"Mẫu số chung" của hàng loạt vụ bánh Trung thu "bẩn" vừa bị phát hiện

"Mẫu số chung" của hàng loạt vụ bánh Trung thu "bẩn" vừa bị phát hiện

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 2, 29/08/2022 14:00

Lực lượng chức năng vừa phát hiện nhiều vụ kinh doanh, vận chuyển số lượng lớn bánh Trung thu "bẩn" gây hoang mang dư luận.

Phát hiện bánh Trung thu "bẩn"

Gần đây nhất, ngày 26/8, Đội 4 - Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Tp.Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 25 - Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 2 vụ việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa là thực phẩm trên địa bàn thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Tp.Hà Nội.

Theo đó, tại địa chỉ tại số 97, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai. Vào thời điểm kiểm tra cơ sở kinh doanh do bà Ngô Thị Vân A. (SN 1985 ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) làm chủ, đã phát hiện có 1.057 xúc xích, 354 cái bánh Trung thu, 20 hộp bánh Fares.

Trên bao bì các sản phẩm này đều in chữ nước ngoài, không có tem phụ tiếng Việt. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng trên.

Toàn cảnh -  'Mẫu số chung' của hàng loạt vụ bánh Trung thu 'bẩn' vừa bị phát hiện

 Số hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ được phát hiện tại điểm tập kết hàng hóa của cửa hàng KENFRUITS.

Vụ thứ hai, tại khu vực trước cửa số nhà 97, tổ 2, khu Xuân Hà, thị trấn Xuân Mai, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra xe ô tô, BKS 30F-938.xx đang dừng đỗ để bốc xếp hàng hóa là bánh trung thu, trên bao bì in toàn chữ nước ngoài. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có 351 hộp bánh trung thu, gồm 2.808 cái bánh, trên bao bì in chữ nước ngoài. Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng, kiêm lái xe là ông Đoàn Đức T. (SN 1995, trú tại khu Tân Xuân, thị trấn Xuân Mai) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng hóa trên. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, tạm giữ số hàng hóa của cả 2 vụ việc nêu trên để xác minh, xử lý theo quy định.

Tương tự, sáng 24/8, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Tp.Hà Nội) phối hợp với Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra điểm tập kết bánh trung thu tại khu vực ngõ 89 Lạc Long Quân, quận Tây Hồ.

Vào thời điểm trên, lực lượng liên ngành phát hiện hơn 4.700 bánh các loại không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Nguyễn Thị Bích Ngọc (sinh năm 1993, ở tỉnh Quảng Ninh) - chủ sở hữu số hàng trên cho biết, nhận thấy nhu cầu tiêu dùng mặt hàng bánh trung thu do nước ngoài sản xuất là rất lớn nên đã thu mua các loại bánh trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời.

Tại “thủ phủ” sản xuất bánh kẹo xã La Phù (huyện Hoài Đức) vào giữa tháng 8/2022, khi kiểm tra cửa hàng bánh kẹo Dũng Hải, cơ quan chức năng bắt quả tang tại đây đang bán 10.800 chiếc bánh trung thu có nhãn ghi bằng tiếng nước ngoài. Theo giá niêm yết tại cửa hàng, một chiếc bánh có giá 2.500 đồng nhưng khi đến tay người tiêu dùng có thể được “thổi giá” lên gấp hàng chục lần... 

Toàn cảnh -  'Mẫu số chung' của hàng loạt vụ bánh Trung thu 'bẩn' vừa bị phát hiện (Hình 2).

Bánh trung thu mini giá rẻ không rõ nguồn gốc được bán theo cân và theo thùng.

Theo Trung tá Nguyễn Thành Trung, Phó Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an Tp.Hà Nội, vào dịp Tết Trung thu, nhu cầu sử dụng bánh trung thu của người dân tăng cao nên nhiều đối tượng đã tìm mua các loại bánh trung thu và nguyên liệu sản xuất bánh trung thu có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài trên thị trường tự do để về bán kiếm lời. Những thực phẩm trên không được kiểm soát chất lượng nên có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng thời, Trung tá Nguyễn Thành Trung khuyến cáo người dân hãy tự bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình bằng việc sử dụng những hàng hóa, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; không nên mua và sử dụng những hàng hóa, thực phẩm không có nhãn mác hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Công an Tp.Hà Nội khẳng định, những ngày tới là cao điểm tiêu thụ bánh trung thu, nên đơn vị tiếp tục tăng cường tuần tra địa bàn, đặc biệt vào khung giờ mà các đối tượng thường lợi dụng để tập kết, vận chuyển hàng không rõ nguồn gốc để đấu tranh, triệt phá. Tất cả nhằm giữ cho thị trường bánh trung thu an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về phía Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường giám sát chủ động kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, xác định sản phẩm thực phẩm phục vụ Tết Trung thu không bảo đảm an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm, triệt để theo đúng quy định.

Dấu hỏi chất lượng bánh siêu rẻ

Trung tá Nguyễn Đăng Hải, Phó Đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm (Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội) nhận định, “mẫu số chung” trong các vụ việc vừa phát hiện là đầu vào của sản phẩm bánh trung thu không rõ nguồn gốc thường rất rẻ. Nhưng khi được đóng mẫu mã đẹp, đến tay người tiêu dùng sẽ trở thành mức “giá trên trời”. Giá thành những sản phẩm này thường đi cùng chất lượng kém và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, một hộp bánh Trung thu thương hiệu quốc gia tầm trung có giá từ 200.000 đến 400.000 đồng/tùy loại. Năm nay, nguyên liệu tăng từ 10% đến 15%, nên nhiều hãng bánh tăng giá bán. Trong khi đó, các mặt hàng bánh siêu rẻ, không rõ nguồn gốc được rao bán trên mạng xã hội với rất nhiều lời giới thiệu hấp dẫn, như không có chất bảo quản, hương vị truyền thống, an toàn..., song giá thành lại rất rẻ.

Toàn cảnh -  'Mẫu số chung' của hàng loạt vụ bánh Trung thu 'bẩn' vừa bị phát hiện (Hình 3).

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng hóa.

Qua tìm hiểu trên thị trường, bánh Trung thu mini được quảng cáo là sản phẩm nhập khẩu, trên vỏ bao bì đều ghi chữ nước ngoài, nhưng không ghi hạn sử dụng. Tại sàn thương mại điện tử, giá bán loại bánh này chỉ dao động từ 3.000-6.000 đồng/chiếc với nhiều chủng loại mới hút khách. Hay tại nhiều con đường, tuyến phố tại Hà Nội, bánh Trung thu “cân” (bán theo cân) được bày bán tràn lan.

Chuyên gia thực phẩm Nguyễn Duy Thịnh cho biết, để làm ra một chiếc bánh Trung thu cần rất nhiều nguyên liệu như bột mì, trứng, sữa, các loại hạt… Với giá chỉ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc thì rất khó để đảm bảo chất lượng sản phẩm. “Chưa kể, để có giá thành rẻ, kéo dài thời gian sử dụng, nhà sản xuất có thể sử dụng các loại phẩm màu, đường hóa học, chất bảo quản không được phép sử dụng, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng”, ông Thịnh nêu.

Ông Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi, đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế. Cần xem kỹ nhãn mác của sản phẩm, thông tin về ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Đặc biệt, không mua, không sử dụng bánh Trung thu không nhãn mác, hay bao bì bị rách, có màu sắc khác thường hoặc mùi vị khác lạ.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, nhiều quận, huyện của thành phố đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thanh, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm; yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bánh Trung thu ký cam kết không vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm...

Thanh tra Bộ Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo đơn vị chức năng tổ chức triển khai, chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Trung thu.

M.Vy (Tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.