Có thể nói, massage và spa là những ngành nghề dịch vụ chăm sóc sức khỏe, điều trị các bệnh theo phong cách hiện đại và giúp thư giãn tinh thần cho khách hàng.
Trên thế giới, đây là một ngành khoa học nghiêm túc. Tại Nhật Bản, Namikoshi College là trường cao đẳng chuyên sâu đào tạo massage Shiatsu, điều trị các bệnh lý gồm nhiều cấp.
Hiệp hội Shiatsu Massage cũng được thành lập tại các nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Hà Lan, Pháp, Nhật Bản... Vào mùa hè hàng năm, các giáo sư, chuyên gia Shiatsu tại nhiều nước trên thế giới đến đây để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm về điều trị bệnh lý.
Không chỉ là ngành học, là nghề nghiệp nghiêm túc, massage còn được một số quốc gia như Thái Lan, Nhật Bản... coi là hồn cốt của văn hóa truyền thống, là một dịch vụ không thể thiếu khi xúc tiến du lịch.
Ở Chiang Mai (Thái Lan), những tiệm massage từ nhỏ bé bình dân đến những spa sang trọng có mặt ở khắp mọi mơi nơi. Người Thái cố gắng tái tạo lại lối sống thanh lịch của người Lanna xưa, với những trung tâm massage nằm trong các khu vườn tươi tốt đầy tiếng chim hót và tiếng nước nhỏ giọt.
Thậm chí, nhiều trung tâm massage ở Chiang Mai còn được đặt tại nơi tôn nghiêm như trong những ngôi chùa Phật giáo hay những tu viện. Nhân viên massage có thể là người mù hoặc thậm chí là cựu tù nhân.
Người Thái có cả câu lạc bộ bảo tồn massage Thái nơi hội viên được coi là những chuyên gia có xúc giác tinh nhạy tuyệt vời.
Ngay cả ở Nhật Bản – quốc gia vốn rất khắt khe về truyền thống, thuần phong mỹ tục, nghề massage cũng được tôn vinh như nghệ thuật của trị liệu sức khỏe, trẻ hóa vẻ đẹp, điển hình là massage Asahi đã nổi tiếng khắp nơi trên thế giới.
...
Ở Việt Nam, không hiểu vì sao lấy lý do ảnh hưởng thuần phong mỹ tục, bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới đây lại đề xuất 8 nghề bị cấm khi đi làm việc ở nước ngoài, trong số đó có nghề massage.
Cụ thể, tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong danh mục nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài có nghề massage làm việc tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí. Theo Điều 5 của dự thảo thì đây là công việc ảnh hưởng tới thuần phong, mỹ tục của Việt Nam.
Đề xuất cấm đưa người lao động sang nước ngoài làm nghề massage nêu trên hiện đang gây ra không ít ý kiến trái chiều vì cho rằng, bản chất nghề massage không hề xấu, đó là một nghề lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hoàn toàn chính đáng của con người.
Trên thực tế, đúng là nghề massage ở Việt Nam ít nhiều đã bị biến tướng thành một lĩnh vực chứa nhiều cám dỗ sa ngã, lối sống buông thả, thậm chí là tệ nạn xã hội.
Thỉnh thoảng báo chí lại đưa tin vụ nhân viên massage bán dâm cho khách với giá 1 triệu đồng, rồi đột kích cơ sở massage kích dục cho quý ông quý bà, thậm chí là quan chức bị báo chí chụp được ô tô biển xanh đỗ tại cơ sở massage ngay trong giờ hành chính...
Tất cả đã khiến cho nghề massage bị đánh đồng, quy chụp là một nghề không cao quý, không được xã hội coi trọng.
Tuy nhiên, nếu dự thảo Nghị định này được thông qua thì sẽ dẫn đến một nghịch lý là Nghị định “cãi lại” luật. Cụ thể, luật Đầu tư 2014 đang còn hiệu lực quy định nghề massage không nằm trong danh mục những ngành, nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh mà chỉ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo một thống kê, hàng năm Việt Nam có hàng nghìn du học sinh ra nước ngoài học các chuyên ngành thẩm mỹ làm đẹp trong đó có nghề massage và spa. Nếu chúng ta công nhận massage là một ngành học thì vì sao lại ngăn cấm học đi đôi với hành?
Ngoài ra, đề xuất nêu trên của bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng được cho là khó khả thi và không phù hợp với thực tế. Bởi không dễ gì có thể kiểm soát việc doanh nghiệp có đưa người lao động sang nước ngoài làm nghề massage hay không.
Cuối cùng, vẫn là câu chuyện muôn thuở: Không thể cứ cái gì không quản được thì cấm. Không nên vì một vài vụ nhân viên massgage bán dâm hay kích dục mà hạn chế cơ hội việc làm chính đáng của hàng nghìn người lao động nghiêm túc khác.
*Bài viêt thể hiện quan điểm riêng của tác giả!