Tài năng phát lộ từ nhỏ
Ngay từ nhỏ, Margaret đã có ý thức phải học thật giỏi để thoát nghèo. Bà sớm tham gia hoạt động xã hội và vươn ra khỏi quê hương để kiếm sống. Cô bé Margaret thường hay tiết kiệm số tiền còn lại từ những bữa ăn sáng ở trường làm "quỹ riêng". Chưa bao giờ cô nghĩ đến việc mua cho mình một cái áo mới hay đi xem phim cùng bạn bè. Tất cả thời gian rảnh rỗi được cô bé dành cho học tập.
Một lần cô bé đã chiến thắng trong kỳ thi thơ, và cô giáo, khi trao giải thưởng, đã nói: "Em thật may mắn, Margaret!". Thủ tướng tương lai của nước Anh lập tức đáp lại: "Tại sao lại là may mắn? Em xứng đáng được như vậy!".
Năm 18 tuổi, bà thi vào học viện Sommevil của đại học Oxford, một trong những trường đại học danh tiếng bậc nhất thế giới. Cố Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi cũng đã được rèn luyện từ môi trường này. Vừa bước chân vào đại học Oxford, bà đã tham gia vào Câu lạc bộ Đảng Bảo thủ của trường học, kết mối duyên không lý giải được với chính trị.
Ở đại học, thành tích học tập của bà đứng hàng thứ hai trong lớp, đồng thời là "phần tử kích động" nổi tiếng cả trường. Năm thứ ba, bà được bầu là Chủ tịch hiệp hội Đảng Bảo thủ ở đại học Oxford. Năng lực tổ chức và khả năng hùng biện của bà nhanh chóng có đất dụng võ. Một lần, có người bạn nói với bà rằng: "Nghe bạn diễn thuyết, tôi có cảm giác như bạn là một Nghị viện".
Bà Margaret có sở thích đặc biệt với thời trang và có một tâm hồn rất nhạy cảm bên trong vẻ khô cứng mạnh mẽ và nam tính. Bà là vị Thủ tướng Tây Âu đầu tiên gặp gỡ Gorbachev. Dưới thời của bà Thatcher quan hệ giữa hai nước Mỹ - Anh khá khăng khít.
Tuy nhiên, đã có lần bà cao giọng với với người đứng đầu Nhà Trắng là Tổng thống Reagan đã nuốt lời khi Mỹ đưa quân sang xâm lược Grenada nằm trong khối Liên hiệp Anh do nữ Hoàng Elizabeth đứng đầu. Giữa bà và Hoàng gia Anh có mối quan hệ khá phức tạp. Nữ hoàng Anh Elizabeth vẫn luôn cho rằng bà là vị Thủ tướng xuất sắc nhất nhưng giữa họ lại có những xích mích khi trò chuyện.
Nữ hoàng Anh không tìm thấy ở nữ Thủ tướng sự thấu hiểu về nội tâm trong khi Thatcher luôn tỏ ra mềm mỏng và kiên quyết mỗi lần diện kiến nữ hoàng. Giữa bà và hoàng tử Chales luôn bất đồng trong quan điểm về vai trò và vị trí của nước Anh trong cộng đồng châu Âu.
"Bà đầm thép" Margaret Thatcher
Thatcher luôn làm mọi người phải thán phục và kinh ngạc nhờ tài nắm bắt đối tượng một cách cụ thể và chính xác đặc biệt là trong những chuyến công du sang nước khác mà ấn tượng nhất là chuyến sang Nga. Bà luôn tỏ ra khéo léo và tế nhị trong cư xử tránh gây ra sự bất hòa trên trường chính trị. Do đó, lịch sử ghi nhận bà là vị nữ Thủ tướng đầy quyền lực với danh hiệu "Bà đầm thép".
Người ta còn nghĩ ra từ "Thatcherism" - "nguyên tắc Thatcher", như một cách nói để tỏ thái độ khâm phục về chính sách hợp tác chính trị và kinh tế do cựu Thủ tướng Anh tiến hành. Tuy nhiên, Thatcherism, cũng như Reaganomics ở Mỹ (Ronald Reagan, cựu Tổng thống Mỹ đã đắc cử năm 1980), được đặt trên nền móng giá trị tự do cổ điển, trong đó bao gồm: Tạo điều kiện cho các hoạt động của thị trường tự do, tăng cường kỷ luật tài chính và kiểm soát chặt chẽ chi tiêu chính phủ, giảm gánh nặng thuế tư nhân để giảm thiểu các thành phần nhà nước trong đời sống của đất nước. Nền tảng của nguyên tắc Thatcherism là sự bất di bất dịch của việc phát triển năng lực mỗi cá nhân trong sự tôn trọng đầy đủ luật pháp cùng sự can thiệp tối thiểu từ các bộ máy nhà nước.
Nửa cuối cuộc đời đơn côi lẻ bóng
Ít ai ngờ, đằng sau vẻ rắn rỏi toát lên từ gương mặt, cử chỉ, lời nói và hành động của "bà đầm thép" là một trái tim đa sầu, đa cảm. Dù được đánh giá là một trong những nữ chính trị gia quan trọng nhất lịch sử chính trị đương đại, chiếm vị trí thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại nhưng Margaret Thatcher cũng từng trải qua không ít sóng gió trong tình duyên. Xa rời quyền lực, người phụ nữ đầy cứng rắn ấy phải sống "đơn côi lẻ bóng" và không khỏi buồn bã, bởi vị trí mơ hồ của mình trong trái tim những người dân Anh.
Cựu Thủ tướng Margaret Thatcher và chồng Denis
Trong thời gian theo học đại học, bà đem lòng yêu mến một chàng trai. Bỏ ngoài tai mọi lời bàn tán, Margaret không ngần ngại mời bạn đến chơi nhà, ra mắt tất cả các thành viên trong gia đình. Là người coi trọng cốt cách hơn mọi thứ của cải vật chất, song người bạn trai của Margaret vẫn không thể quen được việc một người đàn ông sẽ chung sống với một người phụ nữ có trình độ tri thức cao hơn mình "cả một cái đầu". Với anh ta, dường như cô bạn gái mới quen này là một thứ ánh sáng gì đó quá chói gắt mà anh ta tự nghiệm thấy không nhất thiết "phải cần đến".
Chia tay, Margaret bắt đầu lao vào hoạt động chính trị, quên đi cuộc sống riêng tư. Đến một ngày, bà gặp ông Checer Dennis - Ủy viên thường vụ Ban Giám đốc Công ty sơn dầu, lớn hơn bà 10 tuổi và mới ly hôn với vợ. Thatcher và Checer sau một thời gian quen biết, tình cảm nảy sinh và quyết định "gắn bó lâu dài". Hai người tổ chức hôn lễ ở Thánh đường vào ngày 13/12/1951. Bên cạnh vai trò một người "vợ đảm", bà đã tìm cách thoát khỏi nhịp điệu buồn tẻ của đời thường, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong việc tề gia trị quốc.
Ông Dennis qua đời ngày 26/6/2003 ở tuổi 88 bỏ lại mình bà "đơn côi lẻ bóng" ôm nỗi nhớ về chồng. Xa rời quyền lực gần 20 năm, người phụ nữ đầy cứng rắn ấy vẫn không khỏi buồn bã bởi vị trí mơ hồ của mình trong trái tim những người dân Anh. Một người bạn của cựu Thủ tướng Anh cho biết, bà chưa từng có một ngày thực sự tốt đẹp kể từ khi rời phố Downing tháng 11/1990.
"Đừng bao giờ theo đuôi đám đông" Cha của Margaret Thatcher - ông Alfred Roberts, là người thầy đầu tiên trong đời dạy bà những phẩm chất của một nhà lãnh đạo. Đó là khả năng chịu đựng, lòng dũng cảm và sự cứng rắn. Ông nội và cha Margaret đều là những nhà buôn bán nhỏ, người cha từ nhỏ thất học, nếm trải được sự cực nhục của kẻ không có văn hóa nên rất coi trọng việc giáo dục cho hai chị em bà. Ông luôn dạy con gái rằng: Muốn tồn tại, đừng bao giờ ngừng làm việc, đừng bao giờ mất bình tĩnh, đừng bao giờ nói công khai về những thất bại của mình. Ông cũng khắc sâu trong tâm trí người con gái bé bỏng quyết tâm, đừng bao giờ theo đuôi đám đông - tốt hơn là kéo đám đông theo mình. Margaret từng nói: "Tất cả những gì mà tôi đạt được là nhờ cha tôi, nhờ sự giáo dục của ông, nhờ những điều răn dạy của ông". |
Ban ngày là Thủ tướng, tối về làm nội trợ Tuy là "người đàn bà thép" trên chính trường nhưng Margaret vẫn xách giỏ ra chợ mua rau và tùy lúc giao lưu nói chuyện thân thiết cùng mọi người. Một lần trong lúc đang dự hội nghị, bà Thatcher nhìn đồng hồ tay, lẩm bẩm nói: "Vẫn còn kịp giờ, cửa hàng còn chưa đóng cửa". Mọi người sửng sốt hỏi bà làm gì, bà nói: "Đến cửa hàng mua thịt hầm". Người khác khuyên bà để thư ký đi mua, bà nói: "Không được, tôi phải đích thân đi mua, vì chỉ có tôi mới biết được chồng tôi thích ăn loại thịt nào". Bữa cơm tối, bà thường xuống bếp nấu nướng món ngon. Bà dường như mỗi tuần đều phải đi làm bảy ngày, mỗi ngày làm khoảng 19 tiếng đồng hồ, thêm vào gánh vác việc nhà, thông thường phải sau 1h sáng mới có thể đi ngủ. "Cuộc sống gia đình hạnh phúc hay không, sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với cá nhân. Giọt máu hơn ao nước, người trong nhà bao giờ cũng thân hơn người ngoài, quan trọng là cùng quan tâm chăm sóc lẫn nhau", bà từng nói. |
Xuân Hoàng