Tai họa từ việc..."sướng như bà hoàng"
Thời thanh nữ, Nguyễn Thị Nga (SN 1978, ngụ phố Nguyễn Trường Tộ, Ba Đình, Hà Nội) đẹp nhất nhì khu phố. Khi cô lên xe hoa năm 20 tuổi, nhiều thanh niên đã phải ngẩn ngơ tiếc rẻ, thầm ghen tị với anh chàng may mắn. Ngày Nga mới lấy chồng, nhiều người hàng phố không khỏi ngạc nhiên khi người đẹp như cô lại chọn một chàng trai không có gì nổi trội. Nhưng hơn một năm sau, họ đã phải thán phục sự sáng suốt của Nga.
Khởi đầu chỉ là nhân viên, đến khi vợ chồng đón đứa con gái đầu lòng, chồng Nga đã được cất nhắc lên vị trí phó giám đốc công ty. Thời điểm đó, nghề thiết kế quảng cáo rất ăn khách, trong khi các công ty chuyên về lĩnh vực này lại không nhiều. Có lẽ vì thiết kế đẹp, biết giữ uy tín, công ty của chồng Nga luôn nhận được những hợp đồng béo bở.
Cùng với sự phát triển của công ty, gia cảnh nhà Nga ngày càng phất lên như "diều gặp gió". Khoảng năm năm sau ngày cưới, khi đứa con trai thứ hai chào đời, vợ chồng cô đã mua được nhà cửa khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi sang trọng. Có nằm mơ cũng không ai dám nghĩ, chỉ vài năm sau đó, ngôi nhà hạnh phúc đã sụp đổ dưới một tay Nga.
Có lẽ sai lầm đầu tiên của người chồng là quá yêu chiều vợ mình. Cưới được người đẹp, anh "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Không chỉ không cho vợ đi làm, đến những việc như nội trợ, chăm con, anh cũng chẳng để Nga mó tay. Người chồng thuê liền hai người giúp việc, một chuyên làm việc nhà, một chuyên chăm sóc trẻ, để vợ không phải vất vả, sợ "hao mòn" nhan sắc.
Bao nhiêu tiền làm ra, anh còn đưa hết cho vợ "tay hòm chìa khóa", để vợ thoải mái mua sắm, tiêu pha. Nhìn sự chiều chuộng ấy, người dân phố tấm tắc bảo nhau: "Cái Nga lấy chồng sướng như bà hoàng".
Có điều, cổ nhân vẫn nói "nhàn cư vi bất thiện", tai họa đến chính từ cái sự "sướng như bà hoàng" ấy. Cả ngày không có việc gì làm, Nga thường xuyên tụ tập cùng một nhóm phụ nữ cũng rảnh rỗi như mình, hết đi mua sắm lại rủ nhau cà phê "chém gió".
Khi đã nhàm chán tất cả những việc đó, họ chuyển sang đánh bài giết thời gian, ban đầu chỉ được thua vài chục đến vài trăm nghìn. Tuy nhiên, với những người thiếu kiềm chế, mê cờ bạc cũng như cơn nghiện rượu, cơn phê ma túy. Càng chơi nhiều càng quen tay, thói đỏ đen chỉ có tăng chứ không thể giảm. Từ ý nghĩa chơi cho vui, dần dần, nhóm phụ nữ đã chuyển sang sát phạt thực sự, các canh bạc ăn thua vài triệu đến cả chục triệu đồng.
Sẵn tiền chồng đưa, Nga thoải mái vung ra trên chiếu bạc. Nguy hiểm hơn, ngoài bài lá, cô còn "nghiện" thêm cả các "môn đỏ đen" khác như lô đề, cá độ bóng đá. Chẳng mấy chốc, người đàn bà đẹp đã trở thành “con ma cờ bạc”.
Cả phố đều kinh hoàng trước sự thay đổi đến chóng mặt của Nga. Chỉ duy nhất một người không biết, đó là chồng cô. Cả ngày lăn lộn ở công ty, đêm tối về mệt mỏi ngủ vùi. Quá tin, quá yêu, người chồng không hề biết vợ mình đã hư hỏng đến mức nào.
Thấy vợ đánh bạc kiếm tiền nhanh, chồng cũng bỏ bê công việc để... theo vợ
Vỡ nợ đến không còn nhà mà ở
Giới đỏ đen có câu "cờ bạc đãi tay mới", Nga chính là trường hợp đó. Chơi lô đề, cô đánh đâu trúng đó. Cá độ bóng đá, cô "bắt" trận nào thắng trận đó. Dựa vào may mắn, lại sẵn tiềm lực kinh tế, cô còn chơi lớn và vô cùng liều mạng. Nga không ngại đánh lô đề theo kiểu "mắc màn ngủ quên". Đây là "tiếng lóng" mà giới đỏ đen dùng để chỉ những tay chơi có "lá gan cóc tía".
Ví dụ, ngày hôm nay, người chơi trúng một "số lô" được cả gốc lẫn lãi là một triệu đồng. Ngày hôm sau, người chơi sẽ dùng toàn bộ số tiền đó cược vào chính "số lô" đã trúng hôm trước. Thử tưởng tượng, số tiền được không phải là 1 triệu, mà là 10 triệu hoặc 100 triệu, mới có thể hiểu cách chơi đó không dành cho những người "yếu bóng vía".
Gặp vận đỏ, khoảng năm 2005, "mắc màn ngủ quên" trong liền 5 ngày, Nga thắng bạc lên tới gần 6 tỉ đồng. Giới cờ bạc trong khu vực rúng động, người dân phố nơi Nga sinh sống xôn xao bàn tán. Đến lúc này, Nga không thể giấu chồng được nữa.
Mà có lẽ, cô cũng chẳng cần phải giấu giếm. Người chồng lăn lộn kiếm tiền nhiều năm trời chưa chắc đã bằng vợ đánh bạc trong có... 5 ngày.
Không ai biết vợ chồng Nga đã nói với nhau những gì, chỉ thấy rằng họ cùng nhau đi mua ô tô tiền tỉ, rồi từ vị trí người chơi, Nga "nhảy phốc" lên làm chủ cờ bạc. Cô nhận hàng loạt bảng lô đề, thậm chí còn vươn tay kinh doanh cả mạng cá độ bóng đá.
Người chồng không đủ dũng khí để khuyên răn, trái lại, còn dần bị cuốn theo đam mê đỏ đen của vợ mình. Vị phó giám đốc chăm chỉ ngày nào giờ bỏ bê công việc, ngày ngày lái chiếc xế hộp đắt tiền, chở vợ đi thu tiền cờ bạc. Túi quần sau của anh luôn có tờ báo chuyên về thể thao, trên đó ghi đầy đủ tỉ lệ cá cược của nhiều trận bóng đá quốc tế. Chẳng mấy chốc, chồng Nga cũng trở thành con ma cờ bạc như vợ mình.
Chưa đầy một năm sau vụ thắng bạc tiền tỉ, vợ chồng Nga bắt đầu xuống dốc không phanh. Khi vận đen "gõ cửa", họ đụng đâu thua đó. "Ôm" lô đề, "ôm" mạng bóng đá, người chơi đều thắng liên tiếp. Thua hết tiền mặt, cay cú gỡ gạc, vợ chồng Nga liều mạng đi vay "tín dụng đen".
Lãi suất cắt cổ cộng với vận rủi không buông tha khiến của cải trong nhà họ dần dần "đội nón ra đi", sau xe hơi là các đồ đạc đắt tiền khác. Đến một ngày, căn nhà cũng phải bán theo hình thức gán nợ, trị giá gần 5 tỉ nhưng vợ chồng Nga chỉ được cầm về vài trăm triệu đồng.
Thua đến mức ấy, cặp đôi vẫn không thể tỉnh ngộ. Số tiền dù đủ để mua một ngôi nhà nhỏ ở những nơi xa trung tâm, tuy nhiên, họ dắt díu vợ chồng con cái đi thuê nhà, dành tiền tiếp tục thử vận đỏ đen. Vợ chồng thua hết số tiền còn lại, tay trắng trở về tay trắng.
Tệ hại hơn, người chồng vì sao nhãng công việc, đã bị công ty sa thải. Có lẽ vì chán nản, cùng quẫn, anh ta sinh thói nghiện rượu chè. Người chồng chăm chỉ, hiền lành, rất mực yêu vợ trước kia, đã trở thành con người khác. Mỗi lần say xỉn, anh ta đều về kiếm cớ chửi mắng, đánh đập Nga. Hạnh phúc đang bên bờ của sự tan vỡ.
Theo Pháp luật Xã hội