Đòn đánh không nương tay của Tổng thống Trump đối với Iran là chiến thắng dành cho các quốc gia Ả Rập, nhưng nó có thể mang đến mối nguy hại cho Washington khi Tehran giờ đây đã mạnh mẽ hơn rất nhiều so với 40 năm trước.
Với cảnh báo vào tuần trước rằng Iran đã "nằm trong tầm ngắm" cùng việc áp lệnh trừng phạt mới đối với Iran, chính quyền Trump cho thấy một sự cứng rắn hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm Barack Obama - vốn đã có một thỏa thuận hạt nhân với Iran, giúp hai nước có khoảng thời gian hiếm hoi trở nên hòa dịu.
Giới quan sát dự đoán, tình hình khu vực hiện nay sẽ căng thẳng trở lại giống thời đại của George W. Bush - khi Mỹ và Iran cuốn trong cuộc chiến ở Iraq; xung đột Sunni-Shiite sẽ leo thang và đồng minh Israel của Mỹ sẽ khơi mào một cuộc chiến với lực lượng Hezbollah do Iran hậu thuẫn ở Lebanon.
"Để đối đầu với Iran hay đẩy lùi sức mạnh của quốc gia này, Mỹ có thể rơi vào cuộc xung đột sâu rộng hơn, tới mức gây tổn hại đến nền kinh tế toàn cầu", Nicholas Heras từ Trung tâm an ninh mới của Mỹ nhận định.
Theo Washington Post, chưa cần đợi đến lúc Tehran phát triển công nghệ tên lửa có khả năng tiến công các căn cứ và đồng minh ở Trung Đông của Mỹ, với tiềm năng và mạng lưới quân sự hiện tại, Iran đang trở thành một trong những thế lực mạnh nhất ở khu vực.
Iran có thế mạnh địa lý bao quát từ Địa Trung Hải; biên giới các nước NATO cho đến biên giới Israel và dọc theo mũi phía nam của bán đảo Ả Rập. Lực lượng đông đúc của quốc gia này cũng có mặt tại Syria, Iraq và Yemen với các loại xe bọc thép, xe tăng và vũ khí hạng nặng.
Lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Viện Nghiên cứu Chiến tranh Mỹ lưu ý trong một báo cáo tuần trước rằng, Iran đã phát triển năng lực tác chiến quân sự tầm xa ra khỏi biên giới hàng trăm km. "Khả năng này, rất ít các quốc gia trên thế giới có được, và về cơ bản nó sẽ làm thay đổi các tính toán chiến lược và cân bằng quyền lực trong khu vực Trung Đông", báo cáo nêu rõ.
Trong khi đó, với lệnh trừng phạt mới nhât từ Washington, các đồng minh Ả Rập dòng Sunni của Mỹ vốn phàn nàn về sự nhún nhường của chính quyền Obama nay đã cảm thấy vui mừng khi Tổng thống Donald Trump đang thể hiện một thái độ ngược lại.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, một sự đối đầu thẳng thừng với Iran sẽ là điều mà bất kỳ chính quyền Mỹ ở thời nào cũng cần phải cân nhắc nếu không muốn làm xáo trộn các đồng minh, gây nguy hiểm cho người dân Mỹ, cũng như phá hoại các nỗ lực trong cuộc chiến chống lại khủng bố Nhà nước Hồi giáo và đưa sự ổn định khu vực trong thời gian qua bước vào sóng gió mới.
Cho đến nay, hành động trả đũa của Mỹ với việc Iran thử nghiệm tên lửa đạn đạo vào tuần trước vẫn nằm trong giới hạn. Iran cũng phản ứng một cách bình tĩnh trước những khiêu khích đến từ Washington. Trong khi Tổng thống Trump cảnh báo Tehran "đang đùa với lửa", cùng với việc áp lệnh trừng phạt và cử tàu khu trục USS Cole đến bờ biển Yemen, Ngoại trưởng Iran tuyên bố nước này sẽ "im lặng" trước các mối đe dọa xuất phát từ Washington. "Chúng tôi sẽ không bao giờ khởi động chiến tranh", ông nói.
Giới quan sát nhận định, Tehran tất nhiên cũnghiểu rằng nước này sẽ không có lợi ích gì nếu cố tìm một thái độ thù địch nghiêm trọng đối với Mỹ. "Dẫu vậy, nếu nhận phải một sự gây hấn khó chịu Iran sẽ không nhún nhường", một quan chức Iraq giấu tên đánh giá.
"Iraq, Iran và Mỹ là một phương trình cân bằng vô cùng tinh tế mà Trump không nên phá vỡ", quan chức này nói. "Ông ấy nên hành động một cách tế nhị".
Điều khó khăn hơn nữa dành cho Washington đó là tầm ảnh hưởng sâu rộng mà Iran đang có được trong cuộc chiến ở Syria. Iran và Nga đang cùng chung mục đích bảo vệ cho chính phủ hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad. Và giờ đây có thêm sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ. Thực tế Mỹ đang để lại quá ít đòn bẩy tại nơi đây ngoài người Kurd ở phía đông bắc đất nước.
Nga kiểm soát trên bầu trời Syria và Thổ Nhĩ Kỳ giữ tầm ảnh hưởng đối với phiến quân, trong khi Iran nắm giữ ảnh hưởng trên mặt đất, thông qua mạng lưới rộng lớn của lực lượng dân quân Shiite được kéo về từ Lebanon, Iraq, Afghanistan và Pakistan. Lực lượng này cung cấp nguồn nhân lực cho các tuyến từ vùng nông thôn phía bắc Aleppo, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, tới cao nguyên Golan giáp Israel ở phía nam.
Lời hứa của Tổng thống Trump trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran lại vô tình mâu thuẫn với mong muốn ban đầu của nhà lãnh đạo này trong việc tiến tới hợp tác chặt chẽ với Nga tại Syria và hỗ trợ cho tổng thống Assad, bởi ai cũng biết rằng Moscow và Tehran đang là đồng minh của nhau.
"Ông ấy không thể thù địch với Iran trong khi muốn hỗ trợ cho Assad. Mỹ không thể có cả hai điều cùng một lúc, Mustafa Alani, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh ở Dubai đánh giá. "Nếu muốn nghiêm túc với Iran, Mỹ chỉ còn cách tiếp tục con đường lật đổ chính phủ Assad như trước".
Đánh giá về sức mạnh của Iran, Alani cho rằng quốc gia Hồi giáo này không hẳn là mạnh mẽ, tuy nhiên lý do người Mỹ nên cảm thấy e ngại trước Iran chính là bản thân sức mạnh của Washington đã tự suy yếu.
Đọc thêm>>> Báo cáo mới: Trung Quốc diễn tập tấn công các căn cứ Mỹ ở TBD
Quốc Vinh