Theo Daily Mail, nghiên cứu được thực hiện trên 14 phi hành gia tham gia các chương trình tàu con thoi của NASA, từng bay vào vũ trụ trong giai đoạn năm 1998 - 2001, trung bình mỗi chuyến du hành kéo dài 12 ngày. Khoảng 85% nhóm là nam giới và 6 phi hành gia tham gia sứ mệnh đầu tiên.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu máu của các phi hành gia hai lần. Lần thứ nhất vào 10 ngày trước khi bay vào vũ trụ và lần thứ hai là vào ngày hạ cánh. Họ cũng thu gom tế bào bạch cầu 3 ngày sau khi hạ cánh. Những mẫu máu được đưa vào tủ đông ở nhiệt độ -80 độ C và không mở ra trong 20 năm.
"Các phi hành gia làm việc trong môi trường khắc nghiệt, có rất nhiều yếu tố có thể gây đột biến, đặc biệt là bức xạ không gian", David Goukassian, Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Tim mạch tại Icahn Mount Sinai ở New York (Mỹ), nói.
Giáo sư Goukassian chia sẻ thêm, nghiên cứu mới dựa trên mối quan tâm ngày càng tăng đối với các chuyến bay vũ trụ thương mại và khám phá không gian sâu, cũng như rủi ro sức khỏe tiềm ẩn khi tiếp xúc với nhiều yếu tố gây hại gắn liền với sứ mệnh không gian dài ngày.
Nhóm nghiên cứu cho biết, các đột biến ADN của các phi hành gia trong nghiên cứu là dạng đột biến soma, nghĩa là đột biến ở các tế bào không phải là tế bào trứng và tinh trùng và không truyền sang các thế hệ sau.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp giải trình tự ADN và phân tích sinh học để xác định 34 đột biến trong 17 gene điều khiển sự phân chia và phát triển tế bào. Họ phát hiện các đột biến phổ biến nhất xảy ra ở TP3, một gene tạo ra protein ức chế khối u và DNMT3A, một trong những gene đột biến thường xuyên nhất trong bệnh bạch cầu cấp tính.
Mặc dù so với độ tuổi của các phi hành gia thì các đột biến này là bất thường nhưng mức độ đột biến vẫn nằm dưới ngưỡng gây lo ngại.
Giáo sư Goukassian phân tích, những đột biến này tồn tại có nghĩa là các phi hành gia trong nghiên cứu này có khả năng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn và một số dạng ung thư. Sự tồn tại của đột biến không nhất thiết có nghĩa phi hành gia sẽ mắc bệnh tim mạch hoặc ung thư, mà là những điều này có nguy cơ xảy ra thông qua tiếp xúc liên tục và kéo dài với môi trường khắc nghiệt của không gian.
Theo nhóm nghiên cứu, đánh giá sức khỏe của các phi hành gia sẽ là chìa khóa cho sự thành công trong tương lai, không chỉ sứ mệnh quay trở lại Mặt trăng mà còn cả sao Hỏa và hơn thế nữa.
Thông qua nghiên cứu, các nhà khoa học khuyến nghị NASA và đội ngũ y tế nên sàng lọc máu của các phi hành gia để tìm các đột biến soma và các bệnh lý khác sau mỗi 3 - 5 năm và ngay cả khi các phi hành gia đã nghỉ hưu, thời điểm các loại đột biến này có thể phát triển.
Nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Nature Communications Biology.
Minh Hoa (t/h)