Những kỷ niệm chiến trường
Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên những năm 80 ác liệt là Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 2. Thời gian đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng trong ký ức của ông vẫn chưa phai mờ dấu ấn của trang sử đau thương và oanh liệt trên đất Hà Giang ngày ấy.
Trao đổi với báo chí bên lề buổi gặp mặt đại biểu Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang ngày 14/7/2016 tại Hà Nội, Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết: “Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang không phải chỉ có một trận đánh, mà nó là 2.000 ngày đêm chiến đấu ác liệt. Tôi có một thời gian làm Tư lệnh mặt trận. Lúc đó, có một trận chiến đấu rất quyết liệt 7 ngày 7 đêm mà chúng ta phải đối phó với những lực lượng rất mạnh của đối phương. Với quyết tâm cao độ, chúng ta đã giữ được tất cả các vị trí, đánh lui mấy chục đợt tấn công của địch. Sau đó đối phương lại phát động một cuộc tấn công lớn hơn. Những trận chiến đấu vô cùng quyết liệt, họ sử dụng pháo binh tối đa, bắn từ sáng tới đêm suốt mấy ngày liền. Nhưng chúng ta đã kiên cường, giữ vững trận địa, đánh lui các đợt phản kích của họ. Cuối cùng thì họ cũng đã phải rút lui”.
Về diễn biến của chiến tranh biên giới phía Bắc, Trung tướng Đặng Quân Thụy cho biết: Năm 1979, đối phương tấn công chúng ta trên diện rộng, toàn tuyến biên giới phía Bắc, hướng Vị Xuyên, Hà Tuyên (cũ), họ thực hiện đánh nhỏ, buộc ta phải đối phó. Từ năm 1984, đối phương chọn Vị Xuyên làm trọng điểm, cho quân lấn chiếm nhiều điểm cao trên tuyến biên giới Vị Xuyên. Ta tập trung quân, chớp nhoáng lấy lại điểm cao nhưng do chuẩn bị gấp gáp quá, nắm chưa kỹ đối phương, nên không thành công, một vài đơn vị bị tổn thất phải rút ra củng cố.
Sau đó, bộ Quốc phòng giao cho Quân khu 2 trực tiếp chỉ huy mặt trận, chủ trương đánh lâu dài. Ta ra sức củng cố công sự, đúc sẵn các thanh bê tông, vác lên trận địa lắp ghép thành hầm kiên cố để chịu đựng pháo và sinh hoạt dài ngày ngay tại trận địa vì sáu tháng ta mới thay quân. Do vậy, phải tính toán vận chuyển hậu cần. Gạo, thực phẩm, vận chuyển anh em bị thương thế nào? Tất cả đều đi vào kế hoạch, nề nếp.
Ôn lại những kỷ niệm khi làm Tư lệnh mặt trận Vị Xuyên, Trung tướng Đặng Quân Thụy nhớ lại: “Tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ tại mặt trận này, nhưng điều khiến tôi nhớ nhất vẫn là những lần trực tiếp vào chỉ huy trận đánh, tôi đã phải lăn lê, bò trườn, thậm chí phải leo dây mới tới được chiến hào, vào những hầm, hang của bộ đội ở. Đó là những kỷ niệm rất xúc động. Bộ đội ta tuy phải dậy sớm, gian khổ, ở hang hầm lâu ngày nhưng hầu hết các cán bộ, chiến sỹ vẫn giữ được tinh thần chiến đấu kiên cường, quyết tâm đánh địch, không để cho chúng chiếm được vị trí nào của ta. Đặc biệt là những anh, chị em làm công tác anh nuôi. Trong tiếng pháo, tiếng súng, bom đạn như vậy nhưng đến giờ bộ đội cần là phải có cơm ăn thì họ cũng sẵn sàng tiếp tế lên chiến trường. Đối với tôi, còn có một kỷ niệm không thể quên. Lần đó, tôi đi ô tô tới Làng Pinh, Coóc Nghe. Rời khỏi xe thì một bên cánh cửa bị đạn pháo địch bắn găm thủng lỗ chỗ. Tôi lên đến cao điểm 1.000, nơi đặt sở chỉ huy của Sư đoàn 314, ra khỏi xe thì đạn địch bắn trúng ghế ngồi... Mặt trận thời đó đi lại rất khó khăn, địch đánh lấn chiếm điểm cao khống chế, ta đi dưới tầm hỏa lực của chúng vậy mà bộ đội ta vẫn bám trụ chiến đấu giành thắng lợi”.
Cuộc chiến gian khổ nhưng biên cương được giữ vững
Có một số trận, Trung tướng Đặng Quân Thụy trực tiếp chỉ huy mặt trận. Ngày đó, đối phương duy trì hai quân đoàn địa phương 40 và 41 đối diện với mặt trận Vị Xuyên. Có thông tin là họ điều cả quân đoàn chủ lực nòng cốt ra tiến công Vị Xuyên với ý định đẩy trận địa phòng ngự của bộ đội ta ra khỏi phía Bắc suối Thanh Thủy. Biết vậy, ta củng cố vững chắc các trận địa ở Đồi Đài, Cô Ích, 400, 1.100, kiên quyết chiến đấu giữ vững trận địa.
Đối phương tiếp tục tăng quân đánh uy hiếp còn bộ đội ta chiến đấu kiên cường kiên quyết giữ trận địa, đánh trả thích đáng. Có lần, Thiếu tướng Bùi Như Lạc, Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 313 nói với Tư lệnh mặt trận: “Thủ trưởng cho tôi bắn ít đạn pháo quá!”. Trung tướng Đặng Quân Thụy bảo: “Đạn pháo ta không sản xuất được nên khi bắn phải tính toán từng quả. Tôi phải tính toán với anh từng chục quả pháo”. Theo Tướng Thụy, đánh trả phải có mục tiêu, nhất là pháo binh, phải nắm rõ trận địa pháo địch ở chỗ nào, bắn ít đạn thôi nhưng cho trúng, khắc phục tư tưởng dùng pháo đấu với pháo địch.
Trong trận chiến đấu kiên cường ngày ấy, bộ đội Sư đoàn 314 đã giữ vững trận địa ở điểm cao 920 (đồi Tròn, xã Minh Tân), quân địch bị tổn thất phải bỏ chạy”.
Trung tướng Đặng Quân Thụy nhận định: Mặt trận Vị Xuyên trải qua ba giai đoạn, giai đoạn đầu là điều quân ồ ạt, đánh chớp nhoáng giành lại điểm cao trên biên giới bị đối phương lấn chiếm, công tác chuẩn bị gấp quá nên chưa thành công. Sau đó là giai đoạn ta chủ trương đánh lâu dài, phản kích nhỏ, lấy lại một số điểm nhưng cũng không có kết quả. Giai đoạn ba, ta củng cố công sự trận địa, kiên quyết giữ vững trận địa, đồng thời tổ chức đánh trả thích đáng. Họ không đạt được ý đồ đẩy ta xuống phía Nam suối Thanh Thủy, ý chí bị lung lay.
Cuối cùng, đến năm 1989, họ tính toán rút quân. Sự kiên cường, mưu trí, dũng cảm của ta đã giành được thắng lợi, giữ vững đường biên giới từ suối Nà La. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở mặt trận Vị Xuyên kéo dài nhiều năm, nhiều gian khổ, tổn thất hy sinh nhưng đã giành thắng lợi lớn. Ta đã bảo vệ được vùng đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc bằng trí, bằng lực, bằng sự dũng cảm thông minh của bộ đội, sự ủng hộ của toàn dân.
Trung tướng Đặng Quân Thụy cũng cho biết, ông đã gặp một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đề đạt ý kiến xây dựng một khuôn viên tưởng niệm cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc cho tất cả các tỉnh đặt tại huyện Vị Xuyên. Khuôn viên đặt ở Vị Xuyên phải đủ rộng lớn, bao quát, đại diện cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân các tỉnh để đồng bào cả nước tới đó tri ân các anh hùng liệt sỹ và những đóng góp to lớn của toàn dân cho cuộc chiến đấu này. Bởi đó là thắng lợi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sau thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Ông mong muốn tỉnh Hà Giang lưu giữ, bảo tồn các khu vực như Làng Pinh, Coóc Nghè, các hang hầm... để người dân sau khi tới Khuôn viên tưởng niệm lên tham quan, hình dung lại mặt trận Vị Xuyên, nhắc nhớ thế hệ sau về trang sử đấu tranh kiên cường, anh dũng của cha anh vì từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Bút ký của Nguyễn Việt Chiến