Vẫn là: Tiền thật mua... nhà ảo!
Câu chuyện được thổi bùng dư luận từ lá đơn của tập thể những người bị lừa đảo ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Mý tố cáo bà Nguyễn Trọng Thị Hồng (ngụ tại Ba Đình, Hà Nội) và ông Đinh Ngọc Hiện (Đống Đa, Hà Nội) lừa đảo, chiếm đoạt 43 tỷ đồng.
Theo đó, khoảng đầu năm 2011, được sự quen biết giới thiệu, ông Nguyễn Văn Mý (đại diện cho 6 người cùng góp vốn - PV) đã đem số tiền 43 tỷ đồng (chia làm 3 đợt) cho bà Nguyễn Thị Trọng Hồng với lời hứa chắc như đinh sẽ được mua lô BT HH4 Khu đô thị mới Việt Hưng (của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD).
Sở dĩ đưa tiền cho bà Hồng, bởi bà này cho biết thủ trưởng cũ của bà là ông Đinh Ngọc Hiện đang giữ cương vị cán bộ chủ chốt của HUD cần bán lô biệt thự này với giá trong hợp đồng là 40 triệu đồng /m2 và ngoài hợp đồng là 15 triệu đồng /m2, tổng cộng là 55 triệu đồng /m2. Dự kiến 18 căn biệt thự khu HH4 với tổng số 3.700 m2 sẽ phải chi số tiền ngoài hợp đồng cho bà Hồng và ông Hiện tương đương khoảng 56 tỷ đồng.
Khi tiền đã trao tay 43/56 tỷ đồng cho bà Hồng, phía ông Mý phát hiện toàn bộ lô biệt thự này đã được HUD bán cho người khác. Không mua được, ông Mý đã nhiều lần yêu cầu bà Hồng, ông Hiện trả lại tiền, nhưng đều không được.
Biết khó nuốt, bà Hồng ngồi lại với ông Mý xin chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật khu đất CC1 Mỹ Đình II (do HUD làm chủ đầu tư) nhằm bù đắp cho lô đất biệt thự ở Việt Hưng không giao dịch được. Để lấy niềm tin, bà Hồng bảo ông Mý về làm văn bản gửi HUD giải quyết với giá trong chứng từ là 40 tỷ đồng và ngoài chứng từ là 60 tỷ đồng. Tin tưởng, ông Mý lại về họp với những người góp vốn đồng ý làm văn bản gửi HUD.
Nhằm tạo niềm tin cho thương vụ làm ăn này, bà Hồng yêu cầu phía ông Mý gửi tiếp 2 tỷ đồng coi như tiền đặt cọc sẽ mua. Sau khi nhận tiền, bà Hồng cho biết sếp HUD đã duyệt đồng ý, nhưng vì đi vắng chưa ký được.
Nhưng rồi, kịch bản cũ lại tái diễn khi CC1 Mỹ Đình II, HUD lại bán cho khách hàng khác.
Số tiền 21,5 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm do nhóm bà Hồng, ông Hiện nhờ gửi sổ tiết kiệm mang tên Nguyễn Văn Mý.
Thương vụ chiếm đoạt bất thành?!
Thấy nghi ngờ, đổ xô đi tìm hiểu, phía ông Mý mới tá hỏa khi phát hiện cả bà Hồng và ông Hiện đều không phải cán bộ của HUD, nên không có chức năng giao dịch các lô đất trên. Nhận ra chân tướng, cuối năm 2012, ông Mý và các thành viên góp vốn đâm đơn các cơ quan chức năng tố cáo hành vi lừa đảo của hai người này.
Thấy phía ông Mý quyết liệt, biết không thể trốn trách nhiệm bên bà Hồng tính chuyện trả, nhưng thay vì phải hoàn lại số tiền 43 tỷ đồng đã nhận, bà Hồng, ông Hiện tính kế nhờ một nhóm người đứng ra dàn binh... ép ông Mý chỉ nhận lại một phần trị giá số tiền này. Trước đó, bà Hồng cũng phải lại 2 tỷ đồng đã nhận thêm để lo vụ CC1 Mỹ Đình II.
Được sự đồng ý của Cục Cảnh sát hình sự (C45 - Bộ Công an), phía ông Mý chấp nhận đàm phán. Ban đầu, nhóm người được giới thiệu đứng ra dàn xếp yêu cầu trả 2/3 số tiền của 43 tỷ đồng, với điều kiện phía ông Mý rút đơn tố cáo. Nhưng sau đó, việc thỏa thuận lòng vòng qua nhiều đầu mối khác nhau được ép còn 21, 5 tỷ đồng, với giá trị 1 căn nhà của vợ chồng ông Hiện có giá 17, 6 tỷ đồng (trong khi thực tế căn nhà này chỉ có giá trị 7 tỷ đồng PV) và 3, 9 tỷ đồng tiền mặt.
Kinh qua nhiều thương vụ ngã giá, cuối cùng số tiền 21, 5 tỷ đồng cũng được nhóm người do bà Hồng, ông Hiện nhờ gửi vào một sổ tiết kiệm mang tên Nguyễn Văn Mý ở Ngân hàng Techcombank. Đáng nói, trong thời gian chờ thương thảo, bà Hồng đã nhanh chân chạy ra nước ngoài nhằm trốn tránh trách nhiệm chi trả với phía ông Mý, chỉ khi khoản tiền 21, 5 tỷ đồng được chi, bà Hồng mới trở về Việt Nam.
Biết bà Hồng đã về nước, phía ông Mý xin ý kiến của C45 tìm đến đòi toàn bộ số tiền. Lúc này, phía bà Hồng mới giật mình nhờ người đưa thêm 7, 5 tỷ đồng cho phía ông Mý, tiền được nộp vào C45 (Bộ Công an).
Vậy là, từ khoản tiền 43 tỷ đồng chi ra để kinh doanh bất động sản, sau hơn 2 năm chờ đợi rồi tranh đấu, cái mà ông Mý và những người góp vốn nhận được chỉ còn lại 28 tỷ đồng. Tiền thì đã mất, nhưng điều mà phía ông Mý bức xúc nhất là những người dù không liên quan, không có chức năng giao dịch sản phẩm của HUD vẫn đứng ra nhận tiền hứa hẹn rồi không thực hiện. Thậm chí, khi lộ chân tướng lại tính chuyện ăn chặn hàng chục tỷ đồng tiền hoàn trả... Thế nhưng tất cả vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật!
Vậy những người này là ai, giữ vai vế gì trong xã hội lại có thể lộng hành đến như vậy? báo ĐS&PL sẽ tiếp tục thông tin làm rõ.
Nhóm PV