Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua tại TP.HCM xuất hiện hàng loạt tụ điểm sang chiết gas lậu, gây nguy hiểm cho tính mạng của nhiều người dân. Điều đáng nói, là sau nhiều lần truy quét quyết liệt của cơ quan chức năng, các cơ sở sang chiết gas lậu lại ngày càng nở rộ hơn. Trước thực trạng trên, người dân vô cùng bức xúc và tự đặt câu hỏi, tại sao sự an toàn tính mạng của mình lại phải phập phồng nằm trong tay kẻ khác?
Khiếp hãi với những "quả bom" di động
Có mặt tại một khu nhà trọ trên đường số 8 (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM), PV được nghe không ít những lời bức xúc của người dân về việc một cặp vợ chồng trẻ sang chiết gas hàng loạt mỗi ngày ngay trong phòng trọ. Bà N.T.M. (45 tuổi, ngụ phường Long Thạch Mỹ) cho biết: "Cách đây vài tháng, vợ chồng anh C.S.H. (SN 1985, quê Thái Bình) cùng chị H.T.T (SN 1988) tìm đến đây thuê phòng trọ để phục vụ cho công việc kinh doanh gas lậu của mình.
Hàng ngày, hai vợ chồng này cặm cụi chiết gas từ những bình lớn sang bình mini đã gỉ sét và tái sử dụng nhiều lần, để bỏ mối cho các tiệm tạp hóa. Trong khi đó, theo quy định, bình gas mini chỉ được dùng một lần để đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Cứ thế ngày nào cũng vậy, chúng tôi phải sống trong không khí sặc sụa mùi gas hôi thối. Nhiều lần quá bức xúc, chúng tôi đã lên tiếng để họ chuyển việc kinh doanh của mình sang một nơi khác. Tuy nhiên, họ đều bỏ ngoài tai”.
Bà M. cho biết thêm: "Nhiều gia đình có con nhỏ phải bỏ khu nhà trọ này đi nơi khác, vì sợ trẻ nhỏ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ mùi gas. Điều lạ kỳ là chủ nhà trọ biết rất rõ hoạt động trái pháp luật này của họ, nhưng không hề có phản ứng ngăn chặn. Chính vì thế, ngay cả chính quyền địa phương cũng không hề biết đến "quả bom" ngay tại khu nhà trọ này. Song, việc kinh doanh của hai vợ chồng họ thuận buồm xuôi gió được 1 tháng sau thì bị cơ quan công an phát hiện và tiến hành kiểm tra. Tại buổi làm việc với vợ chồng anh H., công an thu giữ 4 bình gas loại 12 kg, 3 bộ đồ nghề sang chiết gas và gần 600 bình gas mini, trong đó có 200 bình gas đã được sang chiết xong. Sau sự việc đó, vợ chồng họ đã chuyển đi nơi khác ở và không biết có tiếp tục tái diễn việc làm trái pháp luật của mình hay không. Nhưng đối với người dân xóm trọ chúng tôi, ai cũng thở phào nhẹ nhõm".
Những "quả bom" tử thần sau khi cháy nổ (Ảnh minh họa).
Vào đầu tháng 5/2013, Đội CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ công an thị xã Thuận An (Bình Dương) bất ngờ ập vào một khu chuồng heo nằm khuất sau tán rừng cao su tại phường Thuận Giao và bắt quả tang T.V.Q. (SN 1985, quê Thanh Hóa) đang chiết gas từ bình loại 12 kg sang nhiều bình gas mini. Tại hiện trường, mùi gas xông lên nồng nặc, công an thu giữ 1.300 bình gas mini và 9 bình 12 kg cùng 5 mâm (thiết bị sang chiết). Tại cơ quan công an, Quỳnh khai nhận, bình quân một ngày, y dùng 3 bình gas 12 kg chiết ra khoảng 700 bình gas mini, bán cho công nhân ở khu vực để hưởng lợi khoảng 200.000 đồng/ngày.
Cũng trên địa bàn tỉnh Bình Dương cuối tháng 5/2013, công an thị xã Thuận An tiếp tục kiểm tra đột xuất số nhà 2/22/26 thuộc khu phố 2 (phường An Phú), phát hiện ba đối tượng đang tổ chức sang chiết gas trái phép sang bình gas mini. Ba đối tượng này gồm Đ.H. (30 tuổi), N.S.P. (36 tuổi), N.V.T. (42 tuổi), cùng ở Thái Bình. Qua kiểm tra "lò gas lậu" này, cơ quan công an thị xã Thuận An đã thu giữ 2.700 bình gas mini, 108 bình gas loại 12 kg, 10 bàn sang chiết gas tự chế và 10 cái cân loại 2kg. Tại cơ quan công an, 3 đối tượng này cho biết đều làm thuê cho một ông chủ không rõ lai lịch, và có nhiều cơ sở sang chiết gas ở nhiều nơi. Chị M.H.T. (32 tuổi, ngụ tại phường An Phú, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) lắc đầu ái ngại: "Việc làm của họ không những coi thường pháp luật mà còn coi thường mạng sống của mọi người xung quanh. Công tác truy quét của lực lượng công an đối với cơ sở kinh doanh này khiến bà con chúng tôi vô cùng phấn khởi. Tôi mong rằng, cơ quan công an tiếp tục truy quét hết các cơ sở làm ăn trái phép, không thì chả biết lúc nào nó... nổ".
Và mắc kẹt với những "thùng bom" cố định
Trong quá trình tìm hiểu về thực trạng sang chiết gas lậu, PV cũng được chứng kiến cảnh nhiều người dân bức xúc về công tác quản lý. Anh L.M.V. (38 tuổi, ngụ tại phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) chia sẻ: "Thực tế cho thấy, việc quản lý và xử lý của các cơ quan chức năng tại địa phương đối với các cơ sở kinh doanh gas lậu này còn nhiều sơ hở và tiến độ chậm. Điều đó khiến các đối tượng kinh doanh trái pháp luật này hoạt động ngang nhiên, hoành hành hơn trong một thời gian dài nhưng vẫn không bị sờ gáy”.
Anh V. dẫn chứng: "Theo tôi được biết, điểm sang chiết, nạp gas của Công ty TNHH sản xuất Hồng Mộc (đặt tại khu phố 7, phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) trước đây là khu đất ruộng, ít người ở. Thế nhưng, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, người dân kéo đến khu vực này làm nhà ở ngày càng đông đúc khiến cơ sở sang chiết gas nằm lọt thỏm trong khu dân cư. Hằng ngày, chúng tôi chứng kiến hàng chục chiếc xe bồn chở gas đến rồi đi. Vì vậy, người dân khu vực này vô cùng hoang mang, hoảng sợ. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với chính quyền địa phương, nhưng vẫn chưa thấy có biến chuyển gì. Vẫn biết, công ty của họ sản xuất gas theo quy trình nhưng không ai biết được hậu quả khôn lường của nó. Lãnh đạo công ty này có lần hứa sẽ di dời vào khu công nghiệp, nhưng chưa biết khi nào chúng tôi mới trút bỏ được gánh nặng sợ hãi này".
Trao đổi về vấn đề nan giải này, ban lãnh đạo phường Hiệp Thành (quận 12, TP.HCM) cho biết, Công ty Hồng Mộc được cấp phép hoạt động trên địa bàn phường với quy mô sản xuất là 1.500 bình gas/ngày, khi không có dân sinh sống xung quanh. Sau này, các khu dân cư ngày càng hình thành đông đúc bao quanh nhà máy. Mặt khác, gần Công ty Hồng Mộc là hai xí nghiệp may với hơn 1.000 công nhân đang làm việc. Chính vì vậy, việc đề nghị công ty di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề là hoàn toàn phù hợp với lợi ích cũng như bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Bởi cho dù việc chiết nạp gas có đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, đúng quy trình bao nhiêu đi chăng nữa, thì việc để cơ sở sang chiết, nạp gas trong khu dân cư là không phù hợp. Ban lãnh đạo phường sẽ có kết luận sau khi kiểm tra xong và sẽ thông tin cho người dân trong thời gian sớm nhất giải pháp xử lý vấn đề này...
Sang chiết gas lậu ngày càng phổ biến Bà Lê Thị Anh Mẫn, phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết: "Tình trạng chiết nạp lậu cho hàng loạt thương hiệu gas khác còn khá phổ biến và rất khó kiểm soát. Trong quá trình sang chiết lậu, chất lượng và trọng lượng gas hoàn toàn không thể nào kiểm tra được có đúng quy định và đảm bảo sự an toàn hay không. Hiện nay, một số tỉnh vẫn còn lỏng lẻo trong việc kiểm tra các cơ sở kinh doanh gas trái pháp luật này". |
Thơ Trịnh