ngoài trái phép. Tại cơ quan điều tra, Đặng Văn Trường đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.
Theo đó, thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Quỳnh Lưu phát hiện có một số đối tượng tổ chức đưa người ra nước ngoài trái phép. Nhận thấy tình hình phức tạp Công an huyện Quỳnh Lưu lập chuyên án để đấu tranh làm rõ. Đối tượng Đặng Văn Trường được ban chuyên án xác định là kẻ cầm đầu trong đường dây này.
Theo đó, Trường từng có thời gian làm việc ở Trung Quốc. Thời gian làm việc ở đây, qua tìm hiểu người đàn ông này biết được các công ty sản xuất may mặc có nhu cầu tuyển dụng lao động. Để trục lợi, Đặng Văn Trường liên lạc với hai đối tượng khác ở Lạng Sơn và Cao Bằng để đưa người sang Trung Quốc trái phép. Trở về quê, Trường tìm những người lao động ở vùng khó khăn, thiếu hiểu biết để dụ sang Trung Quốc với mức lương cao và nhàn hạ.
Trường cho các nạn nhân biết, chi phí vượt biên sang Trung Quốc làm việc lên đến 2.400 vạn nhân dân tệ/người (tương đương với 8 – 9 triệu đồng). Tin tưởng Trường, chị V.T.T. (24 tuổi), trú tại xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, C.T.T. (36 tuổi), T.T.N. (58 tuổi), đồng ý sang Trung Quốc làm việc. Trường và ba lao động thỏa thuận mức giá sang Trung Quốc 6.900 nhân dân tệ (tương đương với 22,5 triệu đồng). Thống nhất giá cả với các lao động, Trường bàn bạc với hai đối tượng người Cao Bằng và Lạng Sơn đưa các lao động sang Trung Quốc bằng đường “chui”.
Tuy nhiên, khi đưa các lao động sang Trung Quốc, Trường bị công an sở tại phát hiện và trục xuất về Việt Nam. Công an huyện Quỳnh Lưu đã vào cuộc điều tra làm rõ hành vi của Trường và ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp.
Trao đổi với phóng viên, ông N.K.M, trú ở tỉnh Nghệ An, một lao động chui nhiều năm ở Trung Quốc cho biết, vì làm ruộng ở nhà không đủ nuôi sống gia đình nên ông tìm đến “cò” để được sang Trung Quốc làm việc. Cuối tháng 4, khi dịch Covid - 19 dần ổn định, ông M. liên hệ với “cò” để được sang Trung Quốc làm việc. Giá ban đầu "cò" đưa ra là 2000 nhân dân tệ. Nhưng sau đó chúng thông báo lại do ảnh hưởng dịch Covid – 19 cửa khẩu làm việc chặt nên nâng lên giá 2.400 nhân dân tệ. Mặc dù giá cả cao nhưng vì ở Việt Nam không có công việc ổn định nên ông M. đồng ý đi. Theo ông M. khi sang được Trung Quốc thì những đối tượng “cò” mới bắt mình trả tiền. Tuy nhiên, khi vượt biên ông cùng những người khác bị giữ lực lượng chức năng sở tại giữ lại cách ly 40 ngày. Hiện tại, ông M. được trả về Việt Nam. Ông M. cho biết sẽ không “dại” xuất khẩu “chui” sang Trung Quốc nữa.
Thủ đoạn của đường dây tổ chức đưa lao động sang Trung Quốc ngày càng tinh vi hơn. Chúng chỉ thu tiền phí lao động khi đã sang được Trung Quốc. Người lao động sẽ được chúng tổ chức đi bằng xe khách đến các tỉnh giáp biên với Trung Quốc, rồi đi bằng đường tiểu ngạch vào nội địa. Việc đi XKLĐ "chui" lao động sẽ gặp rất nhiều rủi ro và không đảm bảo được quyền lợi. Cách thức thu tiền tinh vi nên việc phát hiện và xử lý các đối tượng này hết sức khó khăn.
Qua vụ án này, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin qua báo chí, truyền hình, đăng ký qua công ty hoặc môi giới có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền Nhà nước cấp để tránh những rủi ro đáng tiếc. Hiện, chuyên án đang được Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, mở rộng.