Thỉnh thoảng, một cô gái nhận được tiền boa từ một khán giả hâm mộ, khoảng 12USD. Quán bia đóng cửa vào 10h đêm.
Nếu so sánh với những sex show vốn làm cho Bangkok nổi tiếng thế giới thì những show “người mẫu” như trên ở Rangoon khó có thể bị coi là sex. Nhưng giới chức Myanmar đang lo lắng về những điều tương tự có thể xảy ra ở nước này khi lượng du khách bắt đầu đổ về đây sau hàng chục năm cô lập.
Năm 2012, Myanmar đón hơn 1 triệu khách nước ngoài, tăng 816.000 so với năm trước đó. Năm nay, dự kiến Myanmar đón 1,5 triệu khách, tăng gần gấp đôi chỉ sau 2 năm. Trong khi ngành du lịch đang bơm khá nhiều tiền mặt mà nước này rất cần - hơn nửa tỉ USD năm 2012 - thì giới chức Myanmar lại muốn đưa loại hình “du lịch gợi cảm” ra khỏi danh sách những điểm hấp dẫn. Lý do duy nhất đó là nếu nhìn sang các nước láng giềng thì Thái Lan có tỉ lệ nhiễm HIV cao nhất khu vực Đông Nam Á, trong khi Campuchia, bi kịch thay, có hẳn một nền công nghiệp tình dục trẻ em phát triển mạnh.
Nỗi lo lắng của người Myanmar cũng có căn cứ. Nhiều mạng lưới buôn người từ lâu đã hoạt động ở đất nước này, đưa hàng nghìn phụ nữ và trẻ em đến Thái Lan “làm việc” trong ngành du lịch sex. Đấy là chưa kể rất nhiều phụ nữ khác, đặc biệt từ những khu vực biên giới nghèo đói, tự nguyện ra đi. Nhiều em trong số đó chưa đến tuổi vị thành niên, sẵn sàng bán trinh tiết với giá cao - điều phối viên dự án Cơ quan Chống buôn người của Liên Hợp Quốc (UNIAP) tại Myanmar, Ohnmar Ei Ei Chaw nói.
Công nghiệp tình dục phục vụ khách du lịch nước ngoài chưa phát triển ở Myanmar đơn giản là vì Myanmar mới có ít du khách. Tuy nhiên có nhiều dấu hiệu thay đổi ở Myanmar. Andrea Valentin - người sáng lập tổ chức Du lịch Minh bạch - chủ trương du lịch có trách nhiệm tại Myanmar - nói rằng mới đây cô xem qua một website ở Nhật Bản quảng cáo du lịch sex ở Myanmar, với danh sách các khách sạn sẵn lòng tổ chức. Sex ở Myanmar rõ ràng không phải là những lời gạ gẫm tại những sô diễn người mẫu, quán bar, karaoke hay massage, nhưng chắc chắn có tồn tại. “Mọi thứ đều diễn ra ở “cửa sau”.
Năm ngoái, Bộ Du lịch và Khách sạn Myanmar phát động một chính sách mới về du lịch có trách nhiệm, phối hợp với Hanns Seidel Foundation - một tổ chức NGO của Đức. Hai bên đã ra một bản quy tắc ứng xử áp dụng cho du khách, phát cho các khách sạn và các hãng du lịch. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á, với tài trợ của Na Uy, hợp tác phát triển kế hoạch du lịch tổng thể cho chính phủ, giúp khuyến khích thêm các chiến dịch nhận thức cộng đồng và cam kết từ khách sạn, công ty du lịch và cảnh sát nhằm đối phó với du lịch tình dục. Dự kiến kế hoạch này sẽ được thông qua vào cuối năm nay.
UNIAP cũng tổ chức các buổi tập huấn cho nhân viên khách sạn và hãng du lịch cách nhận biết những khách hàng du lịch sex “tiềm năng”, thiết lập đường dây nóng phòng, chống buôn người và du lịch sex.
Tất nhiên, luật pháp và các kế hoạch du lịch không làm nên sự khác biệt nếu việc thực thi không nghiêm. Theo luật, mại dâm là hành vi phạm pháp ở Myanmar, nhưng giới chức có xu hướng quay mặt làm ngơ với tệ nạn này. Và khi có các cuộc đột kích vào các ổ tệ nạn, thì gái mại dâm thường xuyên là những người bị bắt chứ không phải khách hàng hay chủ chứa. Họ bị đối xử tàn tệ trong tay những người thực thi luật pháp. “Nhiều vị còn lợi dụng để vòi tiền hoặc dọa dẫm” - cô Chaw nói.
Bất chấp những thách thức trên, Valentin - GĐ Tổ chức Du lịch Minh bạch - vẫn lạc quan rằng Myanmar có thể tránh được “vết xe” công nghiệp tình dục của Thái Lan hay Campuchia, mặc dù mọi chuyện mới chỉ ở mức khởi đầu tại đây.
Theo Lao động