Kết quả xét nghiệm cả 2 lần cho thấy, nhiều mẫu nước ở nhiều trường bị nhiễm vi sinh vật. Kết quả này khiến phụ huynh và các cơ quan chức năng không khỏi lo lắng về chất lượng vệ sinh nước uống cho học sinh hiện nay.
Theo báo cáo kết quả của Chi cục ATVSTP, trong đợt kiểm tra lần 1, đoàn đã lấy 19 mẫu nước uống đun sôi để nguội tại 19 trường học trên địa bàn tỉnh để làm xét nghiệm vi sinh cụ thể là kiểm tra coliforms và coliforms chịu nhiệt.
Trong đó, có 14 mẫu nước uống của 14 trường mầm non bị nhiễm vi sinh. Chi cục tiếp tục thành lập đoàn tiến hành kiểm tra lần 2, trong đợt hậu kiểm, đoàn tập trung kiểm tra 14 trường lần 1 có mẫu nước bị nhiễm vi sinh vật.
Đoàn đã lấy 27 mẫu nước tại bếp và tại lớp học của 14 trường, kết quả vẫn còn 13 mẫu nước của 10 trường bị nhiễm coliforms tổng hợp và coliforms chịu nhiệt, chỉ có 4 trường mẫu nước không còn nhiễm các nhóm vi sinh vật nói trên.
Bác sĩ Lê Đình Đờn – chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Sở Y tế Khánh Hòa cho biết, coliforms và coliforms chịu nhiệt là tên gọi chung của nhiều nhóm vi khuẩn đường ruột. Theo quy định của Bộ Y tế, trong nước uống không được phép có các nhóm vi khuẩn này, vì nếu có sẽ tồn tại một số vi khuẩn sẽ gây bệnh đường ruột, các cháu uống vào có thể bị đau bụng, đau tức thời hoặc một vài ngày sau có thể bị rối loạn tiêu hóa, ói mửa, đi cầu phân lỏng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các trường sử dụng nước uống đun sôi để nguội đều không thực hiện việc xét nghiệm các chỉ tiêu của nước sau khi đã nấu chín theo quy định của Bộ Y tế.
Điều đáng nói ở đây là nhiều trường đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, con người, trang thiết bị dụng cụ, nước sử dụng để đun sôi cho các cháu uống là nguồn nước máy, nhưng kết quả xét nghiệm mẫu nước đun chín vẫn nhiễm vi sinh.
Điều đó cho thấy từ trước đến nay, hầu hết tại các trường có bếp ăn tập thế chỉ mới chú trọng khâu vệ sinh thực phẩm, chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề chất lượng vệ sinh nguồn cơ sở, phần lớn mang tâm lý chủ quan nước đã được đun chín là an toàn.
Cô Nguyễn Thị Hồng My – hiệu trưởng Trường mầm non Sơn Ca, TP. Nha Trang cho biết: “Nhà trường cũng đã có hướng khắc phục là chỉ đạo cho tất cả các bộ phận từ cấp dưỡng đến cô giáo đảm bảo nước cho các cháu. Đối với nhà bếp, các cô cũng đã nấu nước 10- 15 phút. Sau đó lắng cặn mới đưa đến lớp cho các cháu. Hàng ngày, các cô phải trụng nước sôi đối với các bình lọc, sau đó mới đổ nước vào cho cháu uống”.
Theo cô Phạm Thị Kim Loan – phó hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Cửu Long, TP. Nha Trang: “Nước kiểm tra vừa rồi bị nhiễm theo tôi nghĩ đây là vi khuẩn chịu nhiệt, chúng tôi chỉ đun sôi trên 5 phút, có thể nước đầu nguồn đã bị nhiễm khuẩn. Sau khi thực hiện chỉ đạo của Phòng, thì chúng tôi đun trên 10 phút, sau đó lấy nước này đi xét nghiệm ở viện Pasteur thì kết quả không bị nhiễm nữa”.
Sau khi Chi cục ATVSTP báo cáo kết quả của lần kiểm tra thứ nhất, Sở Giáo dục& Đào tạo Khánh Hòa đã có công văn chỉ đạo các phòng Giáo dục và nhà trường giải quyết tình trạng này, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ học sinh. Một số trường có hướng khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan chức năng và các trường chưa xác định được nguyên nhân chính của tình trạng nước nhiễm vi sinh.
Hoàng Thiên Lý