Do thiếu hiểu biết, lại muốn có công việc thật nhanh, nhiều gia đình đồng bào dân tộc đã bán trâu, bò, cầm cố tài sản lấy tiền nhờ 2 đối tượng trên xin việc…
Chân dung cặp "siêu lừa" liên tỉnh
Mấy ngày vừa qua, dư luận người dân phố núi lại được dịp xôn xao khi 2 đối tượng lừa đảo gần 50 người dân thuộc các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái chuẩn bị đứng sau vành móng ngựa trả giá cho tội lỗi mà chúng gây ra trong suốt một thời gian dài. Theo tài liệu của công an tỉnh Hà Giang với khả năng "siêu chém gió" của mình, 2 đối tượng Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1971, trú tại tổ 3, phường Quang Trung, TP. Hà Giang) hiện đang là giáo viên tại một trường tiểu học và Phạm Thị Tân (sinh năm 1971, trú tại tổ 21, phường Minh Khai, TP. Hà Giang - đối tượng có 2 tiền án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản) đã lừa đảo trót lọt gần 2 tỷ đồng của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo tìm hiểu của PV, đối tượng Nguyễn Thị Hà mặc dù đang là giáo viên thuộc một trường tiểu học trên địa bàn TP. Hà Giang, có một gia đình khá êm ấm. Tuy nhiên, lòng tham vô đáy, lợi dụng trình độ hiểu biết của đồng bào vùng cao còn hạn chế, Hà và Tân đã cấu kết với nhau, kẻ tung người hứng cùng quảng cáo về khả năng xin việc của mình. Hà khoe mình là con em, họ hàng của nhiều cán bộ cấp tỉnh có khả năng xin việc, chuyển công tác cho bất kỳ ai, miễn là chi cho chúng một khoản tiền "chè thuốc"(!).
Với vẻ bề ngoài tỏ ra là một người khá lắm tiền nhiều của, cộng thêm cái mác giáo viên và khả năng ăn nói như "rót mật vào tai", Hà đã tạo được lòng tin của nhiều người. Và như một hiệu ứng dây chuyền, Hà nổi như cồn, người dân đứng ra đưa tiền cho Hà và Tân mỗi lúc một nhiều. Họ coi Hà và Tân như những ân nhân vì đã giúp họ vươn tới một chân trời mới. Nhưng, chỉ có Hà và Tân hiểu những người nông dân kia chẳng khác gì những thiêu thân đang ngày ngày cung phụng tiền cho thói ăn chơi sa đoạ của chúng.
Nhiều giáo viên tại trường tiểu học N.T tại TP. Hà Giang tiết lộ, Nguyễn Thị Hà mặc dù là giáo viên tiểu học nhưng thiếu tư cách của một nhà giáo, bỏ bê dạy học. Mặc dù đồng lương giáo viên còm cõi nhưng Hà luôn tỏ ra là người hào phóng, tiêu tiền không tiếc tay, đi xe đời mới, thường xuyên đi du lịch đó đây. Riêng đối tượng Phạm Thị Tân, một kẻ đã từng có hai tiền án về tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản mặc dù đang trong thời gian quản thúc tại địa phương nhưng thị Tân lại tiếp tục nhúng chàm một lần nữa.
Bài học đắt giá
Trao đổi với PV, cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị đã hoàn tất hồ sơ vụ án, chuyển sang VKSND tỉnh để truy tố đối tượng Nguyễn Thị Hà và Phạm Thị Tân với tội danh "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Một điều tra viên cho biết, thủ đoạn của các đối tượng Hà và Tân là không mới, nhưng chúng lại khá ranh ma trong việc chọn đối tượng để lừa đảo. Theo đó, Hà và Tân tìm đến các xã nghèo và thi nhau "chém gió", nâng cao thanh thế của mình bằng khả năng có thể giúp người dân xin việc, xin đi học, xin chuyển công tác cho một số con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới tại tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, để người dân tuyệt đối tin tưởng vào mình, Hà và Tân đã dùng thủ đoạn hợp thức hóa hành vi chiếm đoạt bằng cách viết giấy vay tiền kèm theo lời hứa hẹn như đinh đóng cột về thời gian lo xong việc, nếu không lo được Hà và Tân sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận.
Cũng theo tài liệu từ CQCSĐT, sau khi nhận tiền và hồ sơ từ các nạn nhân, toàn bộ hồ sơ chúng tẩu tán, còn lại tiền thì chúng chia nhau để lao vào ăn chơi hoang phí. Khi bị bắt, các đối tượng này cũng không có khả năng khắc phục hậu quả do mình gây ra.
Điều đáng nói là, 48 nạn nhân trong vụ án "siêu lừa" liên tỉnh này đều rất đáng thương. Hầu hết họ đang "sống dở, chết dở" vì trót vay mượn tiền bạc từ người thân, ngân hàng. Nhiều gia đình cầm cố sổ đỏ để vay tiền đưa cho Hà và Tân để chúng lo cho con cái vào cơ quan Nhà nước, để đi học, đi làm. Giờ đây họ đang sống trong vô vọng, sụp đổ niềm tin, tiền mất tật mang.
Ông Hoàng Văn T. (một nạn nhân trong vụ án, trú tại huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) xót xa cho biết: "Có nói gì bây giờ cũng là quá muộn rồi, chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng lừa đảo, đồng thời xem xét hỗ trợ, hay phía ngân hàng gia hạn để chúng tôi trả nợ dần. Chứ thực tình tài sản duy nhất đã cầm cố rồi, chẳng còn gì hết".
Thành Nam