Theo đó, nhiều gia đình phải gánh nợ gần trăm triệu đồng vì "đầu cơ nghiệp" bỗng dưng "không cánh mà bay".
Vụ đầu tiên là trường hợp của chị Trần Thị Hạnh (39 tuổi, ở xã Hòa Xuân Đông) mất bốn con trâu chỉ trong một đêm. Chiều 11/4, sau một ngày thả trâu, chị đã lùa cả đàn trâu (gồm 4 con) lại một chỗ và buộc cẩn thận lại. Sau đó, do trời đổ mưa to, nhà lại neo người, chị đành để đàn trâu ở đó rồi về lo cơm nước cho con. Đến sáng hôm sau chị ra đồng thì cả đàn trâu đã tự dưng biến mất.
Mất một đàn trâu là số vốn tích lũy của cả gia đình, chị Hạnh ngất lên ngất xuống. Đó là tất cả "vốn liếng cả nhà dành dụm, cộng với số tiền 70 triệu đồng vay để mua trâu về chăn, lấy công làm lời. Giờ trâu không còn, tôi biết lấy tiền đâu để trả cho người ta bây giờ", chị Hạnh than thở.
Cũng trong đêm 11/4, lợi dụng lúc trời mưa to gió lớn, người dân không ai canh đồng, bọn trộm đã đưa xe tải lớn đến "bốc" cả 16 con trâu của 10 hộ dân ở thôn Phú Khê 2, xã Hòa Đông. Tổng thiệt hại của người dân lên đến hơn 400 triệu đồng.
Không dừng ở đó, đến tối 13/4, kẻ gian tiếp tục bắt trộm 3 con trâu của gia đình anh Lê Thanh Thương ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam.
Anh Thương cho biết: "Lợi dụng đêm tối, bọn trộm lẻn vô chuồng dắt mất trâu lúc nào tôi cũng không hay biết. Chỉ đến khi hai con nghé kêu la ầm ĩ chúng tôi mới giật mình tỉnh giấc, chạy ra thì đã quá muộn. Không những thế, hai con nghé còn bị xe tông chết. Gia đình tôi coi như mất trắng".
Hiện công an huyện Đông Hòa đang điều tra làm rõ vụ trộm trâu nghiêm trọng này.
Luật xưa: Trộm trâu sẽ bị lưu đày và bồi thường gấp đôi
Theo quy định của Bộ luật Hồng Đức triều Lê, tội trộm cắp bị coi là tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cao trong các tội phạm xảy ra trong xã hội phong kiến. Người phạm tội trộm cắp tài sản trong một số trường hợp cụ thể, có thể bị áp dụng hình phạt cao nhất là tử hình và được thực hiện bằng hình thức chém đầu.
Khi quy định về tội trộm cắp tài sản, Bộ luật Hồng Đức chú ý đặc biệt đến mối quan hệ giữa người phạm tội và người bị hại, tùy theo tính chất của mối quan hệ này hình phạt đối với người trộm cắp tài sản có thể được tăng lên hoặc giảm đi so với trường hợp trộm cắp tài sản thông thường. Đối với một số tội phạm cụ thể khác cũng có cách quy định tương tự.
Trong chương "Đạo tặc" của Bộ luật Hồng Đức, tội trộm cắp tài sản được quy định sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người như các tội mưu làm phản, tội mưu đại nghịch, tội phản nước theo giặc, tội giết người, tội làm người bị thương, tội hiếp dâm. Như vậy, theo cách sắp xếp này, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội trộm cắp tài sản chỉ thấp hơn các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm con người.
Các tội trộm cắp tài sản được quy định trong Bộ luật Hồng Đức thì hành vi trộm cắp tài sản của vua có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao nhất, người phạm các tội này sẽ bị xử chém. Đối với các tội trộm cắp tài sản khác, người phạm tội chỉ bị phạt khổ sai hoặc lưu đày.
Tài sản là đối tượng tác động trong các tội trộm cắp tài sản không nhất thiết phải có sự quản lý, trông coi, bảo vệ thường xuyên và có nơi cất giữ riêng. Các hành vi lấy các sản vật nông nghiệp như lúa ngoài đồng, cá trong các đầm, ao cũng được coi là trộm cắp tài sản. Trong các trường hợp này người phạm tội bị phạt khổ sai và phải bồi thường gấp đôi giá trị tài sản đã chiếm đoạt cho người chủ sở hữu.
Theo quan niệm ngày xưa, con trâu được coi là đầu cơ nghiệp, do vậy, ai có hành vi bắt trộm trâu sẽ bị phạt rất nặng. Vụ việc xảy ra ở Phú Yên số lượng trâu bị mất lớn, xảy ra với nhiều hộ dân. Do vậy, nếu chiếu theo Bộ luật Hồng Đức thì sau khi điều tra, làm rõ, đối tượng trộm trâu có thể bị phạt khổ sai hoặc lưu đày và bồi thường gấp đôi giá trị tài sản đã chiếm đoạt cho người chủ sở hữu.
Bình Minh