Mua bao nhiêu cũng có
Dịp cuối năm, PV báo Người Đưa Tin đã có dịp đi một số tỉnh giáp biên giới như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai để nắm bắt hoạt động buôn bán vận chuyển pháo nổ của những con buôn hàng lậu.
Ở những địa điểm nóng về hàng lậu như khu vực các cửa khẩu, không khó để “bắt mối” được với những cò chuyên cung cấp mặt hàng cấm chỉ “lộ diện” vào dịp tết nguyên đán.
Thuận “bột”, một thổ địa ở khu vực cửa khẩu biên giới Lạng Sơn cho biết, những năm trước việc buôn bán pháo nổ còn nửa kín nửa hở. Nhưng thời gian gần đây, lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát và xử lý gắt gao các mặt hàng buôn lậu, trong đó có pháo thì hoạt động mua bán vận chuyển chuyển vào kín đáo hơn và có những mánh khóe riêng của mặt hàng chỉ rộ lên dịp gần tết này.
Theo bật mí của Thuận “bột”, có hai cách để “sở hữu” được pháo ở khu vực biên giới này, một là khách hàng có mối quen, đến lấy hàng. Cách này đảm bảo là nguồn hàng lúc nào cũng đảm bảo, lấy bao nhiêu cũng có, tuy nhiên chỉ có điều giá thành sẽ đắt đỏ hơn.
Cách thứ hai, khách hàng sang bên kia biên giới giao dịch trực tiếp với người bán, thỏa thuận giá cả, số lượng. Nếu cần sẽ được hỗ trợ mang hàng hóa qua biên giới bằng đường tiểu ngạch, tuy nhiên khách hàng phải chi thêm tiền và nếu gặp lực lượng chức năng, bị bắt thì “tự chịu”.
Theo chân Thuận “bột” đến một gian hàng nhỏ nằm khuất trong góc chợ giáp miền biên viễn, Thuận “bột” ngỏ ý muốn mua vài bánh pháo cho anh bạn mang về xuôi đốt chơi tết. Vốn là chỗ thân tình quen biết nhau từ trước nên chủ quán tên Hùng không ngần ngại nói thẳng: "Chú cứ có tiền trả anh, mua bao nhiêu anh chẳng cung cấp đủ".
Thế lần này lấy nhiều hay ít. Sau khi biết chỉ mua vài bánh tặng người bạn mang về chơi tết, Hùng tỏ ra tiếc nuối rồi nói: Tùy chú, hôm nào có mối lấy nhiều nhớ dẫn qua chỗ anh nhé. Anh lấy giá hữu nghị cho.
Theo bật mí của chủ quán, pháo tại khu vực biên giới này chủ yếu của Trung Quốc, mẫu mã, giá thành cũng muôn hình muôn vẻ. Khách hàng thích mua loại nào, cỡ nào đều có cả. Về giá cả, Hùng nói, mặt hàng này nó có giá chung, cũng không chênh nhau giữa các mối, quan trọng là khi lấy hàng về, chủ hàng bán lại cho khách giá cả thế nào.Nếu bán sỉ thì rẻ hơn 2/3 so với bán lẻ.
Còn tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai (TP. Lào Cai, tỉnh Lào Cai) theo tìm hiểu của PV, cũng có thể tiếp cận và mua được pháo nổ, số lượng và chủng loại cũng đa dạng và phong phú không kém gì khu vực biên giới Lạng Sơn.
Qua sự dẫn mối của Lâm “đen”, một người bản địa sống gần khu vực cửa khẩu, PV đã nắm được một số thông tin về hoạt động vận chuyển mua bán pháo nổ ở đây. Theo đó, vì pháo nổ là hàng cấm nên được các cửu vạn vận chuyển bằng đường tiểu ngạch, có thể là qua đồi núi hoặc băng qua sông.
Để tận mục sở thị, PV cùng một người bạn sang bên kia biên giới. Các cửa hàng tạp hóa phía sâu bên trong biên giới chừng vài trăm mét bày bán nhan nhản các loại pháo nổ. Ở đây họ không quan tâm đến việc anh mua làm gì, từ đâu tới miễn là anh trả đủ tiền. Việc quay trở lại sẽ bằng đường đò vượt sông ở những đoạn vắng, giá cả để chở hàng cấm này cũng tùy thuộc vào lượng hàng, nhưng giá cả cũng không phải là rẻ.
Thủ đoạn hòng qua mặt cơ quan chức năng
Sau khi đã có hàng, việc vận chuyển về các địa phương sâu trong nội địa tiêu thụ cũng được các đối tượng tính kỹ càng để qua mặt các cơ quan chức năng như biên phòng, hải quan, quản lý thị trường và công an.
Các đối tượng này thường sẽ thuê các loại xe tải nhỏ vận chuyển hàng từ địa phương này đến địa phương kia rồi lại chuyển xe để tránh bị nghi ngờ. Cũng có thể, cất giấu pháo nổ vào cùng với các loại hàng hóa khác để qua mặt cơ quan chức năng.
Thượng úy Phạm Văn Dân, Đội trưởng đội 6 phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Hải Dương cho biết, thủ đoạn của những đối tượng buôn pháo nổ rất tinh vi, chúng thường đóng giả là người dân đi buôn bán, có hàng hóa để ngụy trang. Việc giao bán hàng luôn nhận tiền trước. Đến khi giao hàng để tránh việc cơ quan chức năng phát hiện các đối tượng này luôn thay đổi địa chỉ, không cố định địa điểm giao nhận hàng.
Ngoài những thủ đoạn của những đối tượng này thì giá cả của những băng pháo cũng được các con buôn tăng giá lên hàng ngày. Đối với 1 bệ pháo hóa trong đó có 36 qủa thì giá những con buôn bán ra thin trường khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng. Còn 1 bánh pháo dây thì có giá vào khoảng 2 triệu đến 2,5 triệu.
Tuy nhiên, đấy là việc bán ra thị trường với giá như vậy, khi mua những mặt hàng này từ nước ngoài thì giá cả lại rất rẻ. Với số tiền vốn khoảng 2 triệu đồng bỏ ra, các đối tượng buôn bán pháo nổ có thể thu về khoản 5 triệu đồng tiền lãi.
Mặc dù số lượng pháo bị bắt giữ qua các vụ việc không lớn song thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cũng rất đa dạng và tinh vi, từ khâu mua hàng đến việc vận chuyển giao bán, chúng thường sử dụng mạng xã hội như Zalo hoặc Facebook… lập tài khoản để trao đổi, thanh toán trước sau đó mới chọn địa điểm, phương tiện, đối tượng trung gian để vận chuyển, giao hàng điều này cũng gây khó khăn không nhỏ cho các lực lượng chức năng.
Thượng úy Nguyễn Văn Thái, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) chia sẻ, cũng với thủ đoạn tương tự, Mã Hoàng Tần (SN 1989) ở xã Chỉ Thảo, huyện Quảng Nguyên (Cao Bằng) và Nguyễn Thị Luyến (SN 1982) ở xã Lục Hòa, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) mua bán 35 kg pháo nổ và bị Công an huyện Hiệp Hòa bắt giữ.
Thủ đoạn của Tần, Luyến là thuê xe tải, tài xế để vận chuyển, chọn thời điểm giao hàng vào đêm khuya, chọn vị trí giao thông thuận lợi hòng tẩu thoát khi có bất trắc.
"Không chỉ thay đổi phương thức di chuyển, hai đối tượng nhiều lần đổi số điện thoại và địa điểm giao dịch. Tổ công tác phải kiên trì bám sát, bố trí cán bộ mật phục đón lõng mới bắt giữ thành công. Nếu thực hiện trót lọt, số tiền thu lợi lên tới cả chục triệu đồng", Thượng úy Thái chia sẻ thêm.
Tinh vi hơn, các đối tượng còn buôn bán pháo lậu qua mạng xã hội, tiền chuyển khoản, hàng hóa sẽ được ký gửi dưới dạng bưu phẩm qua đường ô tô khách hoặc qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Trần Hùng, một chủ trang mạng xã hội giao bán pháo nổ tại khu vực (Móng Cái- Quảng Ninh ) cho biết, đã bán mặt hàng này được một thời gian và giao dịch khá an toàn. Khách hàng đặt số lượng, Hùng sẽ báo giá, khách hàng đặt cọc tiền, khi nào nhận hàng thanh toán nốt.
Hùng bật mí: “Chuyển trực tiếp qua đường bưu điện. hàng sẽ được bọc kĩ càng bên ngoài bằng quần áo (Giá quần áo 30.000đ / 1kg) đóng thùng kĩ càng. Rút kinh nghiệm từ việc chuyển hàng qua xe khách hay bị kiếm tra bắt giữ, nên từ năm trước bên mình đã làm tay trong qua đường bưu điện tất cả các khách đều nhận được bình thường qua chạm kiểm soát không bị kiểm tra”.
(Còn tiếp)
Xuân Hòa