Làng Minh Lệ - tên chính là Minh Lễ - một làng nhỏ bán sơn địa gần thị trấn Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình, nơi thầy sinh ra, sống thuở ấu thơ, học phổ thông ở trường huyện, sau đó mới ra Hà Nội học đại học, rồi sang Nga học tiếp nghiên cứu sinh. Rời làng đến cả nửa thế kỷ, đi Pháp, đi Mỹ, đi Trung Quốc, Hàn Quốc trong vai một trong những chuyên gia hàng đầu về văn học Việt Nam trung cận đại, nhưng tôi chợt nhận ra khi cùng thầy về quê, rằng: đến cùng, dòng máu chảy trong con người này (và những con người tương tự) vẫn không phải máu của “công dân quốc tế” hay “công dân toàn cầu”, mà đó là máu làng.
Tôi nói như thế là vì tôi nhớ đến nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” nổi tiếng của nhà văn Kim Lân, viết thời đầu cuộc kháng Pháp. Ông Hai yêu cái làng của mình, hãnh diện về làng, và khoe làng bất cứ lúc nào có thể. Thì thầy tôi cũng thế.
Suốt cả hành trình ngồi trên xe để vào Trung, rồi từ Trung quay ra, thầy luôn miệng kể chuyện làngmình, có những chuyện từ tận mấy trăm năm trước. Chuyện về cái đình làng đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia và ông Thành hoàng được thờ trong đó. Chuyện về một ông cố nào đấy bên ngoại từng làm lãnh binh trong đội quân Cần vương của vua Hàm Nghi, đánh Pháp hăng lắm. Rồi chuyện ông thân và những ông chú trong họ mình theo Đảng từ rất sớm, hoạt động bí mật (có người là liệt sỹ) nhưng sau lại không đi theo ngạch đường quan, mà là dạy học, cả nhà đều dạy học, không đại học thì phổ thông. Chuyện về các họ Nguyễn họ Hoàng họ Trương họ Trần trong làng có người này người kia là giáo sư, phó giáo sư trong ngành toán ngành lý,v.v và v.v... Cứ thế miên man, rỉ rả suốt.
Chuyến về làng lần này, thầy nói, là về để “giỗ làng”. Không phải ngày hội làng, mà là ngày từ nhiều năm nay người làng tự đặt ra, ngày mùng một tháng Chạp (âm lịch) người làng đi làm ăn, lập nghiệp ở xa thì trở về, gặp gỡ nhau ở đình, thắp hương “báo công” trước ông Thành hoàng, rồi ăn bữa cỗ chung, xôi nếp với thịt lợn luộc chấm nước mắm cốt.
Đúng là, như tôi thấy, người về nườm nượp. Có người từ Hà Nội vào. Có người từ Đà Nẵng, từ Huế ra. Có người tít tận Sài Gòn cũng về dự “giỗ làng”. Không phải tất cả đều nhớ mặt biết tên nhau, nhưng họ biết nhau là người cùng một làng, và với cái tâm thức ấy, họ chan hòa với nhau, trò chuyện sôi nổi cùng nhau, kể cho nhau, khoe với nhau về gia đình và sự nghiệp, hỏi thăm nhau về những người này người khác nay còn sống hay đã mất, làm đến ông nọ bà kia hay chưa... Rồi chụp ảnh lưu niệm. Chụp đôi, chụp ba, chụp bốn, chụp tập thể, hết chụp đứng lại chụp ngồi, chụp say sưa phấn khởi và nhiều đến mức tôi... phát sợ, phải tìm cách lảng đi, kẻo đứng đấy “các cụ” sai chụp ảnh thì cũng đến chết mệt.
Nhưng tôi nhận ra, ít nhất trong trường hợp này, Hoài Thanh đã đúng khi ông nói ở thi tuyển “Thi nhân Việt Nam”, rằng trong mỗi người Việt Nam chúng ta đều có một người nhà quê. Chính cái gốc nông thôn, cái sự sinh ra từ làng ấy khiến những người như thế hệ thầy tôi gắn bó rất mật thiết với đất cát quê hương. (Cậu lái xe kể: ông thích về quê lắm, rất hay về. Có khi chẳng có việc gì quan trọng đâu, về thắp hương trong nhà thờ họ xong rồi quay xe ra Hà Nội luôn. Mà đường xá thì nào có gần gũi gì).
Có cái gì đó lạ lắm nối con người với cái làng của họ. Một cái gì đó mà những kẻ sinh ra ở phố như tôi, thế hệ tôi và thế hệ con tôi, không có, và bởi thế thấy khó hiểu. Hình như ở làng, với đồng ruộng, lũy tre, cái đình làng, từ đường các họ, thần tích thần phả, bãi tha ma của người làng... đã tạo thành một bầu khí văn hóa đặc trưng, một thứ “máu làng” chảy trong huyết mạch con người, mà càng có tuổi thì nó càng trở nên đậm đặc. Còn sinh ra ở phố, lớn lên trong các tiểu khu, các khu đô thị cũ và mới, sau này là các chung cư, với toàn kính, bê tông và con chíp điện tử các loại, có lẽ thật khó để người tacó được cái tâm thế như thế.
Sự vận động, chuyển động và biến đổi của cuộc sống là tất yếu và không thể đảo ngược. “Máu làng”, như nó chảy trong huyết mạch tinh thần của thầy tôi, đang ngày một ít đi và có thể là rất khác trước. Mà nghĩ về một thứ “máu phố” cho các thế hệ sinh ra ở đô thị bây giờ và sau này, thì không chắc nó có hay không? Nếu là không, thì kể cũng buồn thật, vì con người chúng ta sẽ phải sống như những kẻ bị tước đoạt ký ức. “Những đứa thất cước”, như một văn gia nào đấy đã từng viết.