TS Nguyễn Đức Liễn – chuyên gia tư vấn thủy điện, thủy lợi cho rằng, làm đập tạm bằng bao cát chặn dòng Quảng Huế để hướng nước sông Thu Bồn vào sông Ái Nghĩa chảy về Đà Nẵng thì được, nhưng nếu làm một đập kiên cố về lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tự nhiên, xã hội nếu quản lý không tốt.
“Đặc biệt vùng Hội An sẽ gánh chịu hậu quả, bởi suy cho cùng, đập thủy lợi chặn dòng Quảng Huế là một Đăkmi 4 lặp lại ở vùng hạ du. Chắc chắn người ta sẽ lại làm cống dưới thân đập để điều tiết, nhưng với sự phối hợp chưa nhịp nhàng giữa các địa phương, các ngành như hiện nay, khả năng ảnh hưởng tiêu cực là lớn”.
Theo TS Liễn, xây đập tạm bằng bao cát, tốn gần 1 tỷ đồng rồi đến mùa lũ tự giải quyết theo hướng để nước cuốn trôi, hay đập kiên cố hàng chục tỷ đồng là công việc của nhà đầu tư thủy điện Đăkmi 4 chứ không phải việc của chính quyền.
“Ông (Đăkmi 4 – PV) gây ra chuyện thiếu nước thì về nguyên tắc phải lo mà đi bù nước. Trước tiên, ông phải luôn tuân thủ xả 25m3/s trong mùa kiệt theo nhu cầu của Đà Nẵng. Không còn giải pháp nào khác thì ông phải đi mua nước nơi khác mà bù. Đó là nước sông Thu Bồn. Vì thế, tốn bao nhiêu tiền xây đập là lãnh đạo nhà máy Đăkmi 4 bỏ ra chứ không phải nhà nước”.
TS Liễn nói, trong năm 2009-2010 ông cùng với các chuyên gia thủy điện – thủy lợi Đà Nẵng đã kiến nghị với Chủ tịch TP Đà Nẵng khi đó là ông Trần Văn Minh, và sau đó giữa lãnh đạo Đà Nẵng với lãnh đạo nhà máy Đăkmi 4 thông qua hợp đồng nguyên tắc bắt buộc Đăkmi 4 phải trả 25m3/s về lại sông Vu Gia khi Đà Nẵng cần. Nguyên tắc này sau đó được thể hiện cao nhất bằng công văn của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 29/4/2010. “Nếu cần thiết phải đưa ra tòa án giải quyết”, TS Liễn khẳng định.
Ông Huỳnh Vạn Thắng – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu làm đập kiên cố, đó sẽ là loại đập tràn, có cống điều tiết và ít nhất phải mất 20 tỷ đồng. Đồng quan điểm với TS Liễn, ông Thắng cho rằng, kinh phí xây đập phải do bên gây ra thiếu nước ở sông Vu Gia chịu, cụ thể ở đây là Nhà máy Thủy điện Đăkmi 4.
Theo Tiền phong