Hơn 200.000 NLĐ là nạn nhân của chậm, trốn đóng BHXH
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, hết năm 2022, trên toàn quốc, diện bao phủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tiếp tục được mở rộng và vượt chỉ tiêu đề ra với khoảng 91,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 92,04% dân số, tăng hơn 2,2 triệu người so với năm 2021; khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,08% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 14,3 triệu người tham gia BHTN, đạt 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Về công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết chưa bao giờ ngành BHXH Việt Nam có sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương như vừa qua trong công tác thu nợ. Do đó, tính đến hết năm 2022, số nợ BHXH, BHYT giảm còn 2,91% so với số phải thu (năm 2016 là 6%).
Cũng trong năm 2022, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện 36.000 cuộc thanh - kiểm tra, thu hồi được trên 3.000 tỷ đồng, đạt 93% so với số nợ khi có quyết định thanh tra. Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam cũng phối hợp hiệu quả trong triển khai các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ cho doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ), trong đó ngành BHXH chủ trì thực hiện chi hỗ trợ trên 47.200 tỷ đồng, đạt 45% trên tổng trị giá các gói hỗ trợ.
Tuy nhiên, theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện vẫn có 200.000 NLĐ đang là nạn nhân của tình trạng chậm, trốn đóng BHXH trong những DN phá sản, có chủ bỏ trốn khiến họ không được hưởng nhiều chế độ, kể cả lương hưu.
Riêng tại Tp.HCM, theo BHXH thành phố đến giữa tháng 1/2023, có 979 doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn nợ BHXH với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên và thời gian 6 tháng trở lên, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng, giao thông.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc quản lý, điều hành BHXH Tp.HCM, trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành nghề, lĩnh vực, khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh và tái bố trí NLĐ dẫn đến NLĐ tạm thời ngưng việc hoặc chấm dứt HĐLĐ, làm tăng tỉ lệ lao động thất nghiệp, giảm số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến số tiền thu, tăng số tiền nợ đọng BHXH, BHTN, BHYT. Bên cạnh những đơn vị khó khăn thực sự còn có những đơn vị cố tình trây ì.
Một nguyên nhân khác là hiện nay cơ quan BHXH chưa được giao đầy đủ trách nhiệm xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT nên việc thanh tra, kiểm tra và thực hiện các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT của ngành BHXH Việt Nam chưa đủ sức răn đe.
Luật sư Nguyễn Hữu Học, Đoàn Luật sư Tp.HCM, cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT thì vẫn phải đóng khoản tiền này và chịu thêm một khoản lãi suất theo quy định. Ngoài ra, hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN có thể bị xử lý hình sự, tùy mức độ vi phạm có thể bị xử phạt cao nhất lên đến 7 năm tù và doanh nghiệp phạm tội có thể bị phạt tiền đến 3 tỷ đồng.
Thực tế, BHXH Tp.HCM đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố 84 đơn vị, doanh nghiệp nợ quỹ BHXH 158 tỷ đồng. Qua đó, đã có 48/84 đơn vị, doanh nghiệp khắc phục với tổng số tiền là 47,5 tỷ đồng. Trong đó, có 10 đơn vị khắc phục hoàn toàn số tiền nợ quỹ tại thời điểm chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố với tổng số tiền là 30,3 tỷ đồng và 38 đơn vị khắc phục một phần với số tiền 17,2 tỷ đồng.
Hoàn thiện chế tài xử lý hành vi trốn đóng, chậm đóng, trục lợi BHXH
Từ thực trạng này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐ-TB-XH chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp báo cáo tình hình DN nợ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của NLĐ, có giải pháp xử lý cụ thể để báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội phương án giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ.
Liên quan đến vấn đề này, tại hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây, để xử lý dứt điểm tình trạng DN nợ, trốn đóng BHXH, BHTN, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ LĐ-TB-XH khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo thông tin, số liệu liên quan tình hình nợ đóng các loại bảo hiểm của NLĐ; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, trong đó nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật, đặc biệt là hành vi trốn đóng, chậm đóng, trục lợi BHXH nhằm bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ.
Thủ tướng cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ động đánh giá những vướng mắc trong thực hiện quy định về khởi kiện của tổ chức Công đoàn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện quy định này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ.
Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Lao Động)