Lướt để tìm cảm giác mạnh đặc biệt
Cứ mỗi chủ nhật hàng tuần là khúc sông Sài Gòn đoạn khu Thanh Đa (Bình Thạnh), Bình Triệu (Thủ Đức) lại nhộn nhịp tiếng động cơ ca nô gầm gừ, tiếng người reo hò cổ vũ theo những màn lướt sóng ngoạn mục.
Những vận động viên lớn tuổi lẫn ở độ tuổi thiếu nhi cùng lướt băng băng trên mặt nước theo tốc độ chóng mặt của chiếc ca nô 200 mã lực. Thỉnh thoảng, lại có những pha nhảy trên nước, phi qua mấy đám lục bình khiến người xem vừa thót tim vừa vỗ tay tán thưởng. Đây là hoạt động thường xuyên của câu lạc bộ Proland – nhóm lướt ván bằng ca nô kéo duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Các thành viên CLB Proland lướt sóng ở sông Sài Gòn
Anh Bùi Thanh Long, Chủ nhiệm câu lạc bộ Proland cho biết, để chuẩn bị đầy đủ một bộ đồ nghề lướt ván mỗi người chơi phải đầu tư ít nhất đến 15 triệu đồng. Ngoài ra, để duy trì hoạt động cũng như trang trải nhiều chi phí phát sinh khác mỗi thành viên câu lạc bộ còn phải đóng thêm 3 triệu đồng/tháng. Quả là một con số không nhỏ, nhưng đối với những thành viên CLB Proland dù có phải bỏ thêm tiền bạc và sức lực họ vẫn quyết tâm theo đuổi môn thể thao này.
Anh Trương Thế Phương, một thành viên kỳ cựu của CLB ví von: "Ai đã lỡ "lậm" vào lướt ván rất dễ nghiện, với tôi nó như một thứ doping cho cuộc sống bộn bề. Vì vốn dĩ, khó có môn thể thao nào vừa thỏa mãn được niềm đam mê tốc độ cũng như rất phù hợp với những tay thích trải nghiệm cảm giác mạnh. Cái cảm giác phiêu bồng khi được lướt băng băng trên mặt sông, giữa trời rộng, gió mát rất khó có cái gì có thể thay thế được". Vì lẽ đó, nên những người đã từng làm quen với lướt ván sẵn sàng bỏ tiền, bỏ công sức lẫn chấp nhận mạo hiểm để tìm một thứ "cảm giác mạnh rất khác" từ môn thể thao này.
Theo anh Thanh Long, lướt ván tuy khó mà dễ, tuy dễ nhưng để theo đuổi được lại là việc không hề đơn giản. Chỉ cần vài ngày, thậm chí 1 ngày, người chơi cũng có thể làm quen với chiếc ván trượt. Nhưng để thành thục những kỹ thuật biểu diễn như "dựng tường sóng", "nhảy sóng", "nhào lộn" và một số động tác phức tạp khác lại cần không ít thời gian và không phải ai cũng dễ dàng làm được.
Anh Long cũng chia sẻ: "Lướt ván là môn thể thao không mang tính chất đối kháng nhưng đòi hỏi tinh thần đồng đội và phối hợp ăn ý cao độ. Mỗi thành viên phải tự ý thức được mức độ nguy hiểm của bộ môn này và phải bình tĩnh xử lý trong bất kì tình huống xấu nào xảy ra. Vì thế, người chơi luôn phải giữu đầu óc minh mẫn là vậy. Kỹ thuật biểu diễn chồng tháp, chơi 5 – 3 phải luyện tập nhiều mới dám thực hành. Các thành viên phải cực kỳ ăn ý với nhau, vì chỉ cần một thành viên té ngã sẽ như hiệu ứng domino, tất cả sẽ ngã theo. Lúc đầu mới tập, hôm nào mình cũng uống ... nước sông. Giờ tuy thành thục hơn rất nhiều nhưng sơ sẩy là bị thương, uống đầy bụng nước sông như chơi".
Xa xỉ nhưng không phải để "chơi trội"
Lướt ván vốn là thú chơi tốn kém nên môn thể thao này bị liệt vào hàng... xa xỉ. Ngày trước, tại Việt Nam đếm trên đầu ngón tay cũng chỉ có vài người dám đầu tư theo đuổi lướt ván.
Anh Long kể lại: "Lúc trước có một doanh nhân rất mê lướt ván, tình cờ chúng tôi quen anh. Biết chúng tôi có một chút hiếu kì về lướt ván anh đã không ngần ngại trình diễn những pha lướt sóng điệu nghệ và lạ mắt khiến chúng tôi thích mê. Sau đó, chúng tôi tập hợp lại với nhau và CLB Proland ra đời từ đó.
Những ngày đầu, CLB phải thuê chiếc ca nô nhỏ của khu du lịch Thanh Đa với giá 20.000 đồng/1 phút. Vì thế, chi phí cho một buổi luyện tập có khi lên đến 4 – 5 triệu đồng. Không nản lòng, anh em gom góp tiền để dành mua ca nô riêng, giá khoảng 400 triệu đồng".
Các thành viên trong CLB tâm sự, tuy theo đuổi lướt ván tốn khá nhiều tiền nhưng các anh gắn bó với lướt ván hoàn toàn là vì đam mê, chứ không phải để "chơi trội", tỏ ra mình sang trọng hơn người khác.
Anh Trương Thế Phương chia sẻ: "Hiện nay, rất ít người biết đến và đam mê môn lướt ván. Đơn giản thôi, vì nó "ngốn" khá nhiều tiền, bởi tất cả dụng cụ cần thiết đều khó thể tìm thấy ở Việt Nam, phải nhập về từ nước ngoài, chưa kể rất nhiều chi phí phát sinh khác. Nên việc bỏ ra hàng ngàn USD cho lướt ván là điều khó thể tránh khỏi. Cũng vì thế, có nhiều người cho rằng chúng tôi muốn chơi nổi, chơi trội, thật ra có phải vậy đâu”.
“Tuy vẻ ngoài của lướt ván không sang trọng, lịch lãm như chơi golf, ra đường nhìn lại không có "chất" như tennis... nhưng vốn dĩ bản chất thể thao không phải để thể hiện đẳng cấp mà nó là niềm đam mê. Lướt ván trên sông rất thú vị, tuy ồn ào, mạnh mẽ nhưng lại đem đến một cảm giác thư thái rất riêng, có lúc lại thấy mình như làm chủ sông nước này khi lướt băng băng, vượt qua những đám lục bình hay nhảy lên trên những con sóng... Có lẽ vì thế, như chúng tôi đã nói, ai lỡ "vướng" vào rồi, rất khó dứt ra", anh Uy Trường, một thành viên CLB tiếp lời.
CLB lướt ván Proland luyện tập 2 ngày mỗi tuần vào sáng chủ nhật và chiều thứ tư. Các thành viên trong CLB đều có cùng mong muốn là những người tiên phong đưa môn thể thao giải trí lành mạnh này vào Việt Nam, phổ biến và phát triển lướt ván để có thể mang vận động viên ra thi đấu nước ngoài.
Anh Bùi Thanh Long, trưởng CLB cười nói: "Tuy có thể đoạn đường hướng tới ước mơ của chúng tôi còn rất dài, nhưng cứ khổ luyện và tiếp tục theo đuổi tôi nghĩ không có gì là không thể. Như gần đây chúng tôi có biểu diễn tại Bình Dương, với những động tác lạ mắt rất nhiều người xem trầm trồ tán thưởng, cổ vũ. Đó thật sự là niềm vui nho nhỏ để chúng tôi theo đuổi niềm đam mê của mình".
Ngọc Giàu