Bi kịch
Thời gian gần đây, nhiều chủ trại nuôi gấu lấy mật ở huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội - nơi đứng đầu về số lượng gấu nuôi và sản lượng mật gấu cung cấp cho thị trường - đã mất ăn, mất ngủ vì giá mật gấu rớt thê thảm. Từ đỉnh cao ở mức 200.000 - 250.000 đồng/1cc chưa chắc có hàng để bán, nay giá mật gấu chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/1cc. Sự "tuột dốc" thê thảm của giá mật gấu kéo theo tương lai của những gấu nuôi ở đây cũng bị đe dọa.
Theo nhẩm tính đơn giản của một chủ trang trại nuôi gấu, trung bình mỗi ngày, mỗi con gấu ăn hết 5 - 6kg gồm bột ngô, gạo, đậu xanh và các món ăn phụ. Tính ra, mỗi con gấu ăn hết ít nhất 1 triệu đồng/tháng (chưa kể 10.000 đồng/ngày trả tiền điện, nước, thuê người vệ sinh chăm sóc). Trong khi một năm, gấu chỉ cho hai lần chích rút mật, mức bình quân mỗi túi mật là 200cc (nhiều con do ăn uống kém, lúc chích rút xong chỉ được 70cc) bán giá 20.000 đồng thì chỉ được có 4 triệu đồng cho 6 tháng trời… Như thế, người nuôi gấu không lỗ nặng mới là điều lạ. Chính bởi vậy, trong thời điểm này, họ muốn "tẩu tán" gấu để tránh nợ, tránh đủ thứ.
Cảnh lấy mật gấu thời... hưng thịnh
Nếu theo cách tính toán này, một hộ nuôi từ 5 - 7 con gấu, mỗi tháng cũng "mất toi" hàng chục triệu. Lúc này, nhiều hộ chỉ còn biết nuôi cầm chừng bằng cách giảm khẩu phần ăn của gấu xuống đến mức tối thiểu nhất. Nuôi thì lỗ, một số chủ trại tính chuyện "thanh lý gấu" nguyên con cho bất cứ ai có nhu cầu.
Chẳng thế mà cách đây không lâu, làng Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) đã xảy ra câu chuyện, gây xôn xao dư luận vì hàng chục con gấu bỗng "mất tích" khi cơ quan kiểm lâm về kiểm tra. "Mất tích" không phải vì bị trộm mà theo cơ quan chức năng, gấu đã được các chủ trại chủ động "sang tay" - tức bán - cho các nhà hàng, khách sạn ở TP. Hạ Long (Quảng Ninh). Số gấu được chủ trại khai báo ốm, chết với cơ quan kiểm lâm cũng không ít.
Một cán bộ kiểm lâm (xin ẩn danh tính - PV) quản lý việc nuôi gấu trên địa bàn huyện Phúc Thọ cho hay, nhiều năm trước, làng Phụng Thượng nổi tiếng khắp miền Bắc vì khả năng cung ứng mật gấu. Nổi lên với những trang trại nuôi gấu tầm cỡ, nhà nào ít cũng có 4 - 5 con, hộ nào có điều kiện thì có tới 40 - 50 con. Ban đầu, ở Phụng Thượng chỉ có 8 hộ nuôi khoảng 100 con gấu, nhưng đến năm 2005, các trại gấu đã "bung ra" cả khu thị trấn Phúc Thọ, với tổng cộng là 59 trại gấu trên địa bàn huyện, số gấu nuôi nhốt trong trại hoặc khuôn viên gia đình là 325 cá thể.
Tất cả đều là nuôi trái phép, do người dân thu gom, mua bán từ những đường dây săn bắn, buôn bán gấu. Ngay sau đó, thực hiện chỉ đạo của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về quản lý số gấu nuôi, ngăn chặn tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên, toàn bộ các cá thể gấu ở Phúc Thọ được lực lượng kiểm lâm triển khai gắn chíp theo dõi, các trại đã được đưa vào hồ sơ quản lý.
Thế nhưng, khi những cc mật gấu chưa bằng giá một bát phở thì số lượng gấu cũng tụt đáng kể. Theo số liệu thống kê, đến hết quý I năm 2013, địa phương này chỉ còn 37 trại với 257 cá thể. Nguyên nhân, do gấu chết hoặc được chuyển đi nơi khác. Thê thảm đến mức các chủ trang trại phải tìm cách "tống khứ" những chú gấu đi càng nhanh càng tốt.
Đơn cử như trang trại của vợ chồng bà Lộc, từng có 83 con gấu nhốt kín vườn trên nhà dưới, nhưng khi giá mật rớt thê thảm, không kham được, vợ chồng bà đã chuyển giao 14 con cho trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam, còn lại phân giao cho anh em trong làng, xã. Từ bốn người làm thuê, nay gia đình bà chỉ giữ lại một, vị cán bộ kiểm lâm này cho hay.
"Hết nạc, vạc đến xương"
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, do toàn bộ gấu đã được lực lượng kiểm lâm gắn chip để theo dõi, quản lý nên hàng tháng, kiểm lâm đều xuống kiểm tra. Mất gấu, gấu không có chip thì trách nhiệm thuộc về các chủ nuôi và bị xử lý. Song, nếu được phép bán gấu, hiện nay, thủ tục cũng không đơn giản. Bên cạnh những người có tâm, họ mong muốn được chuyển giao gấu lại cho Nhà nước, thì một số kẻ đã tính nhiều chiêu thức nhằm "thanh lý" gấu bất cứ lúc nào, nếu có cơ hội thực hiện.
Tiếp cận một "đầu nậu" được khoe là có khả năng đáp ứng mọi nhu cầu của khách về gấu ở Hà Nội, tôi đặt thẳng vấn đề, muốn tìm ngay hai tay gấu đảm bảo chất lượng, chấp nhận gấu nuôi. Như bắt được "gà", T. - tên gã, vội ra giá thẳng thừng, 10 - 15 triệu đồng/cặp loại trung bình, nếu muốn loại cao cấp, chất lượng khỏi bàn thì giá 24 triệu đồng/cặp. Vừa nói, gã còn hắng giọng tặng luôn cả bình, cả rượu cho thực khách.
Giật mình với mức giá quá "khủng" của T., tôi đem thắc mắc về việc gấu ở Phúc Thọ đang "cho không chẳng ai dám nhận" nuôi, gã cười khì, vỗ vai tôi nói nhỏ: "Nói thế là chẳng biết gì rồi, thiếu gì cách để kiếm lời từ một chú gấu, làm cái nghề này phải thuộc câu châm ngôn "hết nạc thì vạc đến xương" nên khi những chú gấu không đem lại giá trị kinh tế từ mật nữa thì tay gấu vẫn còn đầy đủ giá trị".
Dần dà tôi cũng hiểu, theo cách lý giải của T. thì muốn một đôi tay gấu, thượng đế phải đặt trước ít nhất 3 ngày, trong khoảng thời gian đó, rất có thể một chú gấu đang sống khỏe trong một trang trại nuôi gấu sẽ bất ngờ lăn đùng ra chết. Đơn giản như vậy thì chủ gấu chỉ phải trình báo với các cơ quan chức năng, cộng thêm một vài thủ tục "lót tay", nó sẽ được khai tử đàng hoàng, còn tay gấu vẫn là của khách.
Trong vai một người đang cần tay gấu, PV Người Đưa Tin tiếp tục liên hệ đến một số điện thoại 0982899... được giao trên mạng là cung cấp mật gấu toàn miền Bắc. Kết nối thông, đầu dây bên kia cũng lập tức chào hàng với mức giá 26 triệu đồng/cặp tay gấu. Để thể hiện sự am tường, nhà cung cấp không quên đưa ra khuyến nghị: "Nếu mua không cẩn thận, không có địa chỉ tin cậy rất có thể mua phải tay gấu bị bệnh chết với mức giá có thể thấp hơn". Gã này cũng đảm bảo, tay gấu sẽ đảm bảo tươi, đẹp, không chứa chất bảo quản... 100% gấu giết mới để lấy tay.
Trước thông tin trên, đại diện bộ NN&PTNT cho biết: Theo đó, quy chế mới nhất về quản lý gấu nuôi được ban hành kèm theo Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN đã nêu rõ: Nếu chủ nuôi có nguyện vọng tự nguyện chuyển giao gấu lại cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh thì chỉ cần liên hệ với chi cục kiểm lâm ở địa phương mình để làm thủ tục chuyển giao sau khi được kiểm lâm xác nhận hồ sơ gấu là hợp pháp, đã gắn chíp theo dõi. Còn nếu bàn giao gấu trên phạm vi cả nước hoặc gấu bàn giao cho kiểm lâm tỉnh nhưng địa phương không có trung tâm bảo tồn, cứu hộ thì các chi cục kiểm lâm phải đề nghị cục Kiểm lâm (bộ NN&PTNT) xem xét, quyết định.
Đại diện bộ NN&PTNT cũng cho hay, một khi người dân không còn tha thiết nuôi gấu nữa thì Nhà nước phải có giải pháp cứu hộ, bảo tồn chứ không để bà con thả ra, mua bán trôi nổi hoặc giết thịt sẽ gây những hậu quả không tốt. Tuy nhiên, khi đề cập đến khoản "hỗ trợ" với người nuôi khi bàn giao từng cá thể gấu cho Nhà nước thì đại diện Bộ này lại cho rằng, khó thực hiện vì Nhà nước sẽ không đủ kinh phí để chi trả. Bên cạnh đó, với các trung tâm tiếp nhận, họ cũng phải bỏ kinh phí ra để nuôi các cá thể gấu được tiếp nhận này nên càng khó cho chi phí hỗ trợ.
Không đủ lực lượng để kiểm soát? Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phùng Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho biết: Chính quyền chưa nhận được bất cứ xin phép nào từ các hộ nuôi gấu về việc bán gấu, hay giết gấu. Việc bán phải xin phép vì khi nuôi các chủ trang trại đã được cơ quan thẩm quyền cấp phép, gắn chíp, nên muốn bán phải xin phép chứ không thể bán tự tiện được". Ông Tuấn cũng cho hay chính quyền không thể đủ lực lượng để kiểm soát được việc này, chính vì thế rất cần thông tin từ báo chí để làm rõ.
|
Vương Trần