BHYT được xem là chính sách an sinh xã hội có giá trị nhân văn. Đây là chính sách do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... với ý nghĩa người khỏe chia sẻ cho người bệnh khi tham gia BHYT.
Khi tham gia BHYT lần đầu hoặc thay đổi thông tin trên thẻ, người tham gia sẽ được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT giấy để sử dụng khám chữa bệnh.
Ngành BHXH đã ứng dụng công nghệ thông tin về thủ tục hành chính để mang sự thuận tiện, lợi ích thiết thực nhất cho người tham gia.
Theo đó, hiện nay, có nhiều cách khác nhau để thay thế thẻ BHYT giấy, giúp thuận tiện hơn khi đi khám chữa bệnh.
Vì vậy, trong trường hợp người dân bị mất thẻ BHYT hoặc thẻ BHYT bị rách, nát, hỏng… thì có thể sử dụng ba cách sau để đăng ký khám chữa bệnh BHYT.
Cách 1: Người dân được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để thay thế thẻ BHYT giấy trong khám chữa bệnh.
Cách 2: Các cơ sở y tế có triển khai, tổ chức khám chữa bệnh cho người bệnh có căn cước công dân gắn chip, thay thế thẻ BHYT giấy.
Cách 3: Người dân có tài khoản mức độ 2 của ứng dụng VNeID, cũng có thể sử dụng để thay thế thẻ BHYT giấy khi khám chữa bệnh.
Ngoài ra, người tham gia BHYT khi bị mất thẻ BHYT có thể thực hiện thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT kèm đơn xin cấp lại thẻ BHYT hợp lệ gửi đến tổ chức BHXH để được hỗ trợ giải quyết.
Theo đó, thủ tục cấp lại thẻ BHYT được quy định như sau:
1. Điều kiện thực hiện thủ tục cấp lại thẻ BHYT
- Thẻ BHYT được cấp lại trong trường hợp sau đây: Người tham gia BHYT bị mất thẻ BHYT, trường hợp thẻ BHYT bị lỗi do tổ chức BHYT hoặc cơ quan lập danh sách.
- Trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người tham gia BHYT vẫn được hưởng quyền lợi BHYT.
2. Hồ sơ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế
Thành phần hồ sơ cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, bao gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT do Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành;
- Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, đã được sửa đổi Nghị định 104/2022/NĐ-CP.
*Số lượng hồ sơ: 01 bộ
3. Thủ tục cấp lại thẻ bảo hiểm y tế
Bước 1: Người tham gia BHYT cần cấp lại thẻ BHYT đến cơ quan BHXH tỉnh, huyện;
Ghi Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT (do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành);
Nộp bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh, huyện;
Chờ ký (vào ô người nộp hồ sơ) trong Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, đã được sửa đổi bởi Nghị định 104/2022/NĐ-CP .
Bước 2: Cơ quan BHXH
- Cán bộ bộ phận một cửa cơ quan BHXH tỉnh, huyện kiểm tra, nhận Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHYT;
Ghi Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp lại thẻ BHYT theo Mẫu số 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP đã được sửa đổi bởi Nghị định 104/2022/NĐ-CP và ký (vào ô người tiếp nhận hồ sơ và đưa Mẫu 4 tới người tham gia BHYT ký vào ô người nộp hồ sơ).
- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp lại thẻ BHYT. Tổ chức BHYT phải cấp lại thẻ BHYT cho người tham gia BHYT.
*Cách thức thực hiện: Trực tiếp, qua đường bưu điện.
*Thời hạn thực hiện: 07 ngày làm việc
*Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Cơ quan BHXH tỉnh, huyện
*Lệ phí, phí: Không
Minh Hoa (t/h)