Về vấn đề này, Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ (tình trạng còn hiệu lực) quy định như sau: Việc khai sinh, kết hôn, khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/1/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất thì được đăng ký lại.
Như vậy, trường hợp muốn cấp lại Giấy đăng ký kết hôn cần có cả hai điều kiện bắt buộc sau đây:
- Vợ chồng đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/1/2016;
- Sổ đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký hộ tịch và Giấy đăng ký kết hôn của người yêu cầu cấp lại Giấy đăng ký kết hôn đều bị mất.
Về thẩm quyền cấp lại giấy đăng ký kết hôn: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì: Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh, kết hôn trước đây hoặc ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn.
Như vậy, trường hợp đã đăng ký kết hôn trước ngày 1/1/2016 mà bị mất Giấy đăng ký kết hôn bản chính, nhưng Sổ đăng ký kết hôn tại UBND xã, phường, thị trấn nơi ông đăng ký kết hôn vẫn còn lưu trữ, thì UBND sẽ từ chối cấp lại Giấy đăng ký kết hôn và thực hiện thủ tục cấp Trích lục kết hôn từ Sổ gốc khi ông có yêu cầu - là đúng quy định.
Trích lục kết hôn có thể sử dụng để thay thế Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bị mất. Có thể dùng Trích lục kết hôn khi thực hiện thủ tục khai sinh cho trẻ, nhận thừa kế, mua bán, chuyển nhượng nhà ở, đất đai là tài sản chung vợ chồng. Trường hợp vợ chồng ly hôn, mà bị mất bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì có thể được Tòa án chấp nhận Trích lục kết hôn làm tài liệu, chứng cứ khi giải quyết vụ án ly hôn, việc thuận tình ly hôn.
Đối với trường hợp mất Giấy đăng ký kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn của UBND xã, phường, thị trấn không còn lưu giữ, thì thực hiện thủ tục đăng ký lại kết hôn theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Việc đăng ký lại kết hôn chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu đăng ký còn sống vào thời điểm tiếp nhận hồ sơ.
Minh Hoa (t/h)