Tin "cò", mất nhà
Vùng quê thuần nông cách trung tâm TP. Hà Nội gần 40km gần đây xôn xao vì chuyện một số gia đình đang sống yên ổn trên mảnh đất của mình bỗng trở thành người trắng tay, không nhà cửa. Biết được thông tin trên, chúng tôi lên đường tìm về vùng đất Trung Châu của huyện Đan Phượng (Hà Nội).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở cái xã thuần nông, hiện có vài trường hợp người dân bỗng nhiên mất nhà, mất đất. Theo chia sẻ của một vị cán bộ xã, không phải một mà hiện nay có rất nhiều gia đình rơi vào cảnh mất trắng nhà cửa, đất đai chỉ vì tin vào lời đường mật của các cò tiền. Ông Thiều Văn Nghiệp, cán bộ địa chính xã Trung Châu kể cho chúng tôi nghe trường hợp cho sổ đỏ một cách mù quáng của ông N.V.T. (SN 1958, Trung Châu, Đan Phượng, Hà Nội).
Bố ốm nằm liệt một chỗ, mọi chi tiêu thuốc thang cũng như lo toan về kinh tế đè nặng lên đôi vai ông T. Mang sổ đỏ đi thế chấp để vay ngân hàng nhưng chẳng được bao nhiêu, ông lẳng lặng cầm sổ đỏ về nhà để nghĩ kế khác. Biết ông T. đang trong cảnh túng quẫn, một người cùng làng mách phương án nhờ người khác vay tiền hộ. Cũng theo chia sẻ của người này, muốn vay bao nhiêu cũng được, mình chỉ cần đưa sổ đỏ cho họ, sau đó mọi thủ tục giấy tờ họ sẽ lo hết. Thế rồi người này dẫn ông T. đi gặp người giúp ông vay tiền. Ngày gặp mặt, ông T. nhận ra đó là một người cháu họ xa tên là Tâm. Tâm còn dẫn ông T. đến gặp người phụ nữ tên L., người này hứa sẽ giúp ông vay đủ số tiền 300 triệu đồng. Nghe lời đường mật ngon ngọt của cháu họ và vì đang cần gấp, chẳng ngần ngại, ông gật đầu đồng ý.
Ông T. đang ngồi kể lại việc mất đất của gia đình mình.
Cẩn trọng với chiêu lừa “uỷ quyền” Không riêng trường hợp ông T., ông N.H.M. cũng rơi vào cảnh tương tự. Vì sợ thủ tục vay tiền rườm rà khi vay tiền ở ngân hàng, ông M. đã uỷ quyền mảnh đất cho người khác để lấy tiền cho con đi xuất khẩu lao động nhằm đổi đời. Sau khi nhận được ít tiền, một thời gian sau ông M. mới tá hoả vì mảnh đất của mình đã bị bán cho người khác. Ông M. chỉ biết khi người cuối cùng mua mảnh đất tìm về xã ông làm đơn trình báo việc mua bán giữa ông M. và người mua trước đó nhằm ngăn chặn hành vi tố cáo ngược hoặc làm lại sổ đỏ mới. Bởi theo chia sẻ của ông Nghiệp, nhiều người bị lừa mất nhà mất cửa khi chưa nhận được một đồng tiền nào nhưng cũng có người nhận tiền rồi cố tình mánh khoé nhằm giữ lại đất. Ví dụ có trường hợp uỷ quyền vay tiền, khi nhận tiền xong liền ra ngay chính quyền làm đơn trình báo bị mất sổ đỏ, xin cấp lại hoặc vác đơn đi kiện cáo nhằm làm chậm, phá hoại việc cấp sổ đỏ mới. Trước tình trạng uỷ quyền để vay mượn tiền kiểu trên, ông Nghiệp khuyến cáo người dân nên cảnh giác cao độ với các chiêu trò lừa đảo, mượn tiền hộ nhằm hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra. |
Hai hôm sau, Tâm mang bộ hồ sơ đã viết sẵn đến nhà ông T. Quá tin tưởng vào cháu mình cộng thêm việc nhiều người đã mượn tiền kiểu này, chẳng ngần ngại, ông T. nhờ bố mình điểm chỉ (lúc ấy mảnh đất vẫn thuộc quyền sở hữu của ông H., bố đẻ ông T.) và ký vào hồ sơ. Ký xong, ông T. lên UBND xã xin xác nhận, sau đó chuyển hồ sơ và sổ đỏ cho Tâm. Nhận được hồ sơ, Tâm nói hai ngày sau sẽ có người mang tiền đến nhà. Quá hạn, ông T. chờ mãi vẫn không thấy người mang tiền đến nhà như Tâm và L. nói. Quá sốt ruột, ông gọi điện hỏi L. thì nhận được câu trả lời: "Đang trong lúc xảy ra vỡ nợ, phá sản, ngân hàng tạm ngừng không giải quyết. Ông phải chờ".
Hơn một tháng sau, việc vay tiền của mình vẫn không có tiến triển, ông T. nhận được điện thoại của L. hẹn lên nhà. Đến nhà L., khác với nỗi mừng vừa le lói, ông T. như bị dội gáo nước lạnh. L. thông báo: Không vay được tiền, nếu ông cần, có thể cầm tạm 50 triệu đồng, tiền riêng của L. về chi tiêu. Nghe nói thế, ông T. không đồng ý. Vài hôm sau, L. tiếp tục điện cho ông T., sau đó cho Tâm mang tới nhà một hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khác, có ký sẵn tên và địa chỉ người mua là một phụ nữ tên L.T.M.H. Đưa hợp đồng chuyển nhượng cho ông T., Tâm nói sổ đỏ kia không hợp lệ, vì không chính chủ (sổ đỏ lúc ấy vẫn đứng tên ông H.) nên ông ký vào đây mới lấy được tiền. Ký xong, ông T. lại mang hợp đồng đi làm các thủ tục, xác nhận ở xã. Không một lần đọc hồ sơ, tìm hiểu về các quy định chuyển nhượng, thế chấp theo pháp luật, ông T. không ngờ rằng, mảnh đất mình đang sống mấy chục năm đã bị bán cho người khác mà ông không hề hay biết.
Tay trắng và nguy cơ dính vòng lao lý
Kể đến đây, ông Nghiệp cho biết: "Khi ông T. mang hợp đồng chuyển nhượng, giấy tờ đất đến UBND xã xin xác nhận, chúng tôi đã cảnh báo phải hết sức cẩn thận không khéo từ vay tiền lại trở thành mất đất, mất nhà. Tuy nhiên, ông T. không tin vào điều tôi nói mà luôn khẳng định "tôi chỉ vay tiền chứ không bán đất, mất làm sao được". Khi chúng tôi hỏi ông Nghiệp ở địa bàn xã có nhiều người rơi vào cảnh ngộ như của ông T. không, ông Nghiệp trả lời: Cho đến nay đã có hai trường hợp bị mất nhà đất kiểu này. Còn mượn tiền theo kiểu tín dụng đen thì khá nhiều. Tuy nhiên người dân đã bị mất đất, mất nhà hay chưa, ông không nắm rõ vì ông chỉ biết khi vụ việc vỡ lở, người dân lên xã viết đơn kêu oan.
Tiếp lời, ông Nghiệp bảo, đến tận hôm nay ông T. mới biết mảnh đất mình ở mấy chục năm nay, đứng tên của ông bố đã bị sang tên cho người khác. Toàn bộ giấy tờ, thủ tục đều hợp lệ, do chính chủ đất, vợ chồng ông T. ký xác nhận. "Tôi chỉ biết mảnh đất ông T. đang ở đứng tên ông bố đã bị bán cho người phụ nữ kia. Bán được một thời gian, người phụ nữ tên H. tiếp tục bán cho vợ chồng ông S., bà O., nay lại được bán tiếp cho người thứ 4. Chỉ đến khi người mua cuối cùng về xã xác minh lý lịch mới biết mảnh đất ấy bị bán từ hợp đồng uỷ quyền do ông T. ký với bà L.T.M.H. Từ lúc biết mảnh đất của mình đã bị chuyển nhượng cho người khác, ông T. luôn kêu bị lừa đảo, mình chỉ vay tiền, không bán đất", ông Nghiệp nói.
Tìm về nhà ông T., chúng tôi được biết mấy ngày nay ông T. luôn trong trạng thái mệt mỏi, chán nản. Ông luôn khẳng định mình không bán, chỉ mượn tiền và cho đến nay ông vẫn chưa nhận một đồng tiền nào hết. Ông T. quả quyết sẽ đấu tranh đến cùng nếu có ai xâm phạm mảnh đất của gia đình ông. Tuy nhiên, đó chỉ là lý lẽ của một người nông dân chất phác, không hiểu luật, quá đau đớn khi biết tin mảnh đất mình đang ở đã thuộc về người khác trong khi mọi giấy tờ, thủ tục đều hợp lệ. Nếu cố tình ở lại mảnh đất của mình, ông T. sẽ rơi vào vòng lao lý vì xâm phạm bất hợp pháp mảnh đất của người khác.
Vân Thanh