Một sự việc hy hữu không may xảy đến với một người đàn ông tên L.N.H (60 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh).
Cụ thể, vào khoảng 9h sáng 17/8, khi ông H. đang ngồi uống cà phê tại một quán vỉa hè trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình thì bị dây điện trung thế phía trên đứt rớt trúng người.
Bị điện giật, người đàn ông nằm bất động trên vỉa hè và được người dân đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Những vụ tai nạn khiến người dân thiệt mạng về đường dây tải điện rơi xuống, vướng phải... là không ít. Tuy nhiên, hậu quả và biện pháp xử lý đối với từng vụ việc sẽ khác nhau tùy thuộc vào tính chất của từng vụ việc.
“Trước tiên, về trách nhiệm dân sự thì việc bồi thường thiệt hại đối với gia đình nạn nhân trong vụ việc này sẽ thuộc về đơn vị điện lực ở địa phương này”, luật sư Cường nói.
Theo quy định của pháp luật thì điện là nguồn nguy hiểm cao độ, người quản lý, sử dụng điện mà gây thiệt hại cho nạn nhân thì dù đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng điện không có lỗi vẫn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Thiệt hại sẽ bao gồm tiền chi phí mai táng, tiền tổn thất về tinh thần và tiền nghĩa vụ cấp dưỡng của người chết đối với người mà người đó có nghĩa vụ cấp dưỡng. Mức bồi thường sẽ do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để tòa án xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm để có hình thức xử lý theo quy định pháp luật.
Nếu quá trình xác minh có căn cứ cho thấy người có trách nhiệm quản lý, bảo trì, bảo dưỡng đường dây điện này không thực hiện hết trách nhiệm, có lỗi vô ý dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Điều 129 Bộ luật hình sự.
Theo đó, người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Còn trường hợp việc dây điện đứt, rơi xuống là bất khả kháng, sự kiện bất nhờ... ngoài sự kiểm soát của con người, trước đó đơn vị quản lý đường dây điện này thực hiện việc bảo quản, bảo trì theo đúng quy định, không phát hiện đường dây đang hư hỏng, sắp đứt thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.