Vậy là cuộc phiêu lưu của người đẹp Nguyễn Thị Lệ Nam Em tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2016 (Miss Earth) đã dừng lại trong sự tiếc nuối của biết bao người hâm mộ. Bởi họ tin rằng, nếu không có sự cố ở phần thi ứng xử khi cả Nam Em lẫn người phiên dịch đều lúng túng với phần trả lời và phần dịch sang tiếng Anh thì có lẽ cô đã lọt vào top 4 của cuộc thi chứ không dừng ở top 8 như hiện tại.
Nhiều khán giả cũng đánh giá, phần trả lời của cô ngắn gọn, súc tích và bám sát với chủ đề câu hỏi. Chỉ tiếc rằng thay vì trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh, cô lại lựa chọn tiếng Việt và phải thông qua chuyển ngữ. Nhưng không may đúng lúc quan trọng thì người phiên dịch bị “khớp” nên phần thi của cô bị mất điểm nghiêm trọng.
Một lần nữa, ngoại ngữ tiếp tục trở thành vấn đề lớn của người đẹp Việt khi "đem chuông đi đấm xứ người". Thậm chí nó còn trở thành nỗi ám ảnh với cả giới truyền thông khi mà nếu có thí sinh nào nói tiếng Anh trôi chảy, rất nhiều bài báo được đăng tải để thể hiện sự thán mục, mến mộ. Tại sao vậy? Vì chuyện thí sinh Việt Nam nói bập bẹ tiếng Anh và trình độ chỉ đủ để diễn đạt nội dung cơ bản đã là nỗi buồn thường trực của chúng ta. Thế nên thí sinh nào nói tốt tiếng Anh đã là giỏi giang lắm rồi!
Và một lần nữa, tiếng Anh lại được mang ra làm bức bình phong chống đỡ cho những lời chỉ trích về thất bại. Nhiều người bao biện rằng, các thí sinh của chúng ta đâu thua kém thí sinh Thái Lan, Phillippines, Nhật Bản … về nhan sắc. Chỉ tội họ không thạo ngoại ngữ mà thôi! Vì thế việc lọt vào top cuối cùng trong những cuộc thi nhan sắc uy tín vẫn được cho là thành công với chúng ta.
Xét ở khía cạnh nào đó, lý do trên cần được cảm thông. Bởi lẽ việc đào tạo hoa hậu ở ta chưa thành một nghề giống như ở Venezuela, ở Phillippines? Các thí sinh chủ yếu vẫn tự thân vận động dưới sự bảo trợ của những công ty quản lý chưa đủ tầm để tạo nên ảnh hưởng trên bình diện quốc tế.
Xin dẫn một ví dụ ở cường quốc sắc đẹp Venezuela (đất nước có tới 6 Hoa hậu Thế giới, 7 Hoa hậu Hoàn vũ, 6 Hoa hậu Quốc tế và 2 Hoa hậu Trái đất cùng vô số danh hiệu khác). Các bé gái từ 10 - 12 tuổi được tuyển lựa phải sống trong những lò đào tạo hoa hậu với những quy định sống, học tập, làm việc không khác gì trại lính. Tất cả đều vô cùng gian khổ và tính đào thải cực cao.
Thế nên để giành vương miện hoa hậu ở những cuộc thi tầm quốc tế, thí sinh đâu chỉ cần mặt xinh, dáng đẹp, trình diễn khéo léo. Thực tế cũng cho thấy, nhiều thí sinh lên ngôi hậu ở các cuộc thi lớn có thể không nổi bật về nhan sắc nhưng sự sắc sảo, thông minh và khả năng ứng xử của một công dân toàn cầu thì họ lại có thừa.
Và với thương hiệu đã có của mình, các thí sinh đến từ những cường quốc sắc đẹp dễ dàng tạo ấn tượng với ban giám khảo. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang trong quá trình xác lập vị trí trong bản đồ sắc đẹp thế giới nên dù chỉ một sơ suất nhỏ của thí sinh Việt, mọi cố gắng đều đổ sông đổ bể. Đó là chưa kể phần trả lời ấp úng, thiếu tự tin và chỉ đáp ứng yêu cầu phát ngôn cơ bản (như trường hợp của thí sinh Nam Em đề cập ở đây) thì việc không lọt vào top cuối cùng cũng dễ hiểu.
Thế nên người viết cho rằng, những cản trở ngôn ngữ đôi khi cũng chưa hẳn là vấn đề thực sự. Bởi một trong những mục tiêu lớn nhất khi người đẹp Việt tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế là quảng bá vẻ đẹp con người, là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và bạn bè trên khắp châu lục. Muốn như vậy sức một người khó có thể làm được.
Cũng như xây dựng một thương hiệu, chúng ta cần quá trình đủ dài và sự cống hiến đủ lớn của nhiều thế hệ. Vì vậy việc lọt vào top 8 cuộc thi Hoa hậu Trái đất của Nam Em (và những thành tích ấn tưởng của nhiều người đẹp trước đây) là điều rất đáng vui mừng. Tuy nó chưa thể mang vinh quang ngay lập tức về cho quốc gia nhưng chắc chắn, đó sẽ là những viên gạch vàng để những thế hệ người đẹp sau này bước lên bục vinh quang cao nhất.
Phạm Văn