Giả đơn vị phân phối, gây nhiễu loạn, lừa người mua
Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, thời gian gần đây, trên địa bàn TP.HCM, hàng loạt các công ty bất động sản đang khổ sở vì bị một số đối tượng lợi dụng hình ảnh các dự án rồi rao bán trên mạng, dẫn dụ người dân mua làm ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu.
Đơn cử, tháng 3/2018, công ty Cổ phần địa ốc HimLam Land ra thông báo bị giả thương hiệu dự án Him Lam tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Trong khi đó, doanh nghiệp này hiện không có dự án đất nền nào bán tại huyện Bình Chánh mang tên Him Lam 2.
Một trường hợp khác liên quan đến việc giả mạo lừa đảo rơi vào công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (tập đoàn Hưng Thịnh Corp). Vụ việc lùm xùm xảy ra tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) do công ty Hưng Thịnh Group làm chủ đầu tư.
Hàng trăm khách hàng mua đất nền tại dự án này đã kéo tới trụ sở công ty Hưng Thịnh Group đòi lại tiền vì cho rằng chủ đầu tư không chịu giao nền đất đã bán.
Hưng Thịnh Corp dù không phải là chủ đầu tư của dự án trên nhưng cũng đã bị vạ lây. Sự việc khiến đơn vị này phải phát đi thông báo trên website cho biết công ty không có bất cứ liên quan gì tới công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Group (trụ sở tại đường Trường Chinh, quận Bình Tân, TP.HCM).
Cũng trong cuối tháng 9/2018, tập đoàn Đại Phúc cũng hoảng hốt gửi các văn bản thông báo đến nhiều cơ quan chức năng và người dân để cảnh báo về việc hiện nay trên thị trường có mội số đối tượng sử dụng hình ảnh dự án Khu đô thị Vạn Phúc của đơn vị này rồi rao bán, dẫn dụ người dân trao đổi mua bán.
Theo thông tin từ phía tập đoàn này phát đi thì có một đối tượng tên H. có hành vi giả mạo là nhân viên bán hàng dự án Khu đô thị Vạn Phúc (quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức TP.HCM).
Người này tự nhận là nhân viên sàn môi giới BĐS Long Phát đang quảng cáo bán đất trong Khu đô thị Vạn Phúc và là nhà phân phối độc quyền của chủ đầu tư - Tập đoàn Đại Phúc.
Khi khách hàng liên hệ, H. hẹn khách tại một địa điểm sau đó chở thẳng xuống Bình Dương hoặc vùng ngoại thành khác để bán đất nền chứ không phải những dự án như H. đã giới thiệu.
Trao đổi với PV, lãnh đạo tập đoàn Đại Phúc khẳng định, đơn vị này không làm việc với bất kỳ một đơn vị môi giới bên ngoài nào với vai trò như một nhà phân phối độc quyền dự án cho đến thời điểm này.
Cũng theo văn bản từ tập đoàn Đại Phúc, đáng nói, các đơn vị, cá nhân này tự xưng là nhà phân phối độc quyền của tập đoàn Đại Phúc, đưa ra mức giá 12-13 triệu/m2 gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sản phẩm, thương hiệu và uy tín của dự án Khu đô thị Vạn Phúc do Tập đoàn Đại Phúc làm chủ đầu tư.
Có thể bị xử lý hình sự
Về vấn đề trên, giám đốc một công ty chuyên phân phối dự án BĐS trên địa bàn TP.HCM cho biết, việc lừa đảo mạo danh các dự án của doanh nghiệp BĐS vẫn diễn ra hàng ngày, chỉ là một số đơn vị chưa thể phát hiện ra, hoặc đến khi phát hiện thì mọi chuyện đã lỡ.
Theo người này, các dự án mà nhiều đối tượng thường rao bán chủ yếu là từ các doanh nghiệp uy tín, sản phẩm đã hình thành và được nhiều người biết đến. Họ thường lấy các hình ảnh để quảng bá, thậm chí hạ giá thành xuống để người dân ham rẻ và tin vào mua.
Sau đó, họ sẽ đưa người dân đến các khu vực xa ngoại thành, khác xa những thông tin đã môi giới. Nếu ai nhẹ dạ cả tin thì đặt cọc giữ chỗ, trao tiền cho các nhân viên môi giới. Nguy hiểm nhất là khi những đối tượng này nhận được tiền thì ngay lập tức bỏ trốn.
“Khách hàng khi biết bị lừa sẽ tìm đến các chủ đầu tư chính thống của dự án để đòi tiền, nhưng cả đôi bên lúc này mới vỡ lở mình đều là nạn nhân. Chính vì vậy, khi muốn mua hàng, người dân nên cẩn trọng hơn với các nhân viên môi giới. Nên đến thẳng địa điểm dự án, ở đó sẽ có bộ phận tư vấn, giao dịch để tránh rủi ro. Về phía doanh nghiệp, nên thông báo rộng rãi trên phương tiện truyền thông đại chúng cho biết đơn vị này, công ty nào đang phân phối dự án cho chính mình có riêng bộ phận quản lý để tránh ảnh hưởng đến uy tín”, vị giám đốc này chia sẻ.
Liên quan đến những hành vi mạo danh môi giới trên, trao đổi với PV, luật sư Trần Mai Hạnh (công ty luật DC Counsel, đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo người khác nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, doanh nghiệp có thể sử dụng các biện pháp liên quan đến trách nhiệm dân sự.
Đó là, doanh nghiệp có thể căn cứ vào Điều 592 Bộ luật Dân sự để yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường thiệt hại do việc sử dụng uy tín công ty trái phép nhằm lừa đảo người khác. Thiệt hại do uy tín bị xâm phạm, bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định.
Về trách nhiệm hành chính thì người mạo danh để lừa đảo có thể bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP đối với hành vi Lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất, với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm.
Còn về trường hợp đối tượng có hành vi lợi dụng danh tiếng công ty để lừa đảo gây thiệt hại nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.