Hết cảnh "yên bình" ngồi ăn uống
Thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với bãi biển đẹp, con người thân thiện, và hạ tầng du lịch hiện đại, không có ăn xin, hàng rong. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân và du khách đang phải đối mặt với cảnh tượng không mấy dễ chịu khi xuất hiện tình trạng bán hàng rong ở các tuyến phố chính, khu vực công cộng và gần các điểm du lịch nổi tiếng.
Theo ghi nhận, nhiều tuyến đường như Ngô Văn Sở, Hoàng Thị Loan, Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu), Yên Bái, Ngô Gia Tự (quận Hải Châu), khu ăn vặt chân cầu Trần Thị Lý (quận Sơn Trà), các quán ăn, quán nhậu ở gần biển là nơi tình trạng buôn bán hàng rong và xin ăn diễn ra phổ biến.
Các đối tượng bán hàng rong thường là phụ nữ, trẻ em và người già, thậm chí một số người còn sử dụng các chiêu trò mời mọc, nài nỉ khiến khách hàng cảm thấy khó chịu.
Vừa phát hiện 3 trường hợp lang thang xin ăn
Liên quan vấn đề này, ngày 25/8, Công an phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, đã phát hiện ba trường hợp lang thang xin ăn tại ngã tư đường Ông Ích Khiêm và Lê Duẩn. Các trường hợp này đã được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để xử lý theo diện lang thang xin ăn. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán hàng rong và xin ăn vẫn tiếp tục tái diễn tại nhiều khu vực khác của thành phố.
Anh Trần Văn Hà, một cư dân tại quận Sơn Trà, chia sẻ, anh thường gặp các đối tượng bán hàng rong tại khu vực đường Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Hồ Hán Thương... Mặc dù anh đã từ chối mua hàng, nhưng vẫn bị mỉa mai và làm phiền.
Chị Trần Thị Lan, một du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: "Gia đình tôi đến thành phố Đà Nẵng để nghỉ ngơi và thư giãn, nhưng hầu như đi đâu cũng gặp phải người bán hàng rong bám theo. Từ bãi biển cho đến quán ăn, họ cứ liên tục mời mua đồ, khiến chúng tôi cảm thấy không thoải mái chút nào".
Tình trạng bán hàng rong không chỉ làm phiền du khách mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các quán ăn, nhà hàng.
Chủ một quán ăn ven biển, bày tỏ lo lắng: "Thực khách đến quán tôi ăn uống để tận hưởng không gian yên tĩnh, nhưng nhiều lần họ phải bực mình vì người bán hàng rong cứ đứng ngay trước cửa mời chào. Nhiều khách phàn nàn và thậm chí có người bỏ đi".
Bên cạnh đó, chủ một nhà hàng ở đường Trần Hưng Đạo chia sẻ, tình trạng bán hàng rong thời gian gần đây rất nhiều. Mỗi tối, có hơn 10 người bán hàng rong vào nhà hàng để bán khiến thực khách cảm thấy khó chịu.
Không chỉ dừng lại ở việc mời chào, một số người bán hàng rong còn có hành vi quá khích, thậm chí bám theo du khách một đoạn dài nếu bị từ chối. Điều này không chỉ gây khó chịu mà còn khiến nhiều người cảm thấy bất an khi di chuyển trên đường phố.
Một số khu vực tập trung đông du khách như chợ Cồn, chợ Hàn, bãi biển Mỹ Khê, và các khu vực gần cầu Rồng, cầu sông Hàn, cũng trở thành "điểm nóng" của tình trạng này.
Những người bán hàng rong thường tập trung tại đây, tận dụng lượng du khách đông đảo để bán các mặt hàng từ đồ lưu niệm, nước uống cho đến trái cây, bánh kẹo. Tuy nhiên, việc mời chào quá mức không chỉ gây phiền phức mà còn làm mất mỹ quan đô thị.
Người dân, du khách và thực khách đều mong muốn thành phố Đà Nẵng sẽ có những biện pháp mạnh mẽ hơn để xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong quấy rối.
Bởi lẽ, một thành phố văn minh và thân thiện không chỉ nằm ở những điểm đến đẹp, mà còn ở sự thoải mái, dễ chịu trong từng khoảnh khắc du khách tận hưởng nơi đây.
Ra quân mạnh tay tình trạng lang thang xin ăn dịp lễ Quốc khánh
Trước thực trạng gia tăng các trường hợp lang thang xin ăn và xin ăn biến tướng trên địa bàn thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường, đã có yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Ông Cường đưa ra mục tiêu là nâng cao nhận thức của người dân và du khách về Chương trình "Không có người lang thang, xin ăn" và khuyến khích mọi người báo cáo các trường hợp vi phạm qua đường dây nóng 02363.550550.
Ông nhấn mạnh việc xử lý nghiêm các hành vi xin ăn biến tướng, đặc biệt là những trường hợp lợi dụng trẻ em, người khuyết tật, và người cao tuổi để bán hàng rong hoặc xin ăn.
Những đối tượng này sẽ bị đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội tạm thời, trong khi những trường hợp tái phạm nhiều lần có thể bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Đáng lưu ý, ông đề nghị Sở Du lịch có chỉ đạo đối với các khách sạn, cam kết không cho hàng rong bán hàng.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan có các buổi kiểm tra đột xuất các món hàng rong bày bán, nếu không bảo đảm thu hồi, xử lý theo duy định…
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an thành phố, được chỉ đạo tăng cường tuần tra và kiểm soát để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng được yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp xử lý, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan để cung cấp thông tin về các trường hợp vi phạm cho các lực lượng chức năng.
Trong khi đó, theo Trung tâm Công tác xã hội thành phố, đơn vị đang ra quân trong 10 ngày, từ ngày 25/8 đến hết ngày 3/9 tuyên truyền, kiểm tra, xử lý tình trạng lang thang, xin ăn trên địa bàn thành phố dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Trong thời gian này, Tổ Tiếp nhận và xử lý thông tin người lang thang xin ăn (Tổ 550) thuộc Trung tâm Công tác xã hội sẽ phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ngành liên quan tại các quận, huyện để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lang thang xin ăn và các hình thức xin ăn biến tướng.
Đặc biệt, họ sẽ tập trung giám sát các hành vi lợi dụng trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật để bán hàng rong, xin ăn tại các tuyến đường trọng điểm, khu vực đông du khách, giao lộ, ngã tư đèn xanh đèn đỏ, quán ăn, chợ, và chùa trên địa bàn thành phố, đặc biệt là trong thời gian trước, trong, và sau dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Đợt ra quân này sẽ được triển khai đồng bộ từ cấp thành phố đến cơ sở, kết hợp giữa việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục và tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời tình trạng lang thang, xin ăn.
Mục tiêu là góp phần đảm bảo mỹ quan đô thị và an ninh trật tự trên địa bàn thành phố trong suốt dịp lễ Quốc khánh 2/9.