Tấm poster xuất hiện ở thành phố Kyoto từ đầu tháng và tạo ra một làn sóng tranh cãi trên mạng xã hội. Người ta phát hiện bức ảnh gốc của tấm poster được đẩy lên kho dữ liệu ảnh Getty Images, ghi rõ “sản xuất tại Bắc Kinh” và được gắn nội dung “dân tộc Trung Quốc”.
Phát hiện này là một vấn đề lớn ở Nhật, bởi tinh thần dân tộc là một yếu tố luôn được đặt lên hàng đầu tại đất nước mặt trời mọc. Hơn nữa, quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Từ khoá “Tinh thần dân tộc Made in China” bắt đầu lan toả tại Nhật.
“Điều này nhắc tôi nhớ về những chiếc mũ trong chiến dịch “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Trump cũng được sản xuất tại Trung Quốc”, BBC dẫn lời một người dân Nhật, “Trung Quốc dường như đang hỗ trợ tất cả những người yêu nước trên thế giới”, người này mỉa mai.
Khi được hỏi về việc sử dụng hình ảnh, Blue Jean Images, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, đơn vị sản xuất tấm ảnh gốc, cho biết: “Chúng tôi không có bình luận gì vì đây là một vấn đề nhạy cảm”.
Tuy nhiên, công ty này đã xác nhận với BBC rằng người mẫu là người Trung Quốc và bức ảnh được chụp năm 2009.
Jinja Honcho, một hiệp hội tôn giáo, là đơn vị phát hành tấm poster gây tranh cãi. Khi được hỏi, đại diện của đơn vị này cho Huffington Post cho biết đây không phải vấn đề gì to tát vì họ “không nói cụ thể người mẫu trong poster là người Nhật”.
Sự việc không chỉ tạo một làn sóng dư luận ở Nhật mà còn là chủ đề thu hút tại Trung Quốc.
T.X (theo BBC)