Suýt mất tay vì tin vào... dược sĩ
Bác Nguyễn Thị L. (Trương Định, Hà Nội) cho biết, bắt đầu thời tiết lạnh, mu bàn chân của bác bị sưng tấy, đau không đi được. Cách đây 3 năm, chân của bác cũng bị như vậy, đi khám ở bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ chẩn đoán bị đau cơ- xương- khớp, uống theo đơn thuốc các bác sĩ kê nhưng không khỏi, bác L. ra hiệu thuốc gần nhà kể triệu chứng bệnh và mua thuốc mới. Sau một tuần, chân bác hoàn toàn khỏi.
Tin vào "tài" kê đơn thuốc của dược sĩ, những ngày lạnh vừa qua, khi chân đau nhức, bác L. lại sang nhờ dược sĩ "kê đơn" thuốc. Thế là, chưa uống hết thuốc, cả hai chân bỗng dưng co cứng (như chuột rút), bác L. tiếp tục sang nhờ "kê đơn" đổi thuốc. 5-6 loại thuốc được kê ra nhưng không một loại thuốc nào có kèm tờ "tác dụng của thuốc". Bác L. cho biết: "Tôi hợp với đơn thuốc dược sĩ Hương kê. Bây giờ có triệu chứng gì tôi chỉ cần gọi điện kể lại, cô ấy sẽ mang thuốc đến tận nhà".
Đưa bịch thuốc cho tôi xem, bác L. nói: "Có 5 loại thuốc tất cả, tôi phải uống lâu dài để chữa dứt điểm". Theo quan sát của PV, trong 5 loại thuốc thì có 4 loại có màu xanh, hồng, trắng không có tên thuốc và chỉ có duy nhất một loại thuốc có tên Decontractyl là tên biệt dược của mephenesin được dược sĩ kê có tác dụng làm giãn cơ do tác động trung ương gây giãn cơ, được dùng hỗ trợ điều trị đau do co thắt cơ như đau lưng, đau đốt sống cổ, đau khớp vai...
Bác L. cũng cho biết, vị dược sĩ đã khuyến cáo, loại đau này phải dùng nhiều thuốc kết hợp để trị chứ không phải dùng đơn độc một mình Decontractyl. Thế nhưng, sau một thời gian dài uống thuốc dược sĩ Hương kê, bác L. đã hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc. Cứ uống thuốc thì giảm cơn đau, dừng thuốc thì đau đớn hơn rất nhiều lần. Cuối cùng, ngày 16/1 vừa qua, bác L., đã phải nhập khoa Cơ xương khớp - bệnh viện Bạch Mai điều trị, vì cơn đau khớp dữ dội.
Một bệnh nhân suýt bị mất tay vì tự ý dùng thuốc chữa khớp.
Khoa Chấn thương chỉnh hình (bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) đã cứu chữa thành công cho một bệnh nhân suýt mất bàn tay do tiêm thuốc vào tay để chữa khớp. Bệnh nhân là bà Lò Thị B., 61 tuổi (ở tỉnh Lai Châu) nhập viện trong tình trạng bàn tay phải sưng phù, tím đen, các ngón tay mất cảm giác, không cử động được. Theo lời kể của bệnh nhân, một tháng trước khi nhập viện, bà B. có biểu hiện bị đau hai khớp cổ tay. Bà B. được một thầy thuốc về hưu ở địa phương tiêm hai loại thuốc là hydrocortison và lidocain vào tay. Sau khi tiêm, cánh tay bà B. đau dữ dội và tiếp tục được bác sĩ tiêm thêm 4 mũi giảm đau. Sau đó, cánh tay đau đớn quá mức, bệnh nhân đã phải về Hà Nội điều trị. Sau một tuần điều trị, tay bệnh nhân đã bớt sưng nề, các mảng da tím đen thu hẹp, có dấu hiệu sống lại, nhưng vẫn có nguy cơ phải cắt bỏ một số đốt ngón tay.
Rước hoạ vào thân
Bác sĩ Bùi Nguyên Kiểm, nguyên trưởng khoa Nội II, bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết, ông đã từng tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện bị cưa tay, tàn phế vì tự ý sử dụng thuốc chữa giãn cơ, viêm khớp. Cũng theo bác sĩ Kiểm, thời tiết lạnh khiến bệnh viêm khớp, thoái hoá khớp tiến triển. Nhiệt độ giảm gây co các mạch máu ngoại vi, giảm cung cấp máu cho các cơ quan ngoại biên, trong đó có da, cơ, khớp, gây các triệu chứng như đau mỏi cơ xương khớp, co cứng cơ vùng vai gáy, thắt lưng. Khi rét đậm, chứng đau vai gáy, đau thắt lưng, thường gặp ở dân văn phòng, cũng thường xuất hiện hoặc tái phát. Nguyên nhân là các cơ vùng gáy co lại để giữ nhiệt, duy trì trong thời gian dài khiến các cơ cạnh cột sống bị giữ ở một tư thế quá lâu, gây mệt và đau mỏi cơ.
Các bác sĩ của khoa Cơ - xương - khớp, khuyến cáo: Nếu điều trị không đúng cách bệnh viêm khớp, rất có thể dẫn đến các hậu quả như bị cứng các khớp, ngón tay co quắp lại, không cầm nắm được, tay không thể giơ lên cao, ngón chân bị trẹo ra ngoài, rất đau đớn... Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến tàn phế.
Giống như bất cứ loại thuốc nào, nếu tự ý dùng thường xuyên thuốc decontractyl cũng có thể đưa đến nguy cơ bị tác dụng phụ của thuốc, như buồn nôn, nôn, buồn ngủ. Thuốc cũng có thể gây dị ứng da và một vài trường hợp đã được ghi nhận là gây sốc phản vệ. Trên thị trường dược phẩm có nhiều thuốc giãn cơ, bác sĩ có thể chỉ định thay thế decontractyl như myonal, dantrium, mydocal...
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, đại học Y dược TP.HCM cho biết: Khi mới bị đau, trước tiên người bệnh nên áp dụng phương pháp xoa bóp (có thể dùng dầu nóng, dầu xoa, kem bôi ngoài trị đau nhức). Bên cạnh việc xoa bóp có thể dùng thuốc giảm đau thuộc nhóm mua không cần đơn như paracetamol, indomethacin để trị đau. Khi dùng hai cách này một thời gian không cải thiện thì nên đi khám bệnh. Bác sĩ khám trực tiếp, xác định nguyên nhân gây đau sẽ cho hướng xử trí thích hợp. Không nên tự ý dùng loại thuốc kê đơn như thuốc giãn cơ được đề cập ở trên vì thuốc này đòi hỏi phải có bác sĩ chỉ định, theo dõi sử dụng để ngăn ngừa các tai biến có thể xảy ra.
Phương Thu
Tối 07/01/2013, trong Lễ trao giải thưởng Thương hiệu Quốc gia do Hội đồng Thương hiệu Quốc gia xét chọn năm 2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát đã được vinh danh 3 sản phẩm, Trà thảo mộc Dr Thanh, Trà xanh Không độ và Nước tăng lực Number One. Danh vị Thương hiệu quốc gia năm 2012 được trao cho 54 doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực như: Thực phẩm, cơ khí máy móc; Dệt may, da giầy; Điện tử viễn thông; Vận tải du lịch; bất động sản... ,Tân Hiệp Phát là một trong số 54 thương hiệu mạnh được trao giải thưởng này. Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế, Tân Hiệp Phát vẫn luôn đưa ra những sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh có lợi cho sức khỏe cộng đồng và khẳng định được vị thế thương hiệu của mình trên thị trường, được người tiêu dùng tin yêu. |