Mặt cô gái "cháy đen" vì lăn kim, lột da tại spa

Mặt cô gái "cháy đen" vì lăn kim, lột da tại spa

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 4, 13/07/2022 11:30

Chi hơn 70 triệu đồng để trị nám nhưng cô gái trẻ lại nhận về kết quả cay đắng với loang lổ vết chấm đen, trắng trên khuôn mặt.

Theo lời kể của N.T.T. (23 tuổi, quê ở Lạng Sơn), cách đây 5 năm, cô bị tàn nhang nhiều ở dưới mắt, trên trán và 2 bên má. Tình trạng ngày một nghiêm trọng nhất là sau những chuyến du lịch biển dài ngày. Làn da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời nhưng T. không bôi kem chống nắng. Cảm thấy tự ti, T. đã tìm nhiều cách cải thiện làn da để bản thân trở nên xinh đẹp hơn

Nghe theo quảng cáo, T. tìm đến một spa ở địa phương và được nhân viên tư vấn liệu trình trị nám, chi phí hơn 70 triệu đồng. "Họ lăn kim, cho thuốc uống, lột da bằng hóa chất 2 tuần một lần và bôi những chất gì em cũng không rõ, nhưng mỗi lần làm như vậy họ đều khẳng định sẽ "tẩy sạch" nám", nữ bệnh nhân kể.

Tuy nhiên, sau mỗi lần làm thủ thuật, làn da của T. trở nên rát bỏng, bong tróc nhiều. Được nhân viên spa trấn an "không sao" nên cô gái trẻ vẫn tiếp tục theo liệu trình điều trị ròng rã gần 1 năm trời. Mãi đến khi thấy làn da xuống cấp trầm trọng, T. mới tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.

Đời sống - Mặt cô gái 'cháy đen' vì lăn kim, lột da tại spa

 Cô gái trẻ bị biến chứng nặng nề do làm đẹp sai cách. Ảnh:Sức khỏe và Đời sống

"Vùng da nào của em được lăn kim, bôi thuốc... đều xuất hiện tình trạng đen sạm. Em rất tự ti, không dám ngẩng mặt lên khi ra ngoài, luôn cố gắng che chắn bằng khẩu trang, áo kín cổ...", cô gái trẻ nói.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Phó trưởng Khoa Laser và săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết đây là trường hợp biến chứng nặng nề do làm đẹp sai cách. Bệnh nhân bị tổn thương rối loạn sắc tố do sử dụng các sản phẩm làm đẹp không phù hợp trong thời gian dài.

Tất cả những vùng mặt (bao gồm trán, má, cằm, mắt...) bệnh nhân được spa bôi hóa chất đều bị tăng giảm sắc tố loang lổ. Với liệu trình lột tẩy da liên tục trong 1 năm trời khiến da bị "bào mòn" nghiêm trọng, không làn da nào có thể chịu đựng được điều đó. Và rất có thể, bệnh nhân đã bị bôi các sản phẩm làm trắng quá mức gây nên tổn thương như hiện tại.

Với trường hợp này, bác sĩ Thành nhận định việc sửa chữa biến chứng là rất khó khăn do nền da của bệnh nhân đã bị tổn thương, da mỏng hơn nhiều, da nhạy cảm, có tình trạng ngứa, mẩn đỏ,... Nếu điều trị tích cực và phối hợp tốt với bác sĩ, kết hợp nhiều biện pháp với thuốc uống và bôi thì làn da cũng chỉ có khả năng hồi phục được 70-80%, không thể trở về như cũ. Đây là điều rất đáng tiếc.

Theo bác sĩ Thành, việc lột da bằng hóa chất (hay còn gọi là peel da) khá hiệu quả trong điều trị nám nhưng cần thực hiện ở các cơ sở chuyên khoa da liễu uy tín. Peel da cũng không thể có công dụng thần thánh như quảng cáo "lột da mặt một lần là vết nám mất luôn", vì như thế đó là lột sâu và lột sâu thì chắc chắn để lại sẹo.

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị nám da và được áp dụng đa liệu pháp từ nội khoa, can thiệp hay laser, hóa chất,... Để biết được một người đang bị nám da ở giai đoạn nào, không thể xác định được bằng mắt thường mà phải có thiết bị hiện đại để phân tích nám ở vị trí thượng bì hay ở vị trí nào khác,…

Do đó, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được thăm khám và chẩn đoán xác định, không nên tự chữa kẻo "tiền mất tật mang".

Bên cạnh đó, chị em bị nám không nên tự ý thoa thuốc truyền miệng như dùng rượu, lá trầu không, đắp cá hồi, nghệ tươi, kem trộn, hay các phương pháp không có cơ sở khoa học khác gây bỏng da và làm cho tình trạng nám da trầm trọng hơn.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.